20
18
/
1100477
Đưa Quảng Ninh trở thành mô hình “xã hội số” điển hình
longform
Đưa Quảng Ninh trở thành mô hình “xã hội số” điển hình

Cover

Quảng Ninh xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của phát triển, bởi vậy từ năm 2012 tỉnh đã bắt đầu triển khai ý tưởng về chuyển đổi số và đã đạt được những thành công bước đầu. Đến nay, sau đúng 10 năm, BTV Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU (ngày 5/2/2022) về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây chính là động lực, nền tảng để tạo ra các giá trị tăng trưởng mới cho KT-XH, từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP và phù hợp với yêu cầu phát triển trong thời đại  4.0.

Ảnh trong văn bản

Đề án Chuyển đổi số toàn diện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được Quảng Ninh xây dựng dựa trên những thành quả đã đạt được của mô hình chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Mục tiêu của đề án là tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong phát triển KT-XH từ chuyển đổi số, để xây dựng Quảng Ninh ngày càng văn minh, giàu, mạnh, mang lại giá trị hạnh phúc cho người dân.

Theo đó, tỉnh ưu tiên, tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, mang lại các giá trị mới, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển KT-XH gồm: Y tế, giáo dục, du lịch, giao thông vận tải và logistics, sản xuất công nghiệp, tài chính - ngân hàng, tài nguyên môi trường, năng lượng, nông nghiệp, báo chí truyền thông, an ninh trật tự, an toàn xã hội…

Ảnh với chú thích
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc áp dụng thành công Hệ thống ISO điện tử vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.
 

Tính đến nay, Quảng Ninh đã đạt được 100% thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã được chuẩn hóa theo quy trình ISO và được thiết lập vào Hệ thống phần mềm một cửa liên thông để thực hiện, theo dõi, giám sát quá trình giải quyết thủ tục hành chính trong phạm vi toàn tỉnh. Quảng Ninh cũng công khai minh bạch tất cả những thông tin, văn bản của chính quyền các cấp lên cổng thông tin điện tử từ cấp tỉnh cho đến xã, phường; sử dụng cả các mạng xã hội, fanpage để thông tin...

3 năm gần đây nhất, Quảng Ninh nằm trong nhóm 3 địa phương đứng đầu về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin. Từ năm 2017-2019, dẫn đầu về chỉ số PCI; đứng đầu bảng xếp hạng các chỉ số Par Index, SIPAS; đứng thứ 3 toàn quốc về chỉ số PAPI (năm 2016 còn xếp vị trí 62/63 tỉnh, thành trong nước), chỉ số ICT năm 2019. Năm 2020 là năm đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quảng Ninh đã xếp thứ 4 trong bảng xếp hạng chuyển đổi số này.

Ảnh với chú thích
Trung tâm điều hành thành phố thông minh IOC của TP Hạ Long. 

Đặc biệt, từ nền tảng của chính quyền điện tử, từ năm 2016, tỉnh phê duyệt và bắt tay vào triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh. Đây được xem là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh. Cũng từ đây, những nhiệm vụ, giải pháp để cụ thể hóa các mục tiêu về thành phố thông minh bắt đầu được triển khai quyết liệt trong hệ thống chính trị.

Giám đốc Sở y tế Nguyễn Trọng Diện chia sẻ: Một trong những kết quả về chuyển đổi số trong ngành y tế là việc thực hiện thành công đề án Bệnh viện thông minh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy và Bệnh viện Sản Nhi, được triển khai từ năm 2017 và hoàn thành vào năm 2020. Thông qua đó, cả 3 bệnh viện đã có nền tảng số khá đầy đủ với hạ tầng như: Hệ thống máy chủ, máy trạm, hệ thống kết nối toàn bộ các thiết bị, giao diện, các đầu đọc mã vạch, thanh toán thuốc, viện phí online... Cùng với đó, các đơn vị còn có hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, phần mềm chuyển tải dữ liệu hình ảnh, phần mềm nhận và trả kết quả xét nghiệm... tình trạng in phim khô sau chụp X.quang đã được thay thế bằng hình ảnh được chuyển tải trên môi trường mạng, đến tận khoa khám, quản lý bệnh nhân. Điều này góp phần rất lớn trong bảo vệ môi trường, giúp bệnh nhân không phải chờ đợi các kết quả chiếu chụp như trước đây, đồng thời giúp các bệnh viện giảm chi phí vật tư đầu vào.

