
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 (1955-2025) Những thầy thuốc "đặc biệt"
Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy “Lương y như từ mẫu”, những người thầy thuốc "đặc biệt" mang quân hàm xanh của lực lượng Biên phòng Quảng Ninh, hay những thầy thuốc đang chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân “đặc biệt” mắc bệnh tâm thần trên địa bàn tỉnh, luôn sẵn sàng hy sinh, cống hiến tài năng, thực hiện nhiệm vụ cao cả “chữa bệnh, cứu người”, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Những thầy thuốc hai màu áo
Những người lính đặc biệt mang trên mình hai màu áo: Màu xanh áo lính giữ gìn sự bình yên cho Tổ quốc, màu áo blouse trắng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Họ sẵn sàng hy sinh, cống hiến tài năng để thực hiện nhiệm vụ cao cả “chữa bệnh, cứu người”.

Trung tá quân y Giáp Quảng Nam (Đồn BP Trà Cổ) thoạt nhìn không giống một nhân viên y tế, mà đặc chất lính biên phòng. Thân hình anh rắn chắc, gương mặt sạm màu vì nắng gió biên thùy.
30 năm ròng gắn bó với bà con các thôn bản vùng biên giới, Trung tá Giáp lưu giữ biết bao kỷ niệm vui, buồn, nhưng lúc nào cũng vậy, kể từ khi mới vào nghề anh luôn tận tâm khám chữa bệnh, tuyên truyền người dân cách ăn ở vệ sinh, đảm bảo sức khỏe. Bất kể ngày hay đêm, khi bà con ở các thôn bản đau ốm cần cứu giúp anh lại băng rừng, lội suối để đến hỗ trợ.
Hỏi về nguồn gốc của sự tận tụy này, anh nói lên suy nghĩ thật đơn giản: “Bà con các thôn bản biên giới dù còn nhiều khó khăn nhưng luôn quan tâm, đùm bọc, hỗ trợ bộ đội, nên chúng tôi phải tích cực hướng dẫn bà con chăm sóc sức khỏe, góp phần tri ân bà con”.
Chúng tôi gặp Trung tá Nam tại Đồn BP Trà Cổ khi anh vừa xuống làng biên giới biển tuyên truyền, vận động người dân tham gia giữ gìn môi trường sống để phòng chống dịch bệnh về đến đơn vị. Mời chúng tôi vào phòng khách uống nước, anh kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm đáng nhớ kể từ khi tham gia lực lượng Quân y Biên phòng.
Thời điểm năm 2012, anh công tác tại Đồn BP cửa khẩu Hoành Mô. Lúc đó cuộc sống của người dân trên địa bàn đơn vị phụ trách vẫn còn rất khó khăn; nhận thức về tự chăm sóc sức khỏe bản thân còn hạn chế, nên cứ mỗi khi có người ốm, điều đầu tiên các hộ gia đình ở đây nghĩ đến là mời thầy cúng về để chữa bệnh, chỉ khi bệnh thật nặng mới nhờ đến cán bộ y tế. Hiểu được cuộc sống của người dân, ngay từ khi về Đồn anh và đồng đội đã thường xuyên xuống các thôn bản để tuyên truyền, vận động người dân cách ăn ở vệ sinh, đảm bảo sức khỏe.
Anh vẫn nhớ như in đêm một ngày cuối năm 2012, khi đang trực Trạm xá quân dân y, anh nhận được tin báo bà Trần Thị Chiều (SN 1952, thôn Lục Nà, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) bị lên cơn đau tim cần giúp đỡ. Ngay giữa đêm, anh lập tức đến tận nhà người bệnh để sơ cứu và sau đó đưa lên bệnh viện tuyến trên để tiếp tục điều trị. Chỉ sau vài tuần sức khỏe bệnh nhân này dần bình phục và được ra viện. Sau tìm hiểu được biết, bệnh nhân bị bệnh về tim, nhưng chỉ tin lời thầy cúng ở nhà cúng và tự chữa. Đến khi bệnh nặng người thân mới gọi đến lực lượng quân y để nhờ cứu chữa.
Nhiều năm gắn bó, chăm sóc, hướng dẫn người dân các thôn bản biên giới cách ăn ở vệ sinh, đảm bảo sức khỏe nên đồng bào các thôn, bản biên giới ai cũng biết đến anh và tin theo lời anh nói.
