
Quan tâm đầu tư trạm tiếp sóng viễn thông ở thôn, bản
Việc phủ sóng di động cho các thôn, bản khó khăn sẽ tạo động lực phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh, quốc phòng cho vùng cao, biên giới. Tuy nhiên, hiện nay tại một số thôn của huyện Ba Chẽ vẫn trong tình trạng “lõm” sóng di động. Cử tri nơi đây mong muốn các ngành chức năng của tỉnh, địa phương quan tâm đầu tư hạ tầng viễn thông.

Dù chỉ cách trung tâm xã khoảng vài cây số nhưng cuộc sống của nhiều hộ dân thôn Nước Đừng (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) gặp khó khăn trong sử dụng điện thoại di động, vì sóng thường xuyên bị gián đoạn. Còn dùng điện thoại cố định, một phần không tiện dụng như điện thoại di động, phần thì do chi phí lắp đặt đường dây tốn kém, nên người dân ít quan tâm.
Chị Đặng Thị Dung, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nước Đừng, những lúc cần thông báo những nội dung cần thiết của xã và huyện, chị phải đến trực tiếp từng hộ dân. Ở miền xuôi đi đến nhà dân khá dễ dàng, nhưng ở miền núi, nhà dân cách xa nhau, đi lại khó khăn, những ngày thời tiết xấu đi lại vô cùng vất vả. Nếu có sóng di động, có mạng internet thì thông tin đến người dân sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. Chị Dung cho biết: “Nhiều khi một số văn bản của huyện, xã, gửi đến thôn, nếu đọc qua cụm truyền thanh FM cũng chỉ một số hộ ở gần mới nghe thấy. Những lúc muốn chuyển văn bản lại phải đi đến điểm nào có sóng mới chuyển được. Rất mong Nhà nước quan tâm lắp đặt trạm phát sóng để người dân ở đây có thể tiếp cận với thông tin, công nghệ mới nhanh hơn, học hỏi phát triển kinh tế”.
Thôn Nước Đừng hiện nhà nào cũng có 1-2 chiếc điện thoại di động, nhưng chỉ phát huy tác dụng ở ngoài thôn, còn ở trong thôn "điện thoại không khác đồ chơi", bởi không gọi và nhận cuộc gọi được. Người dân muốn gọi điện thoại phải lên những vị trí cao hoặc sang những thôn bên cạnh để "hứng" sóng. Tuy nhiên, ngay cả như vậy cũng không phải lúc nào cũng có thể liên lạc được do sóng điện thoại khá chập chờn.

Thôn Nước Đừng hiện hệ thống điện, đường, trường học được đầu tư đầy đủ, cuộc sống của người dân tốt lên nhiều; chỉ có liên lạc điện thoại vẫn quá khó khăn, không chỉ bất tiện trong sinh hoạt, mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của bà con. Người dân thôn không dám đầu tư làm ăn lớn, mà chỉ duy trì các mô hình kinh tế mang tính tự cung, tự cấp là chính. Chị Đặng Thị Tức (thôn Nước Đừng) cho biết: Hiện nay hình thức bán hàng qua các trang mạng xã hội đã giúp nông dân giới thiệu, quảng bá sản phẩm địa phương với khách hàng khắp các vùng miền trong nước. Tuy nhiên, với những hộ dân vùng “lõm” sóng như hiện nay, việc này gần như không thể”.
Xã Đồn Đạc có 14 thôn, trong đó có 2 thôn “lõm” sóng di động là Nước Đừng và Nà Làng. Thôn Nước Đừng có 43 hộ thì 23 hộ chưa thể phủ sóng điện thoại hoặc sóng yếu, chập chờn. Với sự phát triển mạnh mẽ của công cuộc chuyển đổi số, những vùng chưa có sóng điện thoại sẽ tụt hậu, chênh lệch khoảng cách về cả kinh tế và dân trí với khu vực khác.
Các điểm không có sóng di động trên địa bàn huyện Ba Chẽ đều nằm ở những vị trí cách xa trung tâm, địa hình đồi núi cách trở, vì vậy đầu tư rất khó khăn. Chính quyền địa phương, doanh nghiệp, ngành chức năng cần quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông các vùng “lõm” sóng di động, giúp người dân tiếp cận thông tin, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn khoảng cách chênh lệch vùng miền.
Ý kiến ()