Điều hành ngân sách: Công khai, minh bạch - Tạo động lực mới
Trong 6 tháng đầu năm 2022, công tác điều hành ngân sách của tỉnh gặp một số khó khăn do Trung ương ban hành các chính sách miễn, giảm thuế và một số hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, bằng sự chủ động, linh hoạt, công khai, minh bạch, các nhiệm vụ ngân sách của tỉnh được triển khai đúng kế hoạch, tạo nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Cùng với những khó khăn liên quan đến chính sách miễn giảm thuế do Trung ương ban hành, công tác thu NSNN của tỉnh cũng gặp những vướng mắc trong công tác thuê tư vấn xây dựng giá đất, thực hiện đấu giá, đấu thầu tại các địa phương; giá cả xăng dầu, vật liệu xây dựng tăng cao, các cửa khẩu đường bộ tạm dừng thông quan trong một thời gian dài… Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN, trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện 6 Kế hoạch quản lý thuế trên các lĩnh vực để tăng thu thuế, phí, nhất là các khoản thuế, phí giao cho huyện thu. Ngành Thuế đã tích cực tuyên truyền các kế hoạch, chính sách thuế đến doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ công tác kê khai và kế toán thuế; thường xuyên kiểm tra tình hình kinh doanh, hồ sơ kê khai thuế; đôn đốc công tác thu hồi nợ thuế; đẩy mạnh việc triển khai hóa đơn điện tử.
Đến nay, đã có trên 10.300 tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế, cá nhân kinh doanh hoàn thành đăng ký, sử dụng hóa đơn. Việc triển khai hóa đơn điện tử đã góp phần nâng cao công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách, tạo điều kiện để tăng thu từ thuế, phí.
Các sở, ban, ngành và địa phương đã quyết liệt trong triển khai thực hiện, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giúp các doanh nghiệp đưa các dự án mới đi vào hoạt động; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước, chủ động liên kết với các hãng hàng không, tàu biển, các tập đoàn du lịch hàng đầu quốc tế; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với việc thông quan hàng hóa, giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành kiểm tra tình hình giao thu của các địa phương, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu phương án xử lý số tăng thu tiền sử dụng đất ở các địa phương; kiểm soát tiến độ thu tiền sử dụng đất, đảm bảo thực hiện thu theo đúng dự toán đã được tỉnh giao là 8.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Sở Tài chính, 6 tháng đầu năm tổng thu NSNN trên địa bàn đạt trên 28.800 tỷ đồng, bằng 55% dự toán và tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu từ hoạt động XNK đạt khoảng 6.600 tỷ đồng (bằng 62% dự toán và tăng 32% so với cùng kỳ 2021). Đặc biệt, thu nội địa thực hiện trên 22.200 tỷ đồng (bằng 53% dự toán, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021). Kết quả này cho thấy, các hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu có chuyển biến tích cực, góp phần đảm bảo nguồn lực để duy trì đà tăng trưởng theo kế hoạch đề ra và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội. Cân đối giữa các cấp ngân sách được đảm bảo, ngân sách cấp tỉnh từ thuế, phí ước đạt trên 9.000 tỷ đồng (đạt 54% dự toán, tăng 17% cùng kỳ 2022).
Đối với chi ngân sách, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phân khai, giải ngân vốn. Theo đó, liên quan đến chi đầu tư, UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thiện quyết toán dự án hoàn thành để kịp thời phân bổ vốn; thành lập tổ công tác giải ngân đặc biệt nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 2022 đối với 29 dự án. Trong chi thường xuyên, tỉnh yêu cầu các đơn vị dự toán khẩn trương hoàn thiện phương án phân bổ vốn trước ngày 31/3/2022. Định kỳ 2 tháng/lần, cơ quan tài chính báo cáo tiến độ phân khai, giải ngân chi thường xuyên với các cấp thẩm quyền để có phương án xử lý. Căn cứ danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN tại Nghị quyết số 61/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã phê duyệt các phương án đặt hàng, giao nhiệm vụ năm 2022 đối với 11 lĩnh vực chuyên ngành; quyết định phân bổ kinh phí đặt hàng giao nhiệm vụ trước 31/3 đối với 6/11 lĩnh vực với số tiền trên 114 tỷ đồng. Còn lại 5 lĩnh vực (KH&CN, Y tế, Công Thương, Tư pháp, GT-VT), UBND tỉnh đang xem xét ban hành quyết định.
Để khắc phục tình trạng tồn dư ngân sách như năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu thường xuyên rà soát tiến độ phân khai, giải ngân dự toán và kiên quyết cắt giảm kinh phí của các dự án, nhiệm vụ chi có tiến độ phân khai, giải ngân chậm. Từ đó, kịp thời điều chuyển, bổ sung cho các dự án, nhiệm vụ mới, quan trọng có nhu cầu vốn; trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết điều chỉnh, phân bổ dự toán, như: Bổ sung, điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2022; bổ sung cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách địa phương, phân bổ, điều chỉnh dự toán ngân sách cấp tỉnh năm 2022; phương án sử dụng tăng thu kết dư ngân sách cấp tỉnh năm 2021… Theo đó, tỉnh đã điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của các dự án giải ngân chậm, hết nhu cầu vốn cho các dự án mới, dự án có nhu cầu với số tiền trên 421 tỷ đồng; điều chỉnh giảm gần 980 tỷ đồng chi thường xuyên ngân sách tỉnh để bổ sung vốn đầu tư phát triển; điều chỉnh dự toán chi hoạt động của 177 trạm y tế xã từ ngân sách huyện về ngân sách cấp tỉnh với số tiền gần 200 tỷ đồng…
Tính đến ngày 27/6, tỉnh giải ngân được trên 4.740 tỷ đồng chi đầu tư phát triển (đạt 29%, cao hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước là 24,6%); giải ngân chi thường xuyên đạt 4.145 tỷ đồng (bằng 33% dự toán). Việc thực hiện có hiệu quả công tác thu, chi NSNN đã tạo ra nguồn lực giúp tỉnh điều hành ngân sách chủ động, linh hoạt và tạo lực đẩy tốt trong phát triển KT-XH.
Ý kiến ()