Ảnh với chú thích
Phẫu thuật vi phẫu - nội soi lấy nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thường quy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Thu Nguyệt 

Đặc biệt, trong hơn 2 năm chống dịch Covid-19, việc ứng dụng CNTT trong ngành Y tế đã góp phần đắc lực giúp Quảng Ninh vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép 2 năm liên tiếp. Theo đó, các giải pháp CNTT hỗ trợ phòng, chống dịch đã được triển khai trong toàn ngành và với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, như: Khai báo y tế tự nguyện NCOVI dành cho người dân; khai báo y tế khi di chuyển bao gồm trong nước và di chuyển nội địa: tokhaiyte.vn (Vietnam Health Decralation); Bluezone phát hiện tiếp xúc gần với người bệnh, người nghi nhiễm thông qua bluetooth của điện thoại thông minh; hệ thống bản đồ chống dịch An toàn COVID (antoancovid.vn) để các cơ sở KCB công bố an toàn Covid-19 hằng ngày; kiểm soát y tế bằng QR Code...

Để thích ứng linh hoạt với tình hình, từ ngày 1/3/2022, các cơ sở trong toàn ngành y tế tỉnh đã triển khai phần mềm quản lý, tư vấn và điều trị F0 tại nhà, từ đó giúp hỗ trợ tốt nhất cho người nhiễm SARS-CoV-2…

Ảnh với chú thích
Ứng dụng Smart Quảng Ninh với giao diện thân thiện, nhiều tiện ích đối với người sử dụng.

Đến nay, những tiện ích nền tảng của thành phố thông minh đã thành hình và từng bước hoàn thiện, đem lại cho Quảng Ninh nhiều bước tiến mới trong tổng thể KT-XH. Đáng chú ý nhất là mô hình Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Quảng Ninh - nơi được coi là "bộ não số" của mô hình thành phố thông minh.

Trung tâm cho phép sử dụng thông tin và công nghệ phân tích, để chính quyền tỉnh đưa ra những quyết định kịp thời, giúp quản lý được đa dạng các vấn đề, bao gồm cả những vấn đề đã được dự liệu trước và những vấn đề xảy ra đột xuất, tình huống khẩn cấp. Đồng thời, tăng tính tương tác ngược lại khi người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo cho các cơ quan trong tỉnh biết về các sự cố, vấn đề liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường... qua ứng dụng Smart Quảng Ninh bằng vài thao tác đơn giản trên thiết bị di động mang đến nhiều giá trị thụ hưởng cho người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước.

Ảnh trong văn bản

Trên cơ sở những kết quả đạt được, cụ thể hóa Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong toàn tỉnh đã tích cực xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện hiệu quả, phù hợp với từng cơ quan, đơn vị. Qua đó, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng của cả nước, trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh.

Ảnh với chú thích
Trung tâm Điều hành thành phố thông minh Quảng Ninh kết nối hệ thống camera giám sát đến các trường học trong tỉnh.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Quảng Ninh đã xây dựng đề án và ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó đã và đang được triển khai xây dựng với 3 trụ cột là chính quyền số - kinh tế số - xã hội số. Trong đó, kinh tế số được xác định là đột phá, cần được tập trung lãnh đạo chỉ đạo hoàn thành với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số phải đạt 30% GRDP của tỉnh, là một trong những chỉ tiêu quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”.

