
Độc đáo, hấp dẫn du lịch cộng đồng vùng cao
Những bản làng xa xôi nơi vùng cao, biên giới, nơi người Dao, Tày, Sán Chỉ… sinh sống bao đời, những giá trị văn hóa truyền thống đang được khơi dậy, đánh thức bằng tình yêu quê hương và khát vọng đổi thay. Ở đó văn hóa không còn chỉ là ký ức hay lễ nghi thiêng liêng, mà đã trở thành nguồn lực mềm, là “cần câu sinh kế” của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Hành trình ấy đang được viết nên bằng sự nỗ lực của người dân với những mô hình du lịch cộng đồng mang đậm dấu ấn bản địa, phát triển bền vững.
Đánh thức bản làng bằng du lịch
Tôi trở lại Kỳ Thượng vào một ngày chớm hè. Những con đường vào thôn Khe Phương (xã Kỳ Thượng) ngày nào còn im lìm giữa núi đồi, nay đã trở nên rộn rã hơn bởi những chuyến xe ra vào Khu du lịch cộng đồng Am Váp Farm - một điểm đến mới, đậm sắc màu văn hóa người Dao. Phía sau mô hình này là câu chuyện, hành trình của anh Lý Tài Ngân, một thanh niên người Dao, sinh ra và lớn lên giữa non cao với khát vọng biến bản làng của mình thành nơi đáng sống, đáng đến, đáng khám phá.
Tất bật điều phối nhân viên chuẩn bị đón khách, anh Ngân, Quản lý Khu du lịch cộng đồng Am Váp Farm, phấn khởi nói: Hôm nay Am Váp Farm đón đoàn khách lớn, khoảng 40 người. Từ đầu hè tới giờ, cuối tuần nào cũng vậy, khách đến rất đông, nhiều hôm ô tô đỗ kín cả sân để xe phía trước. Mỗi vị khách đến đây không chỉ mang về thu nhập cho Am Váp Farm, cho đồng bào nơi đây, mà còn mang đến sự sôi động cho bản làng vốn từng bị coi là “thâm sơn cùng cốc”.

Ý tưởng về một khu du lịch trải nghiệm bắt đầu nhen nhóm trong anh Ngân từ sự quan sát và cảm nhận sâu sắc của anh về thiên nhiên, văn hóa quê hương. Năm 2020, anh Ngân cùng bạn bè mạnh dạn đầu tư mô hình này. Hai năm sau, Am Váp Farm đi vào hoạt động. Ban đầu chỉ là một khu nhà sàn với vài phòng nghỉ, cảnh quan sân vườn cùng với dịch vụ đi kèm là chèo thuyền trên suối, khám phá rừng trúc, tắm lá thuốc... Điều làm nên “linh hồn” của mô hình chính là cộng đồng người Dao tại đây - những “chủ thể” thực thụ trong chuỗi giá trị du lịch địa phương.
Anh Ngân cho biết: Bà con dân bản tham gia trực tiếp vào từng khâu vận hành của Am Váp Farm. Nhà thì cung cấp thực phẩm sạch, rau rừng, gà đen, mật ong; nhà thì tham gia vào dịch vụ trải nghiệm tắm lá thuốc, đốt lửa trại, nấu ăn cùng du khách; nhà khác thì góp người cho đội văn nghệ biểu diễn múa, hát dân ca Dao, hướng dẫn du khách thêu may trang phục truyền thống, dẫn khách tham quan các địa điểm. Một số gia đình có đồi rừng cũng được tận dụng để cung cấp dịch vụ trải nghiệm trồng rừng… Cả thôn Khe Phương như sống dậy với những giá trị xưa cũ, được “hồi sinh” trong diện mạo mới.

Am Váp Farm hiện duy trì liên kết với khoảng chục hộ dân trong thôn để cùng phát triển du lịch. Thu nhập từ hoạt động này mang lại cho bà con từ 3-8 triệu đồng/người/tháng. Bàn Thị Hương, nhân viên tại khu trải nghiệm, phấn khởi nói: "Em làm ở đây được gần 2 năm rồi. Em làm nhiều việc, từ dọn phòng nghỉ cho khách, đến bưng bê đồ ăn, thức uống, dẫn khách đi trải nghiệm các dịch vụ trong bản. Em cũng tham gia biểu diễn sáo trúc cho du khách trong những buổi giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại… Điều vui nhất của em là được giới thiệu văn hóa của đồng bào Dao mình đến với bạn bè, du khách mọi miền".
Không giấu nổi tự hào về hành trình đã đi và những đổi thay nơi bản nhỏ, anh Ngân chia sẻ thêm: Tư duy “làm nông để bán” của bà con đã dần thay đổi thành “làm nông để đón khách”. Vườn rau, khoảng rừng, con suối trở thành một phần trải nghiệm cho du khách. Những món ăn tưởng như dân dã như gà đồi nướng lá chanh, khoai sọ nương nấu canh, cơm lam ống tre… giờ được phục vụ trong không gian bản làng, khiến khách phương xa say mê. Khăn thêu, túi vải, vòng tay từ thảo mộc… cũng trở thành món quà lưu niệm ý nghĩa, mang dấu ấn người Dao. Điều đáng quý nhất là chính người dân đang tự hào gìn giữ bản sắc của mình, tự tin mặc trang phục truyền thống, kể chuyện cổ tích dân tộc, biểu diễn những điệu múa, lời hát từ thuở ông cha.

