
Bứt phá từ khoa học công nghệ
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công tác phát triển khoa học - công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là nhiệm vụ tiên quyết, tạo nền tảng, thời cơ tốt, động lực để Quảng Ninh bước vào hành trình của kỷ nguyên phát triển mới.
Khoa học công nghệ - "Đòn bẩy" cho mọi lĩnh vực
Bắt nhịp xu thế phát triển, các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh chủ động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW (ngày 22/12/2024) của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nhiều đơn vị đã chủ động đầu tư, đổi mới công nghệ và ứng dụng khoa học vào thực tiễn.
Điển hình, sản phẩm trà hoa vàng Ba Chẽ được Công ty Đạp Thanh đầu tư và ứng dụng công nghệ sấy nông sản hiện đại. Theo ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, với công nghệ sấy thăng hoa, bông trà khô trông không khác bông trà còn tươi, trong khi vẫn giữ được 97% về màu sắc, hình dáng và 99% về tinh chất tự nhiên, hoàn toàn khắc phục được những nhược điểm của sấy thủ công trước đây. Sản phẩm trà hoa vàng Ba Chẽ của Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh đã được Trung ương chứng nhận là sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia vào tháng 1 vừa qua.

Với mục tiêu khai thác tối đa và đạt hiệu quả cao nhất nguồn nông sản bản địa, Công ty F-ONE Global Foods (trụ sở tại phường An Sinh) đã trang bị hệ thống nhà xưởng đồng bộ, thiết bị máy móc hiện đại và công nghệ chế biến khép kín, tự động hoá, như: Hệ thống bếp chiên, rán công nghiệp tự động, công nghệ làm đông và làm mát nhanh, công nghệ trộn nhúng thành phẩm định hình, công nghệ soi lỗi, dò dị vật của châu Âu... Hiện Công ty có khoảng 50 loại bánh được chế biến từ ớt, khoai lang, rau củ, mè, kim chi, hẹ, khoai tây, bí đỏ… Công ty dự kiến đầu tư thêm nhà xưởng sản xuất với diện tích sử dụng trên 10.000m2 và trang bị hệ thống thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm gia tăng sản lượng, chủng loại sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tại Tiên Yên, từ năm 2014, Sở KH&CN đã phối hợp với địa phương triển khai ứng dụng công nghệ để thực hiện “Dự án thụ tinh nhân tạo gà Tiên Yên”. Từ dự án này đã đáp ứng trên 90% lượng giống trên địa bàn nuôi tại địa phương. Ngoài ra, địa phương còn triển khai các dự án ứng dụng công thức phối trộn thức ăn, như việc ứng dụng thức ăn thảo dược trong chăn nuôi gà Tiên Yên; ứng dụng công nghệ sơ chế, bao gói bảo quản gà Tiên Yên nhằm nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm gà Tiên Yên đồng đều hơn về chất lượng cũng như tăng tính cạnh tranh trên thị trường…
Bên cạnh đó, việc ứng dụng KHCN và chuyển đổi số được các đơn vị trong tỉnh tích cực triển khai hiệu quả. Tại Bảo tàng Quảng Ninh hợp tác cùng Công ty CP Công nghệ và Giải pháp iMob triển khai “Ứng dụng MiniApp đặt vé Bảo tàng Quảng Ninh”, tích hợp trực tiếp trên nền tảng Zalo. Quy trình sử dụng được đơn giản hóa, du khách và người dân chỉ cần dùng Zalo để quét mã QR được bố trí tại cổng vào, hoặc chủ động tìm kiếm “Bảo tàng Quảng Ninh” ngay trên ứng dụng. Với bước điền thông tin và thanh toán trực tuyến nhanh chóng, hệ thống sẽ trả về một mã QR vé điện tử. Du khách sử dụng mã QR này để qua cổng soát vé tự động, bắt đầu hành trình tham quan một cách liền mạch và hiện đại... Thay vì tập trung tại một điểm, luồng khách được phân tán ngay từ xa, giúp giảm thiểu tối đa thời gian xếp hàng chờ đợi, nhất là vào các dịp cuối tuần và kỳ nghỉ lễ. Theo nhiều du khách, việc mua vé tham quan Bảo tàng Quảng Ninh qua ứng dụng, nhất là mua vé theo đoàn đông người, khách có thể đặt, thanh toán đơn giản và nhanh chóng, giúp du khách có chuyến tham quan thoải mái và trọn vẹn.