Triển khai các nội dung đặt ra trong Nghị quyết, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Kế hoạch xác định cụ thể những nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, tập trung thực hiện mục tiêu 100% thủ tục hành chính ban hành mới đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, được trang bị cơ sở vật chất đảm bảo kỹ thuật, an toàn phục vụ chuyển đổi số; tối thiểu 50% doanh nghiệp trong các KCN ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh; 100% người dân có định danh điện tử và mỗi gia đình đều có địa chỉ số; kinh tế số chiếm ít nhất 20% GRDP của tỉnh…

Ảnh với chú thích
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết 100% công việc thủ tục hành chính trên môi trường mạng với hệ thống dữ liệu kết nối liên thông 4 cấp.

Từ năm 2022, triển khai thực hiện việc xác thực định danh điện tử công dân qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính các cấp. Phấn đấu hết năm 2023 hoàn thành 8 cơ sở dữ liệu nền tảng quan trọng của tỉnh, gồm đất đai; CBCCVC; y tế; giáo dục; quy hoạch; du lịch; đầu tư công; giao thông. Từ năm 2024, 100% hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính ở cả 3 cấp được số hóa. Đến năm 2025, tối thiểu 50% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý…

Mới đây, Quảng Ninh đã ký kết ghi nhớ hợp tác với 3 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về viễn thông là FPT, Viettel và VNPT triển khai chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, các bên sẽ tăng cường hợp tác đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động KT-XH của tỉnh; phát triển nền tảng số, ứng dụng số trên các công nghệ mới; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo; phát huy khả năng, thế mạnh, nguồn lực của hai bên gắn với chuyển đổi số toàn diện ở cả ba lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Ảnh với chú thích
Tỉnh Quảng Ninh và FPT ký kết hợp tác thực hiện chuyển đổi số toàn diện.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, cho biết: Với vị thế là tập đoàn công nghệ tiên phong trong lĩnh vực công nghệ thông tin, giàu kinh nghiệm tư vấn, triển khai các dự án chuyển đổi số, trong năm qua, FPT đã và đang đồng hành thúc đẩy chuyển đổi số tổng thể và toàn diện cho gần 40 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Với Quảng Nỉnh, FPT cam kết dành mọi nguồn lực tốt nhất để giúp tỉnh hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược, tạo ra nhiều giá trị thặng dư hơn, cũng như đem lại lợi ích cao nhất và tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp bằng công nghệ và dựa trên công nghệ.

Theo đó, FPT cam kết cùng Quảng Ninh tiếp tục nâng cấp chính quyền điện tử; xây dựng vận hành nền tảng số hoá thủ tục hành chính cho toàn tỉnh, đảm bảo tích hợp 100% dịch vụ công của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; xây dựng, nâng cấp và vận hành các trục kết nối giữa Trung ương và tỉnh như: Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (FPT.LGSP), trục quản lý văn bản…

Ảnh với chú thích
Cán bộ Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

FPT cùng tỉnh Quảng Ninh xây dựng kho tài nguyên dữ liệu, xây dựng trung tâm dữ liệu mới, cung cấp hạ tầng và quản trị trên nền tảng đám mây (Cloud) của FPT; đẩy mạnh việc hình thành khu công nghiệp thông minh, sử dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, dựa trên hệ sinh thái các nền tảng, giải pháp công nghệ Made by FPT, Tập đoàn sẽ hỗ trợ tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phát triển kinh tế số trong các ngành trọng tâm, thế mạnh của tỉnh: sản xuất công nghiệp, năng lượng, logistics thông minh, du lịch, kinh tế cửa khẩu…

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, các sở, ban, ngành, địa phương, các doanh nghiệp đã xây dựng, ban hành kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025 và hằng năm của đơn vị để triển khai thực hiện chương trình, đề án, kế hoạch chuyển đổi số của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh. Trong số các điểm đến tại Quảng Ninh đang bắt nhịp tốt với chuyển đổi số phải kể đến Bảo tàng Quảng Ninh. Đây là bảo tàng cấp I trong hệ thống bảo tàng của Việt Nam. Ngoài hệ thống hiện vật, Bảo tàng Quảng Ninh còn được chú trọng đầu tư ứng dụng KHCN vào phục vụ công tác trưng bày với trên 50 màn hình ti vi, màn hình led và màn hình cảm ứng tra cứu thông tin các loại cùng một trung tâm điều khiển âm thanh, ánh sáng, trình chiếu với khoảng 1.000 thiết bị.

