Hãy tự cứu mình
Đã nhiều năm rồi và vẫn như vậy: Sự lo âu, căng thẳng, thấp thỏm hy vọng từ các phòng thi lan ra đến tận các vỉa hè, hàng quán ngoài tường rào các trường công lập, nhất là những trường có chút tiếng tăm, nơi mà phụ huynh còn đông hơn cả thí sinh! Nhiều người đùa rằng, bây giờ con cái đi thi nhưng cuộc chạy ma-ra-tông thực sự lại là các bậc phụ huynh. Suốt từ trước kỳ thi đến coi, chấm thi, xét tuyển và đến tận khi các cháu đã yên vị tại một trường nào đó. Các bà mẹ đâu đâu cũng thì thầm to nhỏ, các ông bố thì bực dọc vì bị vợ chê, suốt ngày thấy đi nhậu với mấy ông bạn ở ngành giáo dục, vậy mà khi cần ông nào cũng "số điện thoại bạn đang gọi ngoài vùng phủ sóng hoặc không liên lạc được".
Hãy khoan bàn về chương trình dạy học và cách thi cử của ngành Giáo dục, bởi đó là câu chuyện dài kỳ chưa có hồi kết, mà ta chỉ nghĩ đến việc "quan tâm" hơi thái quá của các bậc phụ huynh về vấn đề chọn trường, chọn lớp cho con em mình liệu có thái quá?
Người ta thường hay nói rằng: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia", nhưng thử hỏi, chúng ta đã hiểu và thực hiện điều đó như thế nào? Nguyên khí theo đông y cổ truyền là một trong tam bảo gồm: Tinh - Khí - Thần và khuyên người ta phải "dưỡng khí" để trường tồn! Vậy muốn gìn giữ và phát huy nguyên khí đó phải thường xuyên phát hiện và trọng dụng nhân tài. Mục đích chính của các kỳ thi từ xưa đến nay đều nhằm đánh giá, phân loại thí sinh, góp phần phát hiện đào tạo nhân tài cho đất nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu cứ tác động thô bạo, bằng mọi cách như hiện nay, mọi giá trị đều có thể thay đổi, "nguyên khí" dễ biến thành "hỗn khí". Vả lại đâu phải cứ cố là tốt. Chẳng có câu, "cố quá" thành "quá cố" đó sao? Vừa khổ cho các em, vừa khổ cho các thầy cô, vừa khổ gia đình. Mà cũng đừng bắt các em phải giống như bạn nhà hàng xóm. Nhiều học sinh nghèo, học các trường bình thường vẫn vươn lên đỗ thủ khoa các trường đại học danh tiếng đó sao!
Thiết nghĩ, trong lúc chờ ngành Giáo dục đổi mới chương trình, học cho thực tế và "văn minh" hơn, không "bắt" các em phải học, phải làm tất cả những việc, những điều giống nhau, tuy biết rằng, sau này cả đời các em không dùng gì đến kiến thức ấy, các bậc phụ huynh hãy "tự cứu" mình và con em mình.
Các em cần được hưởng môi trường học hành lành mạnh, hứng thú, hồn nhiên và để kỳ thi được thực hiện theo đúng nghĩa của nó. Ở các cuộc thi, người ta thường hay ví von "đãi cát tìm vàng", nói như thế đừng tưởng chỉ có vàng là quý. Hãy biết rằng, cát hay vàng đều hữu dụng khi đặt nó đúng chỗ!
Ý kiến ()