Chị Hoàng Thị Tâm (SN 1981, ở thôn Nà Áng, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu), một trong nhiều bệnh nhân được anh Nam cứu chữa khỏi bệnh kể: Thời điểm năm 2013, khi đó tôi do không biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân nên để bị suy nhược cơ thể. Nhưng do kinh tế khó khăn nên không đi khám. Đến khi cơ thể suy kiệt đang làm thì ngã quỵ gia đình tôi mới gọi nhờ bác sĩ Nam đến khám chữa. May mắn hôm đó bác sĩ đến kịp thời cấp cứu nên tôi mới qua được.
Cũng dành cả tuổi thanh xuân gắn bó với các thôn, bản biên giới, hải đảo, Thiếu tá quân y Tô Thái Thanh (SN 1972) hiện là cán bộ quân y, Đồn BP cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Trên 30 năm công tác trong lực lượng Quân y Biên phòng, hằng ngày ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, Thiếu tá Thanh còn tích cực tham gia giúp bà con ngư dân trên địa bàn trong việc cứu chữa khi họ mắc bệnh. Cùng với đó, anh còn tiến hành tuyên truyền cho bà con ăn ở, nếp sống vệ sinh khoa học, phát triển kinh tế, thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước. Bằng trách nhiệm của người lính và cái tâm người thầy thuốc, Thiếu tá Thanh đã kịp thời cứu chữa cho nhiều người dân trên địa bàn.
Thiếu tá Thanh tâm niệm: “Là quân y giúp dân, ngoài trách nhiệm người lính biên cương và tay nghề còn phải có tấm lòng nữa anh ạ! Bà con trên địa bàn biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, bởi vậy muốn thiết thực phục vụ bà con thì mình cần phải thường xuyên sâu sát cơ sở, ai cần gì thì mình giúp. Mỗi khi người dân cần khám chữa bệnh tôi đều nhiệt tình giúp đỡ. Qua công tác này, đã góp phần củng cố tình đoàn kết quân dân ngày càng bền chặt”.
Thầm lặng cống hiến
Dẫn chúng tôi đi thăm bệnh phòng, điều dưỡng Nguyễn Thị Minh Thúy (Khoa Bán cấp tính nữ, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần) đã kể cho tôi nghe về hoàn cảnh, tình trạng của từng bệnh nhân nơi đây. Nhìn về phía bệnh nhân ít tuổi nhất 16 tuổi C.H.Th (Vân Đồn), điều dưỡng Thúy cho hay, bệnh nhân Th. đã vào đây hơn 4 năm, thường có biểu hiện kích động tự làm đau bản thân, hay thường xuyên nuốt dị vật. Còn bệnh nhân N.T.V (52 tuổi, ở Hạ Long) đã vào viện từ khi hơn 20 tuổi, gần 5 năm qua cũng không có người nhà đón về. Bệnh nhân L.Q.P (Móng Cái) vừa mắc bệnh động kinh vừa chậm phát triển tâm thần, cách đây vài năm người cha nuôi cũng đã qua đời nên không có người thân nào…
Trong suốt 31 năm công tác, điều dưỡng Thúy cho biết, chị không nhớ nổi mình đã từng chăm sóc cho bao nhiêu bệnh nhân, mỗi người một hoàn cảnh, tính cách khác nhau, thế nhưng điểm chung ở họ mà chị cảm nhận đó là sự đáng thương, bởi họ rất cô đơn, cần người quan tâm, chăm sóc. Chị Thúy chia sẻ: Khi mới về công tác, nhiều lần gia đình cũng động viên tôi chuyển công tác bởi thấy sự vất vả, cũng như tính chất người bệnh “đặc biệt” ở đây. Nhưng sau một thời gian làm việc tôi thực sự thấy đồng cảm, thương bệnh nhân nên đã động viên gia đình để mình yên tâm gắn bó lâu dài với công việc này.

