
Đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống
Quảng Ninh đã chủ động “chạy đà” ngay từ đầu năm 2025, ban hành đồng loạt các kế hoạch, văn bản chỉ đạo và phân công rõ trách nhiệm cho từng sở, ngành, địa phương, nhằm triển khai nhanh các chính sách pháp luật trọng tâm. Song song với đó, tỉnh tăng cường giám sát chặt qua kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm vi phạm; đồng thời nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, hiện đại hóa quy trình làm việc, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, bảo đảm công tác quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả.
Chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thi hành pháp luật
Tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ nhằm tổ chức thi hành hiệu quả chính sách, pháp luật, đảm bảo tính kịp thời, thống nhất và đồng bộ trên toàn địa bàn; đồng thời nêu rõ 5 lĩnh vực trọng điểm cần theo dõi, gồm: Phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU), bảo vệ môi trường biển, hải đảo, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng và thực hiện chính sách an sinh xã hội hậu Covid-19. Các lĩnh vực đều được phân công trách nhiệm cụ thể tới từng cơ quan chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan để theo dõi, điều tra, khảo sát và tổng hợp dữ liệu.

Đáng chú ý, các sở, ngành đã không chỉ xây dựng kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, mà còn tập trung rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản không còn phù hợp, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và khả thi trong áp dụng thực tiễn.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh đã ban hành 50 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 3 nghị quyết và 47 quyết định, quy định chi tiết thi hành các luật mới như Luật Đất đai, Luật Nhà ở... Tất cả các văn bản được xây dựng đúng trình tự, thủ tục, thể hiện sự nghiêm túc trong công tác lập pháp tại địa phương.
Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được triển khai mạnh mẽ. Kế hoạch số 37/KH-UBND về tuyên truyền pháp luật năm 2025 đã được ban hành sớm, tạo nền tảng để các ngành, địa phương thực hiện hiệu quả nhiệm vụ truyền thông pháp lý tới cán bộ, công chức và người dân. Các hoạt động tập huấn, hội nghị, phát hành tài liệu, tuyên truyền qua báo chí, mạng xã hội… được tổ chức rộng khắp.
Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã rà soát 248 văn bản pháp luật, qua đó kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, đảm bảo hệ thống pháp luật địa phương thông suốt, đồng bộ.
Cùng với đó, công tác xử lý vi phạm hành chính và thanh tra, kiểm tra thi hành pháp luật tiếp tục được đẩy mạnh. Trong 4 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận hơn 34.900 vụ vi phạm hành chính, xử phạt với số tiền thu về ngân sách đạt hơn 165 tỷ đồng. Công tác xử lý tội phạm cũng được tăng cường, với 352 vụ án hình sự được khởi tố mới. Đây là kết quả từ sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành tư pháp, công an, kiểm sát và các cơ quan chuyên môn của tỉnh.
Kiên trì giám sát, nâng cao năng lực và hiện đại hóa tổ chức thi hành pháp luật
Không chỉ dừng lại ở việc ban hành chính sách, Quảng Ninh còn đặc biệt coi trọng công tác giám sát thi hành pháp luật. Trong từng lĩnh vực cụ thể, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường rà soát, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời điều chỉnh để phù hợp với thực tế.

Điển hình ở lĩnh vực đất đai, tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn Luật Đất đai 2024 cho hàng trăm cán bộ quản lý, đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện TTHC, đẩy mạnh số hóa dữ liệu địa chính. Các quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất được cải tiến theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch.
Công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm nghiệp cũng ghi nhận chuyển biến tích cực. Từ năm 2021 đến hết tháng 5/2025, tỉnh xử lý 11 vụ vi phạm về chuyển mục đích sử dụng rừng, đồng thời khởi tố 41 vụ/33 bị can về tội “Hủy hoại rừng”. Chi cục Kiểm lâm tỉnh được trang bị đầy đủ phương tiện, lực lượng gồm 235 người, tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn, kiểm tra hiện trường, tăng cường giám sát và phản ứng kịp thời với các vi phạm.
Về công tác pháp chế, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 56/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, tỉnh đã nhanh chóng ban hành kế hoạch triển khai, chỉ đạo Sở Nội vụ và Sở Tư pháp phối hợp kiện toàn tổ chức bộ máy, phân công cán bộ pháp chế chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. Hiện toàn tỉnh có 44 người làm công tác pháp chế tại các sở, ngành và doanh nghiệp nhà nước, trong đó 100% có trình độ đại học luật trở lên.
Một điểm sáng nữa là việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Tính đến giữa năm 2025, toàn tỉnh có 2.140 cán bộ, công chức và hơn 27.000 viên chức, được đào tạo bài bản, bố trí đúng vị trí việc làm. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, nâng cao nghiệp vụ. Cùng với đó, cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác pháp luật luôn được đảm bảo, từng bước hiện đại hóa quy trình làm việc.
Có thể khẳng định, sự chủ động trong triển khai và quyết liệt trong giám sát đã giúp Quảng Ninh trở thành điểm sáng trong tổ chức thi hành pháp luật.
Ý kiến ()