Nếp nhà cũ - mạch nguồn cho tương lai mới
Cách Kỳ Thượng không xa, ở một thôn nhỏ nằm nép mình nơi sườn núi, những ngôi nhà cổ của đồng bào Sán Chỉ cũng viết nên câu chuyện riêng khi lấy văn hóa bản địa để phát triển du lịch, nâng cao sinh kế cho đồng bào. Đó là thôn Khe Lục (xã Đại Dực, huyện Tiên Yên trước kia, nay là xã Đông Ngũ) chủ yếu là người Sán Chỉ sinh sống.
Người Sán Chỉ xưa thường làm nhà sàn 5 gian, 2 mái, tường xây gạch đất, mái lợp ngói âm dương, quanh nhà xếp bờ rào bằng đá suối. Bản làng nhỏ với các mái nhà sàn bình dị, cũ kỹ ẩn mình nơi sườn đồi xanh ngút ngàn tạo nên một bức tranh phong cảnh yên bình, níu bước chân khách phương xa mỗi khi có dịp đi qua. Những hồn xưa nét cũ này đã được chính quyền và người dân nơi đây khai thác để phát triển du lịch. Từ đầu năm 2024, Đại Dực thí điểm mô hình du lịch cộng đồng homestay tại thôn Khe Lục.

Tranh thủ lúc sáng sớm, khi khách du lịch chưa đến, chị Trần Thị Phấu, một trong những người dân tiên phong tham gia homestay, quét dọn lại khoảng sân rộng, nơi mà tối nay, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị về văn hóa đồng bào Sán Chỉ. Chị Phấu tâm sự: “Tôi là người Sán Chỉ lớn lên dưới nếp nhà cổ. Dần dà theo thời gian, nhiều ngôi nhà đã bị phá bỏ, thay đổi kiến trúc. Khi có chủ trương phát triển du lịch và phục dựng lại những ngôi nhà này, tôi cảm thấy được sống lại những ký ức xưa. Cùng với nhà, những đồ dùng, vật dụng gắn liền với nếp sống xưa của đồng bào như cái cày, bừa, quạt thóc, chum nước, bếp củi, giường tủ… được sưu tầm, bài trí, tạo nên một không gian mang đậm bản sắc của đồng bào chúng tôi”.
Không chỉ là nơi lưu trú, homestay của chị Phấu còn là không gian trải nghiệm văn hóa sống động: Du khách được nấu rượu, quạt thóc, ngâm chân, tắm thuốc lá truyền thống, thưởng thức xôi ngũ sắc, gà bản, bánh coóc mò…, hòa mình trong lời chầu hát Soóng Cọ, múa Tắc Xình dưới ánh lửa trại. “Khách đến vào mỗi cuối tuần, vào mùa thu khi lúa trên những thửa ruộng bậc thang ngả vàng và Hội mùa vàng bắt đầu thì khách đông hơn. Du khách đến đây không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh quan mà còn khám phá, trải nghiệm những nét đẹp về văn hóa bản địa của đồng bào Sán Chỉ chúng tôi. Đời sống của chúng tôi cũng khấm khá hơn nhờ vào việc cung cấp các dịch vụ du lịch này", chị Phấu cho biết thêm.

Từ câu chuyện đánh thức bản làng bằng du lịch của chàng trai người Dao xã Kỳ Thượng đến cách chuyển mình của cộng đồng người Sán Chỉ xã Đại Dực, những mô hình làm du lịch từ văn hóa đang góp phần thay đổi diện mạo vùng cao Quảng Ninh một cách bền vững và nhân văn. Du lịch cộng đồng không chỉ là con đường kinh tế, mà còn là hành trình gìn giữ hồn cốt văn hóa, là cách để đồng bào DTTS khẳng định bản lĩnh, bản sắc và quyền tự chủ trên chính mảnh đất quê hương. Khi người dân không còn là “khán giả” mà trở thành “nghệ nhân” ngay trên sân khấu của chính mình, khi văn hóa không còn là thứ để trưng bày mà là dòng chảy sống động trong sinh kế, thì mỗi mái nhà, mỗi cung đường, mỗi lễ hội đều có thể trở thành điểm đến hấp dẫn. Đó chính là con đường để văn hóa “nở hoa”, sinh kế bén rễ bền vững giữa non cao.
Ý kiến ()