20
18
/
964741
Để Đảng gần dân hơn
longform
Để Đảng gần dân hơn

 

 

Luôn khắc ghi lời Bác dạy: “Cán bộ là gốc của mọi công việc” và nhận thức rõ công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở, thời gian qua Quảng Ninh đã mạnh dạn, tiên phong thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu. Sau gần 3 năm thực hiện, việc nhất thể hóa đã góp phần tinh gọn cơ cấu bộ máy, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương cho đến khâu tổ chức thực hiện, từ đó, đưa Đảng đến gần với dân hơn.


Ngày 28/12/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về “Thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố, nhiệm kỳ 2017-2020”. Trong đó, có đặt mục tiêu thực hiện 100% nhất thể hoá chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Sau gần 3 năm thực hiện, đã có 1563/1565 thôn, bản, khu phố thực hiện nhất thể hóa bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, chiếm 99,87%.

Sau gần 3 năm gánh “2 vai” Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng thôn Phai Lầu (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu), với anh Chìu Văn Phúc, việc nhất thể hóa có nhiều thuận lợi, không chỉ phát huy được vai trò nòng cốt Đảng trong dân mà còn tạo sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương cho đến khâu tổ chức thực hiện. Những vấn đề phát sinh tại thôn đều được giải quyết nhanh, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

 

Chia sẻ với chúng tôi, anh cho biết: “Là những người trực tiếp đưa chủ trương, Nghị quyết của Ðảng đến với nhân dân, tôi nhận thấy, đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu có vai trò vô cùng quan trọng trong xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở thôn. Chính vì vậy, sau khi hợp nhất hai chức danh, hầu hết các vấn đề quan trọng trong thôn đã được chi bộ chỉ đạo kịp thời”

Đặc biệt, trong quá trình triển khai các các chủ trương của cấp ủy về thực hiện chương trình 135, xây dựng nông thôn mới, anh Phúc đã phát huy rõ vai trò, trách nhiệm của bí thư chi bộ, trưởng thôn trong việc giúp bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập.

Từ một thôn biên giới, đặc biệt khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao (69/75 hộ năm 2016) thì đến nay Phai Lầu chỉ còn 12/85 hộ. Các chỉ tiêu, tiêu chí ra khỏi diện 135 thôn cũng đã hoàn thành. Kinh tế được nâng lên, ý thức của người dân trong xây dựng nếp sống văn hóa văn minh được cải thiện rõ rệt. Người dân đã tích cực tham gia dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm vào các ngày cuối tuần; đồng thuận xây dựng các nhà tiêu hợp vệ sinh và di chuyển nhiều chuồng trại không hợp vệ sinh.

Bà Tằng Dảo Ngần, thôn Phai Lầu, phấn khởi cho biết: “Nhờ có Đảng mà cuộc sống của người dân chúng tôi đã khấm khá lên. Nhiều nhà trong thôn đã xây được nhà tầng, mua được xe máy, ô tô. Đường giao thông được mở rộng và đổ bê tông nên chúng tôi đi lại thuận lợi lắm. Bà con trong thôn giờ cũng đoàn kết, nghe lời cán bộ để cùng nhau phát triển kinh tế”.

Đánh giá về đội ngũ cán bộ thôn, bản của địa phương mình, đồng chí Lý Văn Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn chia sẻ, chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn chính là kim chỉ nam trong quá trình tinh gọn đội ngũ cán bộ cơ sở ở Đồng Văn. Hiện nay, xã có 9/9 thôn, bản thực hiện nhất thể hóa. Đội ngũ cán bộ thôn, bản tại địa phương hầu hết là trẻ, đều rất nhiệt tình, trách nhiệm nhiệm với công việc. Họ nắm chắc tình hình đời sống nhân dân và được nhân dân rất tin tưởng”.

