Giao ban Thường trực Tỉnh ủy
Ngày 23/7, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì hội nghị giao ban Thường trực Tỉnh ủy để nghe và cho ý kiến về công tác phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 2 trên địa bàn tỉnh; kết quả thực hiện Nghị quyết số 21, Nghị quyết 08 của HĐND tỉnh về chính sách trợ giúp xã hội và kết quả vận động trợ giúp, đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, không may mất nguồn nuôi dưỡng trên địa bàn tỉnh cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
Ngày 21/7/2024, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão (cơn bão số 2) và di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc sau đó đi vào vịnh Bắc Bộ và mạnh thêm. Đến đêm ngày 22, rạng sáng 23/7, bão số 2 đã đổ bộ vào khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng, gây gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 8 và gây mưa trên diện rộng. Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành văn bản yêu cầu tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống, ứng phó cơn bão số 2 và những tác động của cơn bão số 2. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Công điện và các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động ứng phó bão số 2.
Tỉnh Quảng Ninh đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra công tác ứng phó với bão; kiểm tra tình hình thiệt hại, công tác khắc phục thiệt hại, chỉ đạo ứng phó với mưa hoàn lưu sau bão. Các địa phương trong tỉnh đều đã chủ động 4 tại chỗ; tổ chức các đoàn công tác tổ chức kiểm tra các điểm xung yếu trên địa bàn và chỉ đạo phòng chống mưa bão trên địa bàn. Đồng thời, bố trí các lực lượng ứng trực tại các ngầm tràn, khu vực xung yếu; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền vào khu vực tránh trú an toàn và kịp thời tổ chức di dời các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở.
Theo thống kê nhanh của các địa phương, đến 10h ngày 23/7, trên địa bàn tỉnh không có thiệt hại về người; thiệt hại về tài sản không lớn, chủ yếu gãy đổ một số cây xanh, biển quảng cáo, sạt lở cục bộ một số điểm trên đường giao thông… Các đơn vị, địa phương đã xây dựng phương án cụ thể để phòng chống mưa lũ do hoàn lưu sau bão và áp thấp nhiệt đới.
Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao sự nỗ lực chung của các sở, ngành, địa phương, ngành Than trong công tác phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 2. Toàn tỉnh đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận của nhân dân. Nhờ sự chủ động phòng, chống, ứng phó, truyền thông kịp thời theo phương châm 3 trước, 4 tại chỗ, từ xa, từ sớm, từ cơ sở đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão số 2 gây ra, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người.
Từ công tác phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 2 trên địa bàn tỉnh đã rút ra một số bài học kinh nghiệm. Đó là phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân, lực lượng vũ trang trong phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, phải tăng cường trách nhiệm người đứng đầu gắn với sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc theo dõi sát sao tình hình, diễn biến để cảnh báo từ sớm, từ xa. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước, trong và sau bão; quán triệt thực hiện tốt phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, tích cực chủ động phòng, chống và sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả, kiên quyết không để thiệt hại về người, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản. Thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình, địa hình, những vị trí xung yếu, những nơi có tiềm ẩn rủi ro cao, đặc biệt là những địa điểm có nguy cơ sạt lở đất, kè, bãi thải mỏ, lũ quét, ngập lụt diện rộng, chia cắt địa hình, địa bàn miền núi… để có phương án xử lý kịp thời. Huy động tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị, củng cố, tăng cường năng lực, nhất là các phương án diễn tập và trang bị kỹ năng cho người dân. Coi trọng công tác truyền thông, cập nhật thông tin chính xác, kịp thời. Không chủ quan, lơ là, tăng cường phòng chống mưa lũ do hoàn lưu sau bão.
Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu thời gian tới cùng với phát huy bài học kinh nghiệm, phải tiếp tục củng cố nhận thức, tăng cường trách nhiệm đối với nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trong tình hình biến đổi khí hậu rất phức tạp.
Cùng ngày, Thường trực Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết số 21, Nghị quyết 08 của HĐND tỉnh về chính sách trợ giúp xã hội và kết quả vận động trợ giúp, đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, không may mất nguồn nuôi dưỡng trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, tỉnh Quảng Ninh hiện có 347.194 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 24,5% dân số. Trong đó, 4.534 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 8.506 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Trong những năm qua, tỉnh đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, rà soát và thực hiện đầy đủ chính sách cho trẻ em theo quy định. Năm 2023, toàn tỉnh có 8.450 lượt trẻ em được hưởng chính sách trợ giúp xã hội nhà nước với số tiền gần 55 tỷ đồng. Trong đó, 5.372 lượt trẻ em được hỗ trợ với tổng số tiền trên 15,6 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi năm tỉnh dành 500 tỷ đồng hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho hàng trăm nghìn học sinh các cấp học. Năm 2023, các cấp của tỉnh cũng đã vận động hơn 22 tỷ đồng dành chăm sóc, đỡ đầu, hỗ trợ, tặng quà trên 40.000 lượt trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng.
Từ năm 2021-2024 các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm nhận đỡ đầu thường xuyên hàng tháng 1.852 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng. Theo thống kê của 13 địa phương, hiện đang tiếp tục duy trì và đỡ đầu 759 trẻ em, mức trung bình 500.000 trẻ một tháng, tổng kinh phí trao năm 2024 gần 4,6 tỷ đồng.
Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao sự nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương trong triển khai phong trào nhận đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, không may mất nguồn nuôi dưỡng triển khai trên địa bàn tỉnh. Đến nay, phong trào này đã được đông đảo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hưởng ứng, tham gia nhiệt tình đỡ đầu, thể tinh thần "Tương thân tương ái". Đây thực sự là hoạt động rất ý nghĩa, tiếp tục khơi dậy truyền thống văn hóa, giá trị con người Quảng Ninh.
Thời gian tới, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em phải được đặc biệt quan tâm. Trong đó, tiếp tục triển khai và đưa phong trào nhận đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, không may mất nguồn nuôi dưỡng vào chiều sâu. Các địa phương duy trì kết nối thường xuyên với các đơn vị nhận đỡ đầu để tiếp tục quan tâm, thăm hỏi, động viên tinh thần và trợ giúp trẻ khi cần thiết. Thường xuyên rà soát, phát hiện kịp thời những trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng mới phát sinh và huy động sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, cá nhân hảo tâm để đỡ đầu, trợ giúp trẻ em được kịp thời. Đồng thời, phải phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể ở cấp cơ sở trong thực hiện phong trào này.
Đối với Nghị quyết 21 của HĐND tỉnh và các chính sách hiện có, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng với các địa phương tiếp tục rà soát để nghiên cứu đề xuất bổ sung, hoàn thiện chính sách liên quan đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Cho ý kiến về nhiệm vụ trong tuần này, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh; triển khai thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TU và Kết luận 1156-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Trong đó, quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp nâng cao tỷ lệ, hiệu quả, chất lượng giải ngân, khối lượng thực hiện, tiến độ dự án và chất lượng công trình. Đồng thời, chỉ đạo tiếp tục triển khai các cuộc kiểm tra, giám sát theo chương trình công tác năm 2024; chủ động ứng phó với mưa lũ do hoàn lưu sau bão; tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, đảm bảo an ninh du lịch.
Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu toàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về việc tổ chức Lễ Quốc tang đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; tập trung tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp, những đóng góp to lớn của đồng chí Tổng Bí thư đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Bên cạnh đó, tổ chức tốt các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024); tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc XHCN (ngày 2 và 5/8/1964 - ngày 2 và 5/8/2024). Đồng thời, tập trung cao nhất công tác chuẩn bị cho Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh diễn ra vào cuối tháng 7 này.
Ý kiến ()