Quả thật, khi đến đây được gặp gỡ, chứng kiến những công việc của các y, bác sĩ nơi đây mới thấy hết được sự tận tâm của họ. Tại Khoa Bán cấp tính nữ, công việc của các y bác sĩ bận rộn, tất bật từ sáng sớm tới đêm khuya. Ngày thường cũng như ngày lễ, buổi sáng sau khi hướng dẫn các bệnh nhân tập thể dục buổi sáng, ăn sáng, các điều dưỡng lại hỗ trợ từng bệnh nhân vệ sinh cá nhân từ cắt tóc, cắt móng tay, gội đầu, sấy tóc... Trong đêm trực, điều dưỡng thường xuyên thâu đêm đi tua, kiểm tra từng phòng bệnh, nhắc nhở bệnh nhân ngủ đúng giờ.
Các y, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân tâm thần là công việc khá vất vả bởi thường xuyên phải tiếp xúc, điều trị cho các bệnh nhân không bình thường về tâm lý. Khi bệnh nhân hợp tác thì mọi việc dễ dàng nhưng nhiều lúc bệnh nhân phản ứng khiến các y bác sĩ khá mệt mỏi, áp lực. Chị Thúy kể: Những ngày đầu đi làm, khi chưa có nhiều kinh nghiệm, thường xuyên chúng tôi bị bệnh nhân khi lên cơn kích động tấn công, đánh chửi. Tôi nhớ mãi, trong kíp trực cách đây hơn 20 năm, có lần tiếp nhận bệnh nhân mới, dù đã phân loại đồ dùng cá nhân, nhưng họ vẫn giấu kín mang theo 1 lưỡi dao lam. Khi lên cơn kích động, bệnh nhân đã tấn công, rạch vào chân của một nam điều dưỡng cùng ca trực với tôi, phải khâu 12 mũi. Từ lần đó, mỗi khi tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi phải cất đồ dùng cá nhân của bệnh nhân bên ngoài, nên không có tình trạng đó xảy ra nữa.

Không chỉ có các y bác sĩ giàu kinh nghiệm, đối với các y bác sĩ trẻ, khi lựa chọn công việc chăm sóc cho những bệnh nhân tâm thần cũng là cách họ thể hiện tinh thần dấn thân, tận tâm cống hiến với nghề. Từ những e dè, bỡ ngỡ ngày đầu khi vào nghề giờ đây bác sĩ Nguyễn Thị Tâm (Khoa Bán cấp tính nữ) ngày càng gắn bó, cảm thông với từng người bệnh ở đây, trở thành điểm tựa tinh thần cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Mặc dù thời gian công tác chưa lâu, nhưng bác sĩ Tâm cũng có không ít những ký ức về người bệnh. Bác sĩ Tâm nhớ lại, trường hợp nữ bệnh nhân ở Cẩm Phả bị rối loạn tâm thần nặng, sau 2 tháng điều trị đã cải thiện và xin xuất viện để về nhà uống thuốc. Sau 1 tháng, bệnh nhân tái khám và cho biết nhờ duy trì uống thuốc mà sức khỏe tốt hơn nên đã xin được việc làm. Bệnh nhân rất vui vẻ và gửi lời cảm ơn đến chúng tôi. Hay có bệnh nhân sau khi ra viện trở về với cuộc sống đời thường khi gặp lại bác sĩ ngoài đời họ nhớ và chào hỏi làm mình cũng cảm thấy ấm lòng. “Muốn điều trị được bệnh nhân tâm thần thì ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tôi luôn tâm niệm coi người bệnh như người thân của mình. Thường xuyên dành thời gian lắng nghe người bệnh trò chuyện, từ đó tạo được lòng tin đối với bệnh nhân, nắm bắt được tình trạng bệnh nhân để có phác đồ điều trị hiệu quả. Càng nhiều bệnh nhân hồi phục, trở về với gia đình và cộng đồng là điều mà mỗi y bác sĩ chúng tôi cảm thấy hạnh phúc nhất” - bác sĩ Tâm bày tỏ.

Mỗi công việc đều có áp lực, vất vả riêng song với những thầy thuốc công tác trong môi trường đặc biệt như điều dưỡng Thúy, bác sĩ Tâm thì áp lực lại càng lớn. Với họ, chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt này không chỉ là trách nhiệm, là nhân lên sự sẻ chia, yêu thương với cộng đồng mà còn là cách giữ lửa tình yêu nghề Y đầy cao quý, vẻ vang.
Ý kiến ()