Bắt nhịp xu hướng 4.0, từ năm 2014, Bảo tàng đã ra mắt mô hình “Bảo tàng ảo” 3D, phá vỡ mọi rào cản về không gian địa lý. Tiếp nối là hàng loạt ứng dụng công nghệ như hệ thống thuyết minh tự động (Audio Guide), giúp du khách tự chủ khám phá câu chuyện của từng hiện vật, và các màn hình cảm ứng tương tác lớn, biến việc tra cứu thông tin trở nên trực quan và hấp dẫn hơn. Việc đưa vào sử dụng các hệ thống du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số đã hỗ trợ các đơn vị hoạt động du lịch nắm bắt tốt hơn nhu cầu của du khách nhằm đổi mới các sản phẩm du lịch, góp phần xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, lành mạnh, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Thời gian qua, ngành Du lịch Quảng Ninh chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao trải nghiệm du khách và phát triển bền vững. Hiện có gần 200 trong tổng số 370 điểm di tích tại các địa phương trong tỉnh đã số hóa và gắn mã QR, giúp du khách dễ dàng truy cập thông tin về lịch sử, văn hóa của các điểm đến. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng đã áp dụng công nghệ tự động trong quy trình đặt phòng, check-in, check-out, thanh toán không tiền mặt. Một số công ty lữ hành triển khai trải nghiệm du lịch bằng công nghệ VR/AR, giúp khách hàng "du lịch thử" trước khi lựa chọn sản phẩm. Hiện nay, mã QR được sử dụng rộng rãi tại các điểm dịch vụ để cung cấp thông tin, menu số, phản hồi khách hàng. Đặc biệt, việc tích hợp AI chatbot trên các nền tảng chăm sóc khách hàng giúp du khách dễ dàng tra cứu thông tin, nhận tư vấn trực tuyến 24/7, gia tăng sự hài lòng và tiện ích.

Ở cả ngành, lĩnh vực trong tỉnh cũng nhanh chóng nắm bắt xu thế mới từ ứng dụng KHCN và chuyển đổi số. Trong y học, những thiết bị hiện đại, chuyên sâu đã được đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Giáo dục thông minh hiện diện trong hầu hết các trường, lớp học giúp nâng cao chất lượng dạy và học toàn tỉnh. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo… cũng ứng dụng hiệu quả KHCN, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Qua đó, đã tạo ra dây chuyền sản xuất hiệu quả, góp phần giảm chi phí, nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm, đóng góp tích cực cho phát triển địa phương.
Tăng tốc kỷ nguyên số
Cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Trung ương về triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, trong 47 nhiệm vụ tỉnh triển khai, đến ngày 5/6, đã có 15 nhiệm vụ hoàn thành; 18 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện theo tiến độ; 8 nhiệm vụ chậm tiến độ hoặc có nguy cơ chậm muộn; 5 nhiệm vụ chưa thực hiện do chưa có hướng dẫn của Trung ương hoặc trong thời gian tổ chức sắp xếp bộ máy.
Thực hiện Đề án chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, các cơ quan, đơn vị đã hoàn thành việc tiếp nhận, triển khai hiệu quả 9 nền tảng, phần mềm ứng dụng số dùng chung do trung ương xây dựng và chuyển giao; hoàn thành việc triển khai lắp đặt, cấu hình hạ tầng kết nối mạng thông tin diện rộng của đảng từ tỉnh tới 54 đảng ủy các xã, phường, đặc khu.