Ảnh với chú thích
Bảo tàng Quảng Ninh bố trí không gian trưng bày, tham quan đặc sắc thông qua hệ thống màn hình led lớn và hệ thống máy chiếu 3D hiện đại.

Ngoài ra, Bảo tàng Quảng Ninh cũng là bảo tàng tiên phong trong cả nước xây dựng bảo tàng ảo. Với bảo tàng ảo, du khách có thể tham quan từ xa mà không phải đến tận nơi. Vì ưu điểm này, Bảo tàng Quảng Ninh vẫn duy trì được mối quan hệ và sự hiện diện với du khách ngay cả khi phải đóng cửa do dịch bệnh. Theo ông Nguyễn Sỹ Ngọc, Trưởng phòng Kỹ thuật - Thiết bị (Bảo tàng Quảng Ninh) giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều lần bảo tàng phải đóng cửa, du khách không thể tham quan trực tiếp tại bảo tàng song lượt truy cập bảo tàng ảo vẫn tăng, đạt hàng triệu lượt.

Là một trong những công ty nghiên cứu, kinh doanh về phần mềm, Công ty Truyền thông Adver có trụ sở tại TP Hạ Long đã xây dựng phần mềm hỗ trợ thông tin du lịch có tên tripmap. Ông Nguyễn Thành Trung, CEO Công ty Adver, nhà sáng lập ứng dụng tripmap cho biết: Hiện công ty đang tập trung phát triển nội dung cho du lịch Hạ Long, Quảng Ninh vì đây là một điểm đến hàng đầu của Việt Nam. Riêng tại khu vực TP Hạ Long, tripmap đã xây dựng được mạng lưới với 20 “thổ địa” ở các mảng như nhà hàng, khách sạn, điểm đến... "Thổ địa" là những người dân địa phương, có kiến thức và am hiểu về địa bàn. Họ sẽ là người cung cấp thông tin chính xác, thường xuyên cập nhật lên hệ thống để đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy cho điểm đến.

Ảnh với chú thích
Nhân viên Ban Quản lý vịnh Hạ Long xuất hóa đơn điện tử cho các chủ tàu.

Hiện tại, Quảng Ninh đang là một trong những địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Quảng Ninh còn rất nhiều việc phải làm. Bởi nhìn trên thực tế cũng phải thừa nhận rằng quá trình ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trên địa bản tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Cơ hội số vẫn chưa được khai thác mạnh mẽ, toàn diện, sâu rộng và hiệu quả; kinh tế số chỉ chiếm tỷ trọng 3% GRDP của tỉnh.

Cover

Hạ tầng CNTT, viễn thông có mặt còn bất cập, có sự thiếu đồng bộ. Các hệ thống thông tin vẫn thiếu dữ liệu, nền tảng dùng chung. Doanh nghiệp CNTT và truyền thông mỏng, chỉ chiếm 4,7% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; thiếu các doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, chưa hình thành được ngành công nghiệp CNTT - truyền thông (ICT). Kỹ năng số của một bộ phận CBCC, người dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Nguồn nhân lực về CNTT thiếu hụt trầm trọng, hiện chỉ chiếm 2,8% tổng số lao động đang hoạt động trên địa bàn. Bộ chỉ số chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh mới đạt 429,47 điểm/800 điểm...

Bởi vậy để hoàn thành mục tiêu đề ra như mong đợi, rất cần sự vào cuộc tích cực, hiệu quả hơn nữa của các cấp, ngành đơn vị và sự hưởng ứng, chung tay của toàn xã hội.

Thực hiện: Hoài Anh

Trình bày: Mạnh Hà

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu