Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất những tháng cuối năm
Quý IV thường là khoảng thời gian các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất, gấp rút hoàn thành các đơn hàng trong năm. Năm nay, các đợt dịch Covid-19 phức tạp, kéo dài, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều doanh nghiệp bị giảm sút đáng kể về sản lượng và lợi nhuận. Thời điểm này, tranh thủ dịch bệnh được kiểm soát tốt, các doanh nghiệp đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ sản xuất nhằm cải thiện doanh thu, đồng thời tìm kiếm đối tác mới, tạo tiền đề cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những tháng đầu của năm 2022.
Theo đó, trong giai đoạn tăng tốc này, TKV và các đơn vị trong Tập đoàn đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chiến dịch 90 ngày đêm quý IV; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị; tăng cường thúc đẩy tiêu thụ, đồng thời bám sát thị trường... Với việc tăng sản lượng theo chỉ đạo của tỉnh cũng như cân đối năng lực và điều kiện cho phép của TKV, tổng lượng than sản xuất của Tập đoàn tại Quảng Ninh trong năm 2021 sẽ tăng từ 36,8 triệu tấn lên 39,1 triệu tấn. Mức tăng này sẽ đóng góp quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh.
Tại Công ty CP Than Cao Sơn hiện là đơn vị khối lộ thiên có quy mô sản xuất lớn nhất Tập đoàn, với diện tích khai trường 1.390ha, công suất khai thác than hàng năm của mỏ là trên 6 triệu tấn, khối lượng đất đá bóc xúc trên 60 triệu m3. Sau hợp nhất vào năm 2020, có thể nói, về năng lực sản xuất, Than Cao Sơn đang sở hữu hạ tầng kỹ thuật và công nghệ hiện đại bậc nhất ngành khai thác mỏ nước ta. Từ nay đến cuối năm 2021, Than Cao Sơn sẽ sản xuất tăng thêm 150.000 tấn than nguyên khai. Đây là đơn vị được giao sản lượng than tăng thêm cao nhất trong TKV. Ngay sau khi được giao thêm chỉ tiêu, Công ty đã quán triệt, triển khai các giải pháp cụ thể cho từng công trường, phân xưởng nhằm hoàn thành chỉ tiêu được giao. Trong đó, trọng tâm là phát huy tối đa năng lực thiết bị, nhân lực, đảm bảo phòng chống mưa bão và phòng chống dịch. Hiện tại, bình quân mỗi ngày, Công ty khai thác từ 15.000-20.000 tấn than. Phấn đấu cả năm 2021, đơn vị sẽ khai thác được 6,25 triệu tấn than, tăng 150.000 tấn so với kế hoạch đầu năm. Như vậy, việc hoàn thành chỉ tiêu được giao tăng thêm của Tập đoàn là hoàn toàn khả thi.
Cùng với ngành Than, hiện tại, nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động trên địa bàn Quảng Ninh cũng đang tăng tốc hoạt động sản xuất kinh doanh. Điển hình, như tại dự án S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn đang đẩy mạnh sản xuất linh kiện điện tử cho các thương hiệu hàng đầu thế giới. Foxconn đặt mục tiêu sản xuất khoảng 1 triệu màn hình tinh thể lỏng và ti vi có giá trị xuất khẩu kim ngạch khoảng 250 triệu USD trong năm 2021. Đặc biệt, tại Công ty TNHH Sản xuất bột mỳ VimaFlour trong KCN Cái Lân, đón bắt được thị trường tiêu thụ sản phẩm bột mỳ tăng cao ở trong nước và trên thế giới, cùng với việc duy trì hoạt động 3 dây chuyền sản xuất bột mỳ hiện có với tổng công suất xay nghiền tối đa là 1.500 tấn/ngày, Công ty còn mạnh dạn đầu tư thêm 1 dây chuyền sản xuất mới, với công suất 500 tấn/ngày, trong tháng 11/2021, dây chuyền sản xuất này sẽ đi vào hoạt động. Dự kiến trong năm 2021, tổng sản lượng sản xuất của Công ty Vimaflour đạt 378.000 tấn, nộp ngân sách cho địa phương trên 145 tỷ đồng. Ông Bùi Thanh Dương, Giám đốc Nhà máy sản xuất bột mỳ VimaFlour, cho biết: Các chỉ tiêu sản xuất của đơn vị chúng tôi đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, sản lượng tiêu thụ bột mỳ trong nước đạt trên 215.000 tấn, tăng 12%, với giá trị tiêu thụ đạt trên 2.000 tỷ đồng, tăng 15%; sản lượng tiêu thụ cám mỳ trong nước đạt trên 62.000 tấn, tăng 4%, giá trị tiêu thụ đạt 371 tỷ đồng, tăng 36%. Cùng với đó, sản lượng xuất khẩu bột mỳ đạt trên 1.500 tấn, tăng 136%, giá trị tiêu thụ đạt 584.000 USD, tăng 153%.
Những nỗ lực của khối doanh nghiệp FDI đã tạo hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn Quảng Ninh tăng cao so cùng kỳ và còn nhiều khả năng tăng trưởng cao hơn trong quý IV. Tính đến hết tháng 9/2021, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút FDI cấp mới và tăng vốn đạt 1,067 tỷ USD; so với cùng kỳ 9 tháng thu hút FDI tăng 2,67 lần. Trong số các dự án được cấp mới, phải kể đến 2 dự án của Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam tại KCN Sông Khoai, thị xã Quảng Yên với tổng mức đầu tư gần 900 triệu USD. Đây là 2 dự án có số vốn đầu tư FDI lớn nhất từ trước đến nay vào địa bàn KCN, KKT của tỉnh Quảng Ninh. Tỉnh dự kiến đến hết năm 2021 sẽ thu hút cấp mới và điều chỉnh khoảng 1,2 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với cả năm 2020 (589 triệu USD).
Tương tự, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ là những đối tượng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch Covid-19, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, nỗ lực tìm hướng đi riêng để đảm bảo hoạt động. Các giải pháp chủ yếu mà doanh nghiệp thực hiện là thay đổi chiến lược kinh doanh từ trực tiếp sang trực tuyến, tăng cường sử dụng công nghệ số, thay đổi các cơ cấu hạng mục sản xuất, kinh doanh phù hợp với thực tế...
Bước vào cao điểm sản xuất cuối năm, cùng với giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững lượng khách hàng truyền thống, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tích cực nghiên cứu, mở rộng thị trường mới để tăng doanh thu, tìm kiếm hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các giai đoạn tiếp theo. Với sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của tỉnh, các cấp, các ngành và sự nỗ lực của doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phát triển đạt được mục tiêu như kỳ vọng.
Ý kiến ()