Liên quan đến công tác chỉnh lý và số hóa tài liệu trong các cơ quan Đảng, đến ngày 5/6, có 9/26 đơn vị đã hoàn thành chỉnh lý tài liệu; 17/26 đơn vị đang thực hiện chỉnh lý; 2/26 đơn vị đã hoàn thành số hóa tài liệu; 6/26 đơn vị số hóa được trên 70%; 6/26 đơn vị số hóa được trên 50% tài liệu; các đơn vị còn lại đang thực hiện nhưng tiến độ chậm.
Quảng Ninh quyết tâm đến năm 2030 thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng chuyển giao KHCN và đổi mới sáng tạo với tiềm lực, trình độ KHCN và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở một số lĩnh vực quan trọng; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và ở một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ khu vực, quốc gia, quốc tế; KHCN và đổi mới sáng tạo phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu mạnh, văn minh, hiện đại, hạnh phúc; phát triển KT-XH nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN.
Ứng dụng KHCN trong phát triển kinh tế, Quảng Ninh đã chuyển hướng từ tư duy thu hút đầu tư đại trà sang lựa chọn các đối tác chiến lược, công nghệ cao, thân thiện môi trường và có giá trị gia tăng lớn. Mới đây, UBND tỉnh ban hành chương trình thu hút đầu tư các dự án KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số năm 2025 (theo Quyết định số 1496/QĐ-UBND ngày 15/5/2025), công bố danh mục các dự án trọng điểm để đón dòng vốn chất lượng cao trong và ngoài nước. Tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh, công nghiệp văn hóa và kinh tế số; chú trọng phát triển các lĩnh vực hạ tầng mềm như phát triển nguồn nhân lực, đào tạo chuyên gia, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ...
Mới đây, Sở KH&CN tổ chức hội nghị Cà phê công nghệ với chủ đề “Nghiên cứu xây dựng nghị quyết về chính sách ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cho chuyển đổi số, nghiên cứu ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ tỉnh Quảng Ninh”. Hội nghị ghi nhận 17 ý kiến bằng văn bản và 11 ý kiến phát biểu trực tiếp từ đại diện các đơn vị, doanh nghiệp, nhằm hoàn thiện dự thảo nghị quyết, tạo công cụ pháp lý quan trọng thu hút đầu tư công nghệ và hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cấp tỉnh.

Ngay khi bộ máy theo mô hình chính quyền 2 cấp đi vào hoạt động chính thức, các nhiệm vụ KHCN, chuyển đổi số tiếp tục được đẩy mạnh. Ban Chỉ đạo về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Đặc khu Vân Đồn vừa tổ chức phiên họp lần thứ nhất. Tại phiên họp, Viễn thông Quảng Ninh trình bày kiến trúc tổng thể hệ sinh thái số cho Đặc khu Vân Đồn; hệ thống quản trị đặc khu gồm bộ điều phối RPC; tích hợp trí tuệ nhân tạo vào toàn hệ thống để hỗ trợ cho các hoạt động giao việc và điều phối, báo cáo điều hành, quản lý đầu tư và doanh nghiệp đặc khu, quản lý đất đai và quy hoạch, dân cư lao động, văn bản điện tử… Các thành viên Ban Chỉ đạo đã thống nhất về những yêu cầu cần thiết trong việc ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý, điều hành của đặc khu, trong đó có việc xây dựng trung tâm điều hành thông minh, nhằm thúc đẩy sự phát triển cũng như tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp…
Mới đây, Ban Chỉ đạo về phát triển KHCN, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh cũng tổ chức hội nghị trực tuyến tới 54 xã, phường, đặc khu trong toàn tỉnh về việc rà soát, đánh giá kết quả bước đầu triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW và Đề án chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng (Đề án 204).
Triển khai Đề án 204, đến nay đã hoàn thành việc triển khai lắp đặt, cấu hình hạ tầng kết nối mạng thông tin diện rộng của Đảng từ tỉnh tới 100% xã, phường, đặc khu; triển khai phần mềm điều hành tác nghiệp mới với 1.900 tài khoản dùng; trang cấp chứng thư số cơ quan, cá nhân với gần 500 thiết bị. Công tác chỉnh lý tài liệu của cấp xã đạt 82,75%, số hóa tài liệu đạt 48,73%... Bên cạnh đó, đã có 27/54 địa phương cấp xã thành lập ban chỉ đạo về phát triển KHCN, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số. Hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp triển khai từ 1/7/2025, tạo nền tảng ban đầu cho việc chuyển đổi số trong quản lý và điều hành. Các Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã cơ bản được trang bị cơ sở vật chất, bước đầu đáp ứng yêu cầu giải quyết TTHC trên môi trường số.
Chỉ đạo tại hội nghị Ban Chỉ đạo về phát triển KHCN, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh mới đây, đồng chí Vũ Quyết Tiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về phát triển KHCN, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh, yêu cầu: Trước ngày 15/7 các xã, phường phải hoàn thành xong thành lập ban chỉ đạo và tổ giúp việc. Sở KH&CN chủ trì, phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, các sở, ngành liên quan hoàn thành triển khai Hệ thống giải quyết TTHC theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, tích hợp kết nối khai thác với các cơ sở dữ liệu dùng chung, khắc phục các lỗi phát sinh và đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt, đáp ứng an toàn thông tin theo quy định…
Ý kiến ()