
Học sinh nghỉ hè đi làm thêm: Lợi ích và rủi ro
Những năm gần đây, vào dịp nghỉ hè, việc học sinh đi làm thêm đang ngày càng phổ biến. Thay vì chỉ vui chơi, nghỉ ngơi sau một năm học, nhiều học sinh lựa chọn đi làm thêm để trải nghiệm cuộc sống, rèn luyện kỹ năng, kiến thức thực tế, hiểu hơn về giá trị của lao động... Tuy nhiên, xung quanh lựa chọn này cũng đặt ra không ít vấn đề cần suy ngẫm về những lợi ích, rủi ro cũng như sự định hướng, quản lý từ phía gia đình.
Những bài học ngoài trang sách
Từ đầu tháng 6 đến nay, em Trần Minh Trí (SN 2009, trú tại phường Việt Hưng) đã dần làm quen với nhịp độ công việc mùa hè tại một khách sạn 4 sao ở khu du lịch Bãi Cháy. Thay vì những buổi sáng thảnh thơi ngủ nướng như bao bạn bè cùng trang lứa, Trí bắt đầu tập cho mình lối sống kỷ luật: Dậy sớm, chỉnh tề trong đồng phục, đến ca làm việc đúng giờ và nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Với vai trò là nhân viên phục vụ bàn, Trí đảm nhận những công việc chủ yếu là lao động chân tay như: Bày biện bàn ăn, lên món theo yêu cầu của khách, thu dọn, làm sạch khu vực phục vụ... Trong số các bạn vào làm cùng đợt với Trí, có bạn chỉ sau một tuần thử việc đã xin nghỉ vì công việc khá vất vả; có bạn vì nhà ở xa, không xoay xở được với lịch làm theo ca nên đành dừng lại… Bản thân Trí cũng thấy công việc khá áp lực, nhất là những dịp cuối tuần khách đông hay khách sạn có sự kiện hội nghị, đám cưới, hầu hết nhân viên phục vụ phải làm việc hết công suất, đi lại liên tục, chân tay mỏi nhừ song em vẫn cố gắng bám trụ vì muốn có trải nghiệm thực sự.
Minh Trí chia sẻ: Ngày cầm trên tay tháng lương đầu tiên, em mang về biếu bố mẹ. Khoảnh khắc ấy khiến cả em và bố mẹ đều xúc động. Sau 1 tháng làm việc, em càng thấm thía những lời dạy của bố mẹ để làm ra đồng tiền không hề dễ dàng. Dù là lao động trí óc hay chân tay thì mỗi công việc đều có những áp lực riêng, không việc nào là nhẹ nhàng cả. Từ đó, em càng hiểu và trân trọng hơn sự vất vả, hi sinh thầm lặng của bố mẹ để nuôi dưỡng và chăm lo cuộc sống đầy đủ cho ba anh em em.
Tương tự Minh Trí, em Trần Thị Ngọc Diệp (SN 2008, trú tại phường Bãi Cháy) cũng trải nghiệm công việc đầu tiên trong cuộc đời là nhân việc phục vụ bàn tại một nhà hàng buffet nổi tiếng ngay tại địa phương. Với lịch làm luân phiên theo ca sáng và tối, Diệp vẫn cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý để không ảnh hưởng đến các lớp học thêm chuẩn bị bước vào lớp 12 sau kỳ nghỉ hè này.

Tại nhà hàng, Diệp nhanh chóng hòa nhập nhờ không khí làm việc thân thiện và sự hỗ trợ nhiệt tình từ các anh chị quản lý. Cùng làm việc với em còn có một số bạn học sinh trường nghề đang thực tập, tạo nên một môi trường trẻ trung, gần gũi giúp em học hỏi được nhiều kỹ năng từ cách bưng bê, sắp xếp bàn ghế, dọn dẹp đến ứng xử với khách hàng… một cách bài bản và nghiêm túc.
“Em vui nhất là những hôm làm tốt được quản lý khen, có hôm còn được thưởng thêm. Mỗi ngày đi làm về, dù có mỏi chân, đẫm mồ hôi nhưng em cảm thấy trưởng thành hơn rất nhiều. Em học được cách kiên nhẫn, cẩn thận và đặc biệt là sự tôn trọng với những người lao động trong ngành dịch vụ. Số tiền nhỏ kiếm được em đã gửi mẹ để chuẩn bị mua sách vở, đồ dùng cần thiết cho năm học mới” - Ngọc Diệp chia sẻ.
Theo dự kiến, cả Minh Trí và Ngọc Diệp sẽ làm việc đến hết tháng 7 để chủ động thời gian nghỉ ngơi, chuẩn bị cho năm học mới. Thời gian trải nghiệm công việc đầu đời tuy ngắn nhưng đã để lại trong Trí và Diệp nhiều bài học quý giá. Với các em, đây không chỉ là một công việc làm thêm, tạo ra thu nhập, mà là hành trình khám phá bản thân, học cách vượt qua thử thách, sự tự lập, bản lĩnh, yêu lao động và quan trọng hơn cả là biết trân trọng những gì mình đang có.
