
Điều chỉnh quy hoạch đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững
Sau hơn 2 năm thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trước những biến động mạnh về tổ chức hành chính, định hướng phát triển và yêu cầu triển khai các kết luận của Trung ương, việc lập điều chỉnh quy hoạch tổng thể của tỉnh đang trở thành một nhiệm vụ cấp thiết, vừa mang tính chiến lược lâu dài, vừa có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong giai đoạn hiện nay.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh là một trong những quy hoạch đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong cả nước. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai, bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Quảng Ninh cũng phải đối diện với những thách thức mới phát sinh, nhất là ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi) làm thay đổi các mục tiêu về tăng trưởng, tỷ lệ che phủ rừng, phát triển các dự án động lực mới nằm ngoài quy hoạch tỉnh. Đồng thời, việc chấm dứt mô hình hoạt động cấp huyện, chuyển từ đơn vị hành chính 3 cấp sang 2 cấp, với sự thay đổi lớn về quy mô diện tích các xã, phường.
Mặt khác, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH phát sinh một số vướng mắc, mâu thuẫn giữa quy hoạch tỉnh với các quy hoạch ngành cấp trên được phê duyệt sau quy hoạch tỉnh và phát sinh một số vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản. Điều này ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển KT-XH của tỉnh, trong khi có nhiều nhà đầu tư có các ý tưởng mới, sáng tạo, đột phá có thể thúc đẩy tăng trưởng, phát triển KT-XH dài hơi, bền vững trong thời gian tới.
Từ những vấn đề trên, đòi hỏi phải điều chỉnh tổng thể quy hoạch tỉnh để phù hợp với thực tiễn. Ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: Việc điều chỉnh quy hoạch là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự đồng bộ giữa tổ chức bộ máy, không gian phát triển và định hướng chiến lược mới của tỉnh. Nếu không kịp thời điều chỉnh, quy hoạch sẽ trở nên lạc hậu, kìm hãm sự phát triển.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch tỉnh Quảng Ninh là rất đúng lúc. Quảng Ninh có tốc độ phát triển nhanh, mô hình tổ chức hành chính mới và nhiều nhiệm vụ Trung ương giao, nên cần sự đồng bộ giữa định hướng phát triển và công cụ pháp lý.
Từ những vấn đề nảy sinh, điều chỉnh quy hoạch tỉnh cần tập trung vào 3 nhóm nội dung: Không gian phát triển mới; quy hoạch hành chính - tổ chức hệ thống chính trị; điều chỉnh mục tiêu và chỉ tiêu phát triển KT-XH. Vậy làm thế nào để điều chỉnh quy hoạch tỉnh đúng và bền vững đang được các sở, ngành, địa phương tích cực nghiên cứu, chủ động xin ý kiến tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học uy tín hàng đầu trong nước.
Theo một số chuyên gia, điều chỉnh quy hoạch tỉnh Quảng Ninh không đơn thuần là thay đổi kỹ thuật, mà cần đồng bộ với định hướng chính trị - kinh tế - xã hội; tránh mâu thuẫn với các quy hoạch ngành; đưa chuyển đổi số, kinh tế xanh vào trọng tâm; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch sau điều chỉnh bằng cách phân cấp cho địa phương, xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch số và minh bạch hóa giám sát thực hiện quy hoạch qua công nghệ số.

Nếu tỉnh Quảng Ninh làm tốt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch lần này sẽ giúp cho các cấp, các ngành bố trí không gian phát triển hợp lý; huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư; tăng tính cạnh tranh và chủ động quy hoạch các khu chức năng và bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa giữa nông thôn - đô thị - hải đảo (xã, phường, đặc khu).
Điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 không chỉ là yêu cầu về kỹ thuật lập quy hoạch, mà còn là hành động chính trị - hành chính mang tính chiến lược, mở đường cho những đột phá mới. Đây là bước đi tất yếu để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, đáng sống, có khả năng dẫn dắt vùng Đông Bắc trong phát triển bền vững.
Ý kiến ()