
Đẩy mạnh liên kết vùng trong tiêu thụ sản phẩm
Liên kết vùng là giải pháp đang được Quảng Ninh đẩy mạnh thực hiện, nhằm quảng bá và nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông sản của tỉnh. Từ đó, thúc đẩy mạnh mẽ việc sản xuất của các doanh nghiệp, HTX và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm.

Để tạo sự liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững, nhiều hoạt động hợp tác liên kết vùng đã được tỉnh thực hiện, trong đó, chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thương, buôn bán. Nhiều dự án hạ tầng giao thông, động lực đã hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo xung lực cho phát triển kinh tế, tăng cường liên kết vùng, như: Đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; đường bao biển kết nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả… Cùng với đó, tỉnh cũng triển khai các dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông, cảng biển, dịch vụ logistics, hạ tầng logistics.
Đặc biệt, tận dụng lợi thế biên giới tiếp giáp với Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản tiềm năng, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) trong việc mở, nâng cấp cửa khẩu, lối mở trên tuyến biên giới. Tới nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được nhiều hệ thống cửa khẩu, lối mở, góp phần thúc đẩy giao thương, buôn bán, như: Cửa khẩu quốc tế Móng Cái – Đông Hưng (cầu Bắc Luân); cửa khẩu song phương Hoành Mô – Động Trung; lối thông quan Bắc Phong Sinh – Lý Hỏa; lối thông quan cầu Bắc Luân II thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái - Đông Hưng; lối mở Km3+4 phường Hải Yên và lối mở Pò Hèn - Thán Sản...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 432 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao. Với khát vọng mong muốn đưa sản phẩm OCOP vươn xa, tỉnh đã tổ chức tham gia nhiều hội chợ, triển lãm tại các tỉnh, thành phố trên cả nước để thúc đẩy hoạt động tiêu thụ sản phẩm. Tính riêng trong năm 2024, tỉnh đã tổ chức thành công 1 chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; 2 chương trình xúc tiến thương mại cấp tỉnh; 3 Tuần hàng Việt; tham gia 2 chương trình xúc tiến thương mại tại Hà Nội, Đà Nẵng; tham gia 4 chương trình lễ hội, hội chợ thương mại tại Trung Quốc, Lào; 2 hội nghị kết nối, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP; tổ chức 12 chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện cung cấp thông tin chương trình xúc tiến thương mại tại 25 tỉnh Tiền Giang, Kon Tum, Đắk Lắk, Thái Nguyên,… và đề nghị Sở NN&PTNT, Văn phòng Điều phối NTM, UBND các địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân trẻ và Liên minh HTX tỉnh phối hợp cung cấp thông tin đến các đơn vị, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý biết, chủ động đăng ký tham gia.
Đến nay, đã có 82 sản phẩm OCOP Quảng Ninh được kết nối tiêu thụ ổn định vào các kênh tiêu thụ hiện đại như: Siêu thị Go! Hạ Long, MM Mega Market, Winmart, Aloha..., chuỗi cửa hàng tiện lợi nông sản sạch và 82 điểm mua sắm sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của tỉnh phục vụ khách du lịch; 123 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được tiêu thụ tại một số thị trường các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương...
Ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương cho biết: Thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại, tuần xúc tiến tiêu thụ sản phẩm... trong và ngoài tỉnh là “đòn bẩy” hiệu quả giúp quảng bá và nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp trong toàn tỉnh. Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng cũng là cơ hội rất lớn giúp cho các doanh nghiệp, HTX, các chủ thể sản xuất trong và ngoài nước được tiếp xúc, giao lưu, tìm hiểu cơ hội hợp tác để trao đổi, kinh doanh những sản phẩm hàng hóa. Từ đó, giúp đẩy mạnh việc kết nối với nhau trong việc tiêu thụ các mặt hàng. Năm 2025, Trung tâm sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng đổi mới, thuận tiện, hiệu quả và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp.

Có thể thấy, việc đẩy mạnh liên kết vùng, gắn với phát huy thế mạnh địa phương đã hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư cung hoặc thiếu cung sản phẩm, hạn chế tổn thất.
Thời gian tới, để tận dụng lợi thế từ liên kết vùng, Sở Công Thương sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan xây dựng các mạng lưới liên kết và thiết lập, duy trì các mối quan hệ đối tác, nhằm thúc đẩy, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm. Tăng cường việc hợp tác và chia sẻ nguồn lực hợp tác với các cơ sở sản xuất khu vực. Đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện được chiến lược quảng bá hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển của Tỉnh. Đồng thời, tăng cường việc theo dõi và phân tích về xu hướng thị trường để cảnh báo, hỗ trợ và thông tin tới các doanh nghiệp, HTX, chủ thể sản xuất điều chỉnh, thích ứng với các diễn biến nhu cầu thị trường và phát triển bền vững.
Ý kiến ()