
Bài 2: Chuyện của người vận động hiến tạng
Trong khi nguồn tạng ghép vô cùng hiếm, người bệnh thì mòn mỏi đợi chờ nhưng việc vận động hiến tạng cũng không phải là câu chuyện dễ dàng.
Đem câu chuyện của các bệnh nhân chạy thận giai đoạn cuối chia sẻ với bác sĩ CKII Nguyễn Bá Việt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ông cũng đầy trăn trở. Dường như, những phút suy tư đã làm cho vầng trán của ông thêm những nếp nhăn. Bác sĩ Việt cho chúng tôi biết rằng, danh sách những người được chỉ định ghép tạng đăng ký ghép ngày càng dài thêm. Danh sách này do Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia quản lý. Vì vậy, không có câu chuyện ưu tiên được ghép theo vùng miền địa phương dù cho người chết não hiến tạng là người của địa phương đó. Chuyện bệnh nhân nữ ở Quảng Ninh vừa được ghép thận từ một người hiến trong tỉnh là do sự hoà hợp của thận hiến với người ghép. Và hơn nữa, người được ghép là người đã đăng ký sớm hơn so với những trường hợp còn lại.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cả nước hiện có khoảng 10.000 bệnh nhân cần được ghép thận hoặc gan, trong đó số lượng bệnh nhân cần ghép thận là cực lớn. Vì thế, việc tư vấn thay đổi nhận thức cho nhân dân về vấn đề ghép tạng là rất quan trọng, giúp mở ra ánh sáng phía cuối đường hầm cho những bệnh nhân suy thận nặng đang lọc máu hàng tuần.
Cũng theo chia sẻ của bác sĩ Việt, khó khăn nhất vẫn là nguồn tạng để ghép. Tạng ghép nhận chủ yếu lấy từ người chết não nhưng câu chuyện cũng không dễ dàng gì. Bởi có người hiến rồi nhưng không phải muốn lấy tạng ra ghép là được ngay. Khi đã có bệnh nhân được chẩn đoán là chết não và đã đăng ký hiến tạng để lấy tạng ghép cho bệnh nhân khác còn là cả một câu chuyện dài.
Với trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, các bác sĩ sẽ xác định đây là trường hợp hiểm nghèo, phải dùng mọi nỗ lực để hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân trước. Đến khi mọi nỗ lực điều trị không hiệu quả, không còn cơ hội cứu chữa thì mới tiến hành đánh giá chết não. Quy trình này cũng hết sức khắt khe. Cả một hội đồng gồm rất nhiều bác sĩ, y tá, chẩn đoán hình ảnh được huy động tối đa. Hội đồng đánh giá chết não thế nào và phải đánh giá ít nhất 3 lần, hết sức khắt khe. Mỗi người một mảng, có ba nhóm cùng đánh giá, cuối cùng tổng hợp lại. Thậm chí có khi phải lấy ý kiến chuyên gia nước ngoài.
Bác sĩ Việt lý giải, để khẳng định một người chết não tất nhiên là căn cứ vào chuyên môn nhưng còn liên quan đến yếu tố tâm linh nữa. Đó là mạng sống của một con người chứ đâu phải cứ chăm chăm vào việc hiến tạng. Chỉ đến khi có kết luận cuối cùng là bệnh nhân đã chết não thì bộ phận tư vấn mới vào cuộc vận động gia đình xem có hiến tạng hay không. Trong suốt quá trình trước đó, tư vấn viên chỉ được tiếp cận chia sẻ, động viên người nhà bệnh nhân, tuyệt đối không được đề cập đến việc hiến tạng.