Không chỉ ở Phai Lầu hay các thôn khác của Đồng Văn, hiệu quả và thuận lợi nhìn thấy rõ ở những thôn, khu phố còn lại trên địa bàn tỉnh thực hiện nhất thể hóa bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu. Toàn tỉnh hiện có 1.565 thôn, bản, khu phố, trong đó có 684 khu phố và 881 thôn, bản. Đến nay, đã có 1563/1565 thôn, bản, khu phố thực hiện nhất thể hóa, chiếm 99,87% (trước khi thực hiện Chỉ thị số 12 chỉ có 336 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, chiếm 21,5%). 1.565/1.565 đội ngũ trưởng thôn đều là đảng viên, chiếm 100% (trước khi thực hiện Chỉ thị 12 chỉ có 513/1.565 thôn, chiếm 32,8%).

Đội ngũ bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn đã thực sự trở thành hạt nhân lãnh đạo của chi bộ, là cánh tay nối dài của Đảng, luôn gần dân, sát dân, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nhân dân và thực hiện trực tiếp các chính sách, quyết định của các cấp đến từng hộ dân, mang lại hiệu quả hơn.

Từ thực tiễn triển khai trên địa bàn tỉnh cho thấy hiệu quả rõ nhất, đó là cơ cấu bộ máy gọn nhẹ, tạo sự thống nhất, đồng thuận ngay từ việc ban hành nghị quyết đến chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, qua đó vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo nhiệm vụ của chi bộ đối với hoạt động ở thôn, khu phố được nâng lên rõ rệt, gắn kết nhiệm vụ của bí thư chi bộ và trưởng thôn. Những vấn đề phát sinh tại cơ sở được nhanh chóng giải quyết, tiết kiệm thời gian hội họp, phát huy tối đa năng lực của người đứng đầu thôn, khu phố, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, trách nhiệm.

Việc nhất thể hoá hai chức danh này cũng góp phần đưa Nghị quyết của chi bộ sát thực hơn, hiệu quả hơn và đi vào đời sống xã hội ở cộng đồng dân cư; phát huy được cao nhất sức mạnh lãnh đạo của chi bộ và trách nhiệm của đảng viên nhất là người đứng đầu (bí thư chi bộ - trưởng thôn, khu) đối với việc thực hiện nhiệm vụ ở khu dân cư. Chi ủy, chi bộ và nhất là đồng chí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố sâu sát thực tế, nắm chắc tình hình chính trị tư tưởng, việc chấp hành chính sách pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân hơn... Từ đó, có những chỉ đạo, điều hành phù hợp, sát thực tiễn, đảm bảo tính khả thi cao.

Đặc biệt, vai trò lãnh đạo toàn diện của bí thư chi bộ, quản lý điều hành của thôn, khu trên tất cả các lĩnh vực được phát huy đồng bộ, hiệu quả. Những đồng chí nào nắm vững chủ trương, chính sách, có kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo, kỹ năng dân vận, tổ chức, nhiệt tình, trách nhiệm thì sẽ càng phát huy được năng lực cá nhân, tính năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ. Đồng thời, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại, né tránh, nể nang trong công việc; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Bà Nông Thị Công, Thủ trưởng Cơ quan Tổ chức – Nội vụ huyện Bình Liêu, cho biết: Ở Bình Liêu, sau khi hợp nhất hai chức danh, hầu hết các vấn đề quan trọng trong thôn đã được chi bộ chỉ đạo kịp thời bởi mô hình này đã phát huy được sức mạnh lãnh đạo của chi bộ và trách nhiệm của đảng viên đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở thôn, khu dân cư. Thực hiện mô hình này và đã phát huy hiệu quả, vừa tinh gọn đội ngũ, vừa tạo điều kiện để cán bộ khối phố phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, sau gần 3 năm thực hiện Chỉ thị 12-CT/TU ngày 28/12/2016 về “thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, khu phố” Hầu hết những thôn, khu phố áp dụng hình thức nhất thể hóa trước từ nhiều năm qua chi bộ thì đều giữ vững danh hiệu trong sạch, vững mạnh, thôn, khu đạt tiêu chuẩn văn hoá. Đội ngũ “2 vai” thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, góp phần vào kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, tạo khí thế mới trong mọi hoạt động ở khu dân cư; đặc biệt củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, từ 67% (năm 2015) tăng lên 85,1% (năm 2018).

Theo lời dạy của Bác, Quảng Ninh đã dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ vừa "hồng", vừa "chuyên”, với lề lối, tác phong làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, luôn luôn đổi mới, phát huy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Bài: Thu Chung

Trình bày: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu