20
18
/
933220
Để tiếp tục dẫn đầu "đường đua" PCI
longform
Để tiếp tục dẫn đầu "đường đua" PCI

 

Quảng Ninh đang giữ ngôi đầu PCI của cả nước. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia tham dự Hội nghị triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ và phân tích chuyên sâu về nâng cao năng lực cạnh tranh do tỉnh tổ chức vừa qua cho thấy, nhiều chỉ số thành phần trong bộ chỉ số PCI của Quảng Ninh chưa ổn định, thậm chí tụt hạng so với năm 2017; cùng với đó, khoảng cách trong tốp 5 địa phương dẫn đầu PCI 2018 là rất ngắn... Điều này đòi hỏi thời gian tới Quảng Ninh phải có những giải pháp mới, quyết liệt hơn để giữ vững ngôi vị quán quân PCI.

 

Trong bộ Chỉ số PCI 2018, Quảng Ninh có 5 chỉ số tăng điểm so với năm 2017, gồm: Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự; có 3 chỉ số tăng thứ hạng: Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Chi phí không chính thức.

 

Tuy nhiên, tỉnh có tới 5 chỉ số giảm điểm và giảm hạng, là: Chi phí gia nhập thị trường, Chi phí thời gian, Tính năng động, Dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp và Đào tạo lao động; 2 chỉ số tăng điểm nhưng giảm hạng: Cạnh tranh bình đẳng, Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự.

Đáng lưu ý, năm 2018 có sự giảm điểm mạnh của Chỉ số Chi phí gia nhập thị trường, từ vị trí thứ 1 (trong 2 năm liên tiếp 2016 và 2017), rơi xuống vị trí thứ 12/63; Chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, từ vị trí thứ 3 xuống vị trí thứ 27/63. 

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến giảm điểm, giảm hạng các chỉ số, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - VCCI, Giám đốc Dự án PCI quốc gia đánh giá: Qua khảo sát của chúng tôi cho thấy, cơ bản tại tất cả các địa phương trong nước, hầu hết các doanh nghiệp có quy mô lớn đều đánh giá hài lòng với các chỉ số thành phần PCI, nhưng đối với doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập lại không như vậy. 53% doanh nghiệp cho rằng chưa hài lòng với môi trường kinh doanh; 5% doanh nghiệp đánh giá kém về công tác đảm bảo an ninh trật tự; 20% doanh nghiệp cho biết bị thanh tra từ 3 lần trở lên. Đáng chú ý, Quảng Ninh đứng thứ 5 cả nước về tỷ lệ doanh nghiệp chờ trên 3 tháng hoàn tất giấy tờ để đi vào hoạt động. Đây là điều tỉnh nên hết sức lưu ý.

Hiến kế cho Quảng Ninh, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất, tỉnh phải tích cực nắm bắt và có chương trình hỗ trợ những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ như: Tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, tìm kiếm nguồn vốn, biến động chính sách pháp luật. Cùng với đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với các nguồn lực kinh doanh; có chiến lược tạo nguồn cung lao động có kỹ năng; tăng cường kiến thức hội nhập cho doanh nghiệp bởi so mức độ nhận biết về hiệp định thỏa thuận thương mại thì Quảng Ninh ở thấp hơn so với cả nước.

Tham góp ý kiến với tỉnh, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: Những sáng kiến cải cách của Quảng Ninh đạt nhiều kết quả quan trọng và được Chính phủ, doanh nghiệp ghi nhận tích cực. Do đó, để cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn nữa thì bên cạnh tiếp tục duy trì các sáng kiến cải cách thì giải pháp quan trọng hướng tới là cần xây dựng chính quyền điện tử và áp dụng dịch vụ công trực tuyến. Chỉ khi chúng ta áp dụng công nghệ thông tin, chính quyền điện tử kết nối giữa doanh nhân và doanh nghiệp với cơ quan chính quyền sẽ thuận lợi hơn, các thủ tục giải quyết nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi công vụ, tiếp cận, xử lý, quản lý những vấn đề mới, vấn đề phát sinh. Khi có nguồn nhân lực tốt, có công nghệ thì chúng ta sẽ có được môi trường kinh doanh hiệu quả hơn và thu hút được nhiều hơn các doanh nghiệp tới Quảng Ninh.