Để nhận được cái gật đầu hiến tạng
Ghép tạng từ bệnh nhân chết não rất khác với ghép tạng từ người cho sống. Bệnh nhân chết não là dạng mổ cấp cứu. Các bác sĩ không biết trước, không được chuẩn bị trước, không báo trước. Vì vậy, mọi việc phải hết sức khẩn trương. Các bác sĩ sẽ lấy máu bệnh nhân để xét nghiệm HLA, là một phương pháp y học giúp xác định các kháng nguyên bạch cầu người (Human Leukocyte Antigen) trên bề mặt tế bào. Xét nghiệm này đóng vai trò quan trọng trong ghép tạng, chẩn đoán bệnh tự miễn và đánh giá nguy cơ mắc các bệnh lý di truyền.
Đến đây, một bài toán hóc búa nữa đặt ra cho những người tư vấn là không phải gia đình người chết não nào cũng đồng ý hiến tạng. Theo quy định thì người chết não đã được đăng ký hiến tạng từ trước. Bác sĩ Chuyên khoa I y tế công cộng Phạm Thị Phương Thảo, thành viên Tổ Tư vấn hiến tạng, mô tạng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho tôi biết rằng, quy định là người chết não phải đăng ký hiến tạng từ trước. Tuy nhiên, yếu tố quyết định lúc này là gia đình người hiến gồm cha mẹ, vợ hoặc chồng, các con phải ký vào giấy đồng ý thì mới được mổ lấy tạng để ghép.
Chưa kể, những thành viên khác trong gia đình như anh chị em, họ hàng hai bên cũng đều có thể tác động, chi phối đến việc không hiến tạng. Nhất là tại các vùng nông thôn, dân tộc miền núi, vùng sâu vùng xa, quan niệm chết phải còn toàn thây vẫn chi phối hết sức nặng nề. Gia đình càng đông thành viên, việc thuyết phục càng khó khăn hơn. Bác sĩ Thảo kể, để có thể thuyết phục được tất cả mọi người là câu chuyện không tưởng. Vì thế, tư vấn viên phải nhanh chóng tìm xem trong số người nhà có mặt ở bệnh viện, ai sẽ là người có tiếng nói quyết định. Thuyết phục được người đó có hiệu quả lan toả hơn là đi thuyết phục từng người một. Bác sĩ Thảo chia sẻ kinh nghiệm của mình là tuy pháp luật không yêu cầu anh chị em ruột của bệnh nhân phải ký nhưng để cho thuận lợi, chị vẫn xin cả chữ ký cả của họ để cho người thân hiến tạng.

Ngay cả khi tất cả người thân của bệnh nhân đã ký giấy đồng ý rồi nhưng họ vẫn hoàn toàn có quyền thay đổi, thậm chí đến phút chót trước khi mổ lấy tạng. Tôi hỏi chị Thảo lý do thì chị bảo rằng, là do tâm lý chung thôi. Ai cũng vậy, đứng trước ranh giới sinh tử của người thân đều do dự với suy nghĩ "còn nước còn tát". Dù chỉ là một tia hy vọng nhỏ nhoi thôi, mọi người cũng đều muốn bấu víu vào. Nhất là đối với bệnh nhân chết não thì tim vẫn còn đập, máu vẫn lưu thông. Chỉ khi có ý kiến kết luận cuối cùng, thậm chí là ý kiến của chuyên gia nước ngoài, chỉ khi mọi con đường mà người nhà bệnh nhân tìm kiếm đều hết cách thì người ta mới đau đớn chấp nhận thực tế phũ phàng cho bác sĩ rút ống thở người thân.
Sự phân vân, do dự thường thấy của người nhà bệnh nhân sẽ kéo dài quá trình chờ mổ. Trong khi đó, tạng để càng lâu, chất lượng càng kém. Lúc này, tư vấn viên phải tiếp tục liên hệ chặt chẽ với ê kíp bên trong khu vực hồi sức. Đồng thời, xin phép gia đình cho cán bộ y tế dùng thuốc hồi sức để duy trì máu nuôi các tạng. Toàn bộ chi phí dùng thuốc, cơ sở y tế sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm chi trả.
