HĐND tỉnh thông qua các nghị quyết hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3
Ngày 23/9, sau 1/2 ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm, Kỳ họp thứ 21 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và thông qua 5 nghị quyết quan trọng với sự thống nhất cao của các đại biểu HĐND tỉnh.
Trên cơ sở gợi ý của đồng chí Chủ tọa Kỳ họp, các ý kiến tham gia của đại biểu HĐND tỉnh, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí thành viên UBND tỉnh đã làm rõ một số nội dung liên quan đến điều chỉnh, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2024, trong đó có nội dung bố trí 1.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả bão số 3, mưa, lũ sau bão và thực hiện các chính sách an sinh xã hội; một số biện pháp hỗ trợ về học phí, hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện sản xuất là tàu, thuyền đăng ký tại tỉnh Quảng Ninh bị chìm do bão số 3 trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhấn mạnh, những nội dung được trình tại kỳ họp hôm nay đều là những nội dung thật sự cần thiết, cấp bách, dù trong thời gian ngắn nhưng đã được Đảng đoàn HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các ngành chuẩn bị chu đáo, được các ban HĐND tỉnh thẩm tra kỹ lưỡng. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, cho ý kiến cho thấy được tầm quan trọng, cấp thiết của các cơ chế, chính sách. Các cơ chế, chính sách này được HĐND tỉnh thông qua sẽ thể hiện sự động viên, chia sẻ với những mất mát của người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Qua đó, tạo điều kiện để người dân giảm bớt một phần khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Để các nghị quyết nhanh đi vào cuộc sống, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị, tất cả các cơ chế, chính sách khi ban hành phải đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng thụ hưởng; đồng thời kế thừa, phát huy cơ chế chính sách đã có. Đề nghị UBND tỉnh có bổ sung thêm báo cáo dự kiến sử dụng nguồn kinh phí 1.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cơn bão số 3; chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng tham mưu các văn bản hướng dẫn việc xác định tiêu chí khắc phục khó khăn và quy trình, trình tự thủ tục hồ sơ để thực hiện hỗ trợ một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, đến trực tiếp các đối tượng thụ hưởng.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh thêm, đây mới là những cơ chế, chính sách bước đầu. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có phát sinh những bất cập, khó khăn hoặc cần bổ sung thêm chính sách, Ban Cán sự Đảng chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục tham mưu, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.
Tại Kỳ họp, từ các tờ trình, các ý kiến thảo luận của đại biểu, báo cáo giải trình của các cơ quan chức năng, Chủ tọa Kỳ họp đã điều hành thông qua 5 nghị quyết với sự thống nhất cao của đại biểu HĐND tỉnh dự họp, thể hiện rõ trách nhiệm trước Đảng bộ, chính quyền, cử tri và nhân dân toàn tỉnh. Trong đó có những nội dung khẩn cấp, cấp bách để hỗ trợ khắc phục thiên tai do bão số 3 (Yagi) gây ra trên địa bàn tỉnh và thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cụ thể, HĐND quyết nghị điều chỉnh giảm dự toán chi thường xuyên ngân sách cấp tỉnh đã phân bổ cho các đơn vị, địa phương do thực hiện tiết kiệm chi, đơn vị không còn nhu cầu hoặc không có khả năng thực hiện; bố trí kinh phí khắc phục hậu quả bão số 3, mưa lũ sau bão và thực hiện các chính sách an sinh xã hội là 1.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nêu trên và nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu bù mặt bằng chi cho tỉnh Quảng Ninh. Thông qua một số biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024. Trong đó, thực hiện hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp phổ thông đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trừ học sinh tiểu học trường công lập và các đối tượng đã được hưởng chính sách hỗ trợ học phí theo quy định của tỉnh trong năm học 2024-2025; hỗ trợ xây nhà ở, sửa chữa nhà ở theo Nghị quyết số 21 của HĐND tỉnh; hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện sản xuất là tàu, thuyền đăng ký tại tỉnh bị chìm do cơn bão số 3 năm 2024 trên địa bàn tỉnh và thuộc đối tượng quy định tại Điều 1 Quyết định số 118/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Thông qua Nghị quyết về sửa đổi bổ sung một số nội dung quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 21 của HĐND tỉnh quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh, với mức mức chuẩn trợ giúp xã hội của tỉnh nâng lên là 700.000 đồng/tháng (cao hơn mức Trung ương quy định).
Cũng tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thực hiện quy trình miễn nhiệm chức vụ Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Đinh Văn Nơi, nguyên Giám đốc Công an tỉnh, do đã chuyển công tác; ông Trần Văn Lâm, nguyên Giám đốc Sở Tài chính, đã nghỉ chế độ. Thực hiện bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh đối với ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Công an tỉnh. Kết quả ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Công an tỉnh, đã trúng cử chức vụ Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, với tỷ lệ phiếu bầu đạt 100%.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, đồng chí Vi Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, ghi nhận, biểu dương, đánh giá rất cao các ý kiến phát biểu của các đại biểu HĐND tỉnh và ý kiến giải trình, làm rõ của các thành viên UBND tỉnh, chất lượng báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh. Đồng thời khẳng định: Những nội dung được quyết định tại Kỳ họp có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc kịp thời hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh và điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong quý IV để hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu cả năm 2024.
Đồng chí đề nghị UBND tỉnh ngay sau kỳ họp tập trung chỉ đạo, điều hành các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh gắn trách nhiệm người đứng đầu và tập thể lãnh đạo tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện bảo đảm sự nhất quán, xuyên suốt, quyết liệt, kịp thời, sâu sát, linh hoạt; tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nghị quyết vừa được thông qua và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy. Đồng thời tiếp tục triển khai nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; chủ động bám sát và nắm chắc tình hình thực tế, tiến độ cụ thể của từng công việc để khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh.
UBND các cấp khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng tác động thiệt hại của bão số 3 đối với tăng trưởng của các ngành, các lĩnh vực để điều chỉnh, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2024 phù hợp với tình hình mới với mục tiêu quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng kinh tế hai con số liên tiếp trong 10 năm liên tiếp (2015 - 2024). Trong đó, cần tiếp tục rà soát, thực hiện cơ cấu lại các nhiệm vụ chi, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên để dành nguồn lực bảo đảm cho an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ người dân và tập trung cho đầu tư phát triển; điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh của ngành nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, xây dựng, công nghiệp phù hợp với bối cảnh mới. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực ngân sách nhà nước. Quyết liệt triển khai thi công các công trình, dự án, nhất là các công trình trọng điểm; nâng cao tỷ lệ, hiệu quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, phấn đấu đến ngày 31/12/2024 giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch đầu năm, đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong đầu tư công. Từng địa phương phải tập trung rà soát các khoản hụt thu, xác định nguồn thu bù đắp, nhất là khoản thu từ tiền sử dụng đất; tích cực thu hồi các khoản nợ đọng thuế, chống thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh. Phấn đấu tăng thu từ thuế, phí nội địa, thu xuất nhập khẩu ở mức cao nhất để bù đắp số hụt thu tiền sử dụng đất.
Cùng với đó, thực hiện rà soát, thống kê chi tiết, cụ thể số hộ tái nghèo, cận nghèo phát sinh sau bão để tham mưu, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp khôi phục, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân để hoàn thành chỉ tiêu hết năm 2025 không còn hộ nghèo và giảm 50% hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng yêu cầu các Ban, các Tổ HĐND tỉnh và các vị đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ bằng việc làm, hành động cụ thể; thiết thực, thường xuyên giữ mối liên hệ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, quan tâm chuyển tải, phản ánh chính đáng của cử tri và nhân dân, kiến nghị kịp thời, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách không còn phù hợp. Tích cực giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri; tích cực giám sát việc tổ chức, thi hành nghị quyết của HĐND tỉnh, xứng đáng với sự tin tưởng, sự kỳ vọng của cử tri, nhân dân trong tỉnh.
Các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh
|
Ý kiến ()