Cũng theo đánh giá của các chuyên gia tham dự hội nghị, không phải Quảng Ninh, mà nhiều địa phương trong tốp đầu PCI đang có dấu hiệu “đụng trần”, nghĩa là các chỉ số đến ngưỡng nhất định thì việc thực hiện giải pháp cải thiện rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến điều này lại do... quy định Trung ương. Nhiều địa phương khó thực hiện đổi mới, bứt phá do thiếu có những cơ chế chính sách riêng, đặc thù; còn nếu áp dụng theo cơ chế cũ thì chồng chéo, thậm chí không thực hiện được. Do đó, việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách từ Trung ương là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự năng động và tạo hành lang pháp lý an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh các khuyến nghị, hiến kế từ chuyên gia, tại hội nghị, các sở, ngành của tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân dẫn đến giảm điểm, giảm hạng các chỉ số thành phần PCI. Đồng thời, cam kết vào cuộc tích cực hơn, với các giải pháp cụ thể hơn, thiết thực hơn.

Cụ thể, ngành Công an cam kết tạo dựng một môi trường đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra điểm nóng, kiềm chế hiệu quả sự gia tăng của các loại tội phạm… Ngành Thuế sẽ giảm các cuộc thanh, kiểm tra bằng việc xây dựng quy trình kiểm tra, áp dụng hóa đơn điện tử để giảm thời gian cơ quan thuế tiếp xúc doanh nghiệp. Ngành LĐ-TB&XH sẽ làm việc với các doanh nghiệp để kết nối nhu cầu nguồn lao động với nghề đào tạo; nâng cao chất lượng trung tâm giới thiệu việc làm; tập trung đào tạo nghề có thế mạnh của tỉnh...

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long khẳng định: Năm 2019 và các năm tiếp theo, Quảng Ninh sẽ còn phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức. Thách thức lớn nhất là truyền được quyết tâm cải cách, đổi mới hơn nữa đến các cấp, ngành, địa phương, cán bộ thực thi nhiệm vụ. Thách thức nữa là sự vươn lên mạnh mẽ và nguy cơ cạnh tranh hiện hữu của các tỉnh/thành phố trong nhóm đầu khi tỉnh Đồng Tháp ngay kề thứ hạng của chúng ta có tới 7 chỉ số thành phần nằm trong top 5 với 4 chỉ số thành phần dẫn đầu bảng xếp hạng và cũng là địa phương có hướng cải thiện PCI một cách bền vững.

Đi cùng với thách thức, là những cơ hội của tỉnh mà nền tảng là niềm tin, kỳ vọng của doanh nghiệp; những kinh nghiệm với nhiều mô hình cải cách, nhiều sáng kiến đổi mới khi thực hiện đã mang hiệu quả. Quảng Ninh cũng có sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương. Do đó, đòi hỏi sự nỗ lực, sáng tạo của chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ninh, sự vào cuộc đồng lòng của các cấp, các ngành, các địa phương và của người dân, nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp cùng chung sức, chung tay để chuyển hóa những thách thức khó khăn thành cơ hội phát triển bền vững, cải thiện hơn nữa điểm số và tiệm cận đến thang điểm tối ưu, đạt đến sự hài lòng ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp.

Trên cơ sở lắng nghe ý kiến chuyên gia, sự phân tích, nhận định của các sở, ngành, địa phương, với quyết tâm cao nhất là: Tăng điểm, thăng hạng và giữ vị trí dẫn đầu PCI 2019, Hội nghị đã thống nhất một số nội dung tỉnh sẽ triển khai thời gian tới. Như: Tập trung bám sát các chỉ đạo điều hành của Quốc hội và Chính phủ, Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; từng sở, ngành và địa phương cần có các giải pháp cụ thể, hiệu quả để cải thiện nâng cao chất lượng chỉ số gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình; nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp gắn với nhu cầu thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp; triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng đối thoại doanh nghiệp, tiếp tục phát huy và nhân rộng mô hình Cafe doanh nhân...

Thu Chung
Trình bày: Tất Đạt

[links()]

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu