Hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển
Bắt đầu từ ngày 25-8 vừa qua, Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 về một số chính sách phát triển thuỷ sản, có hiệu lực thi hành, với nhiều ưu đãi trong hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá vỏ thép, đánh bắt xa bờ. Đây là một tin vui đối với đông đảo ngư dân trong cả nước nói chung và ngư dân Quảng Ninh nói riêng.
Thực hiện chủ trương này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định phân bổ số lượng tàu đóng mới cho các địa phương có biển, với tổng số tàu cá là gần 2.100 chiếc và hơn 200 tàu dịch vụ hậu cần. Bước đầu 5 ngân hàng thương mại dự kiến sẽ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư đóng mới, cải hoán tàu vay khoảng 14 ngàn tỷ đồng, để thực hiện chủ trương này. Điều đáng nói trong chính sách ưu đãi này là ngư dân có thể vay với số tiền lớn tính theo giá trị con tàu cần đóng mới, với lãi suất thấp, trong thời gian dài. Cụ thể, ngư dân có thể được vay từ 70-95% tổng giá trị đóng mới, nâng cấp tàu trong thời hạn 11 năm. Ngân sách sẽ cấp bù một phần lãi suất, ngư dân chỉ phải trả lãi suất từ 1-3%/năm…
Là một địa phương có bờ biển dài, nhiều ngư trường rộng lớn, với lực lượng ngư dân đông đảo, có truyền thống đánh bắt thuỷ sản lâu đời, chắc chắn chính sách này sẽ mang lại niềm phấn khởi cho nhiều ngư dân Quảng Ninh. Hiện nay, với thực trạng số lượng tàu, thuyền đánh bắt thuỷ sản nhiều, nhưng phần lớn lại là các phương tiện đánh bắt ven bờ, trong lộng, công suất máy nhỏ nên hiệu quả khai thác hải sản của tỉnh không cao, thậm chí còn làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản gần bờ. Bên cạnh đó, công tác cũng như đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của tỉnh cũng còn hết sức hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Điều này cũng làm giảm năng suất, giá trị của ngành khai thác thuỷ sản. Những năm trước, ngư dân ở nhiều địa phương cũng đã mạnh dạn đầu tư đóng mới đội tàu đánh bắt xa bờ. Nhưng sau đó vì nhiều lý do khác nhau, nên nhiều con tàu trị giá hàng tỷ đồng đã phải nằm bờ, gây lao đao, khó khăn cho nhiều chủ tàu… Bởi vậy, với chủ trương hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt xa bờ và tàu hậu cần bằng vỏ thép với lãi suất thấp của Chính phủ lần này, đã mang lại luồng sinh khí mới và sự kỳ vọng lớn cho nhiều ngư dân.
Tuy nhiên, để chủ trương mang nhiều tính ưu việt này thực sự phát huy hiệu quả trong cuộc sống, thì bên cạnh việc rút kinh nghiệm từ những bài học trong quá khứ, việc triển khai đóng mới, cải hoán tàu phải đảm bảo tính khoa học, phù hợp với thực tế và đúng đối tượng. Đặc biệt cần tránh tình trạng đóng tàu theo phong trào, chạy theo thành tích, để hưởng sự ưu đãi của nhà nước, mà không căn cứ vào khả năng, thực lực của ngư dân. Hơn nữa, ở đây cũng cần phải nhận thức rõ rằng, chủ trương này của Chính phủ là để thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước nhằm tạo ra bước đột phá thúc đẩy ngành khai thác thuỷ sản phát triển bền vững và gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Do vậy, các cấp, các ngành trong tỉnh, đặc biệt là ngành NN&PTNT phải tổ chức tuyên truyền, phổ biến thật sâu rộng, cụ thể nội dung của Nghị định 67 đến với đông đảo ngư dân trên địa bàn, về các điều kiện đóng mới và cải hoán tàu cá, điều kiện vay vốn, lãi suất hàng năm, thời gian trả vốn vay; các chính sách hỗ trợ về tài chính, bảo hiểm thân tàu, thuyền viên, miễn thuế đối với hoạt động khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá…
Chúng ta đều biết, tàu đánh cá vỏ sắt, công suất lớn có rất nhiều lợi thế trong đánh bắt xa bờ, đặc biệt là có hệ số an toàn cao hơn so với tàu vỏ gỗ. Do vậy, đây sẽ là điều kiện, cơ sở để ngành thuỷ sản của tỉnh nói chung và bà con ngư dân nói riêng phát triển mạnh nghề đánh bắt thuỷ sản, khai thác, phát huy các lợi thế để làm giàu từ biển…
Thanh Tùng
Ý kiến ()