Vai trò định hướng, quản lý từ gia đình
Làm thêm dịp hè đang trở thành xu hướng được nhiều học sinh lựa chọn như một cách để rèn luyện bản thân, tích lũy kinh nghiệm sống và trau dồi kỹ năng mềm. Thực tế cho thấy, những công việc thời vụ như phục vụ bàn, bán hàng,… vừa không đòi hỏi quá nhiều kiến thức, nghiệp vụ chuyên ngành, vừa giúp học sinh sớm tiếp cận với môi trường lao động thực tế, hình thành ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, sự chủ động và khả năng giao tiếp, ứng xử. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc đi làm thêm nếu thiếu sự định hướng, giám sát từ gia đình rất dễ dẫn đến những hệ lụy không mong muốn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Mới đây, trên địa bàn tỉnh là xảy ra vụ việc đau lòng khi 2 học sinh tử vong do bị giật điện khi làm thêm tại một quán bar ven biển trên địa bàn phường Bãi Cháy. Theo xác minh ban đầu của các lực lượng chức năng, 2 nạn nhân là học sinh của một trường trung học phổ thông. Các em tranh thủ kỳ nghỉ hè đi làm thêm tại quán bar thì không may gặp tai nạn thương tâm. Đây là lời cảnh tỉnh về sự lơ là trong việc tìm hiểu, lựa chọn môi trường làm việc an toàn, phù hợp với lứa tuổi của học sinh là đối tượng lao động chưa thành niên, cần được bảo vệ theo quy định pháp luật.

Pháp luật hiện hành cho phép người chưa đủ 18 tuổi được ký hợp đồng lao động, nhưng kèm theo đó là hàng loạt điều kiện, nguyên tắc và hạn chế nghiêm ngặt nhằm bảo đảm sức khỏe, an toàn và quyền lợi cho các em. Tuy nhiên, thực tế, không ít nơi nhận học sinh làm thêm không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm, không được tập huấn an toàn lao động, hoặc để các em làm việc quá sức trong môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt, một số mô hình kinh doanh dịch vụ như quán bar, nhà hàng… có thể xuất hiện những cám dỗ, tiêu cực mà các em với độ tuổi còn non nớt, thiếu kinh nghiệm sống rất dễ bị lôi kéo, ảnh hưởng.
Trước thực tế đó, vai trò của gia đình là vô cùng quan trọng. Phụ huynh cần là người đồng hành, định hướng, thẩm định môi trường làm việc cho con em mình trước khi quyết định để các em đi làm. Như trường hợp chị Bùi Kiều Chinh - mẹ của em Trần Minh Trí, đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn cho con làm thêm tại một khách sạn 4 sao nơi có môi trường làm việc chuyên nghiệp, an toàn, và đặc biệt là chị có mối liên hệ quen biết để yên tâm theo dõi quá trình làm việc của con. Trước khi đồng ý, chị chủ động trao đổi với chủ cơ sở để nắm rõ về khối lượng công việc, giờ giấc và các điều kiện làm việc, đảm bảo con vừa có trải nghiệm thực tế, vừa được rèn luyện tác phong, kỹ năng trong một môi trường văn minh thay vì để con tự tìm kiếm công việc tại những cơ sở kinh doanh không đảm bảo.
Rõ ràng, làm thêm dịp hè mang lại nhiều lợi ích cho học sinh, nhưng những giá trị đó chỉ thực sự phát huy trong môi trường lành mạnh, an toàn và có sự đồng hành, giám sát của gia đình. Phụ huynh không nên phó mặc hay để con “tự bơi” mà cần chủ động tìm hiểu kỹ tính chất công việc, người sử dụng lao động, đảm bảo việc làm phù hợp với thể chất, tâm lý lứa tuổi cũng như không ảnh hưởng đến nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là học tập. Việc làm thêm nên là cơ hội để các em trưởng thành, chứ không thể trở thành nỗi ám ảnh hay tai họa chỉ vì thiếu đi sự định hướng đúng đắn từ người lớn.
+ Sử dụng người lao động chưa thành niên phải đảm bảo sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách khi người lao động làm công việc này trên thực tế; + Người lao động chưa thành niên được hưởng những chế độ chăm sóc riêng so với người lao động đã thành niên. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động về các mặt lao động, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động; + Khi sử dụng lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động phải thông qua sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ; tiến hành lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ thông tin cơ bản về người lao động như họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; + Không chỉ sử dụng người lao động làm việc cho mình mà người sử dụng lao động còn phải tạo cơ hội để lao động chưa thành niên được học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. |
Ý kiến ()