Đó là thời gian trì hoãn quý giá để các tư vấn viên tiếp tục vào cuộc. Cả tổ tư vấn có 5 người đều có mặt. Có khi tổ tư vấn còn được bổ sung thêm 2 nhân viên y tế tăng cường số lượng lên 7 người. Trong trường hợp nam bệnh nhân chết não hiến tạng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa qua, thủ trưởng cơ quan của vợ bệnh nhân cũng đã có mặt, động viên chị hiến tạng của chồng. Việc này đã tạo ra một điểm tựa tinh thần, một sự trấn an cho người vợ, góp phần cho công việc của tổ tư vấn thêm thuận lợi.
Tôi hỏi bác sĩ Thảo, điều gì giúp những người như chị tư vấn thành công thì chị nói rằng, đó là sự thấu hiểu, chia sẻ với người nhà bệnh nhân. Mình phải sát cánh bên họ, thấu hiểu họ từ lúc người nhà họ đang được chăm sóc hồi sức. Lúc đó, mình ở bên ngoài quan tâm, chăm sóc cho người nhà bệnh nhân, quan sát, lắng nghe nắm vững tinh thần của họ. Họ đang rất bối rối thì mình lựa lời tư vấn thuyết phục. Khi nhận được cái gật đầu của người nhà rồi thì phải liên hệ chặt chẽ với ê kíp ở bên trong. Mình phải động viên để cho họ không đổi ý. Lúc bác sĩ rút ống thở mổ lấy tạng thì mình càng phải ở bên, thông báo tình hình cho người nhà bệnh nhân. Lúc tạng được chuyển đi để ghép cứu chữa người khác, công việc của mình vẫn chưa hoàn thành. Các nhân viên tổ tư vấn còn tiếp tục cùng đưa thi thể về nhà đại thể, có mặt túc trực hỗ trợ đám tang, đưa ra đài hoá thân, an táng, trở về cùng họ làm các nghi lễ tiếp theo.

Công việc đến đây vẫn chưa kết thúc. Các tư vấn viên còn phải tiếp tục hoàn thiện hồ sơ truy tặng giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương cho người mất đã nối dài sự sống cho người ở lại. Việc tư vấn dường như không có điểm dừng, không có hồi kết. Các nhân viên tổ tư vấn vẫn thường xuyên gọi điện thăm hỏi, gặp gỡ, giải đáp, hỗ trợ bất cứ khi nào người nhà của người đã hiến tạng cần đến mình. Sự hy sinh của người hiến tạng sẽ không bao giờ bị lãng quên. Không ai lãng quên họ. Và những người nhắc nhớ đến họ đầu tiên vẫn là những nhân viên tổ tư vấn.
Bác sĩ CKII Nguyễn Bá Việt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Quảng Ninh cho biết, nhận thức của người dân về việc hiến tạng đã có sự chuyển biến. Từ năm 2024 đến nay, Chi hội đã phối hợp với các đơn vị y tế cùng các địa phương, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh tổ chức trên 15 buổi lễ phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng. Qua đó, đã có 1.800 người dân trên địa bàn tỉnh tự nguyện đăng ký hiến. Từ khi thành lập đến nay, Chi hội đã phát hiện 147 bệnh nhân chết não tiềm năng, trong đó 147 bệnh nhân được tổ tư vấn tiếp cận gia đình. Vậy nhưng, rất ít gia đình gật đầu đồng ý hiến tạng.
Đăng ký hiến tạng là những nghĩa cử nhân văn cao đẹp, tuy nhiên cũng cần tiếp tục thay đổi nhận thức của người dân. Ở một số nước hiện đã luật hoá việc hiến tạng. Dần dần nếu làm tốt được điều đó thì việc vận động hiến mô tạng của người chết não cũng bớt vất vả hơn. Và công việc của những người làm tư vấn cho người nhà bệnh nhân chết não đã đăng ký hiến tạng cũng bớt đi phần gian khó. Nhưng trăn trở của người tư vấn hiến tạng như chị Thảo là câu hỏi làm tôi suy tư mãi suốt chặng đường về.
Bài 3: Nối dài sự sống cho đời
Ý kiến ()