
Phát triển các sản phẩm OCOP mới
Năm 2025, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng đa dạng, nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, góp phần phát triển thêm nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh và từng bước đưa OCOP Quảng Ninh tiếp tục vươn xa hơn nữa đến với người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh.

Để hỗ trợ các chủ thể phát triển và đăng ký tham gia xếp hạng sản phẩm OCOP, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh thực hiện lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ các tổ chức kinh tế có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP có điều kiện mở rộng quy mô, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị, hoàn thiện sản phẩm và các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ...
Theo ghi nhận tại TP Hạ Long, là địa phương có nhiều thế mạnh về phát triển các sản phẩm OCOP độc đáo, chất lượng, việc phát triển các sản phẩm OCOP luôn được chú trọng hàng năm. Trong đó, mọi khâu về hỗ trợ, phát triển sản phẩm và chú trọng về nguồn gốc, xuất xứ, nguồn nguyên liệu, mẫu mã sản phẩm… là ưu tiên hàng đầu để được TP Hạ Long định hướng nhằm phát triển bền vững sản phẩm OCOP địa phương.
Theo đó, Hạ Long đã thực hiện quy hoạch lại các vùng sản xuất tập trung, hỗ trợ phát triển các mô hình thế mạnh, sản phẩm OCOP tiềm năng, phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, như: Vùng trồng cây dược liệu, cây ba kích (Đồng Sơn, Đồng Lâm, Kỳ Thượng, Tân Dân); vùng trồng ổi Đài Loan (Sơn Dương, Dân Chủ, Quảng La); vùng trồng hoa (Lê Lợi, Thống Nhất, Sơn Dương, Hà Phong); vùng chế biến thực phẩm chả mực Hạ Long, giò lụa Phương Thành (Hòn Gai)… Hiện, trên địa bàn TP Hạ Long đã phát triển được gần 50 sản phẩm OCOP và 100% sản phẩm OCOP và sản phẩm tham gia chu trình OCOP trên địa bàn đã thực hiện giao dịch trên sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn. Nhiều sản phẩm của OCOP Hạ Long nổi tiếng được nhiều người tin dùng, như: Chả mực, ruốc tôm, bánh đa, khau nhục, ổi…

Đại diện cơ sở sản xuất Mạnh Hà, phường Cao Xanh, TP Hạ Long, cho biết: Chúng tôi là đơn vị sản xuất và cung ứng sản phẩm chả mực Hạ Long đã nhiều năm nay cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm chả mực đã được nhiều người tiêu dùng biết tới và đánh giá cao về chất lượng cũng như mẫu mã. Hiện nay, sản phẩm chả mực của đơn vị đã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao. Để tiếp tục phát triển sản phẩm và hướng tới đưa sản phẩm chả mực đạt 5 sao, chúng tôi đang đẩy mạnh việc đầu tư dây chuyền, xây dựng thương hiệu chả mực đặc trưng để hướng tới các thị hiếu khách hàng và bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, nâng cấp mẫu mã, bao bì sản phẩm đóng gói và nghiên cứu để đưa ra thị trường các sản phẩm chả mực dưới các hình thức, trọng lượng mới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.
Để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai hiệu quả 7 nhóm giải pháp theo Quyết định số 3398 ngày 16/11/2022 của UBND tỉnh, với mục tiêu đưa Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) phát triển mạnh mẽ đến hết năm 2025. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức kinh tế, cơ quan quản lý và người dân về chương trình OCOP; tập trung triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu tiên sử dụng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển sản phẩm OCOP; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất từ quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm; chú trọng tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, phát triển sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế tự nhiên, văn hóa và tập quán sản xuất của địa phương gắn với các nông sản chủ lực của tỉnh như: Ba kích Ba Chẽ, chè Đường Hoa Hải Hà, miến dong Bình Liêu; chả mực Hạ Long...

Đặc biệt, năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu có từ 8 đến 10 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia để phát triển thêm và nâng tầm sản phẩm OCOP Quảng Ninh. Hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp chọn lọc kỹ lưỡng những sản phẩm tiềm năng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của sản phẩm 5 sao. Đồng thời, thành lập các nhóm công tác chuyên biệt, tiến hành khảo sát thực tế, tư vấn và hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ và tiêu chí đánh giá phân hạng. Nhờ chú trọng đến việc phát triển sản phẩm, mới đây ngày 16/1/2025, sản phẩm trà hoa vàng Ba Chẽ vừa được cấp chứng nhận 5 sao, nâng tổng số sản phẩm 5 sao cấp quốc gia của Quảng Ninh lên 5 sản phẩm. Hiện tại, tỉnh cũng đang có 4 sản phẩm tiềm năng khác đang chờ đánh giá 5 sao từ Trung ương, gồm: Ruốc hàu Bavabi, Nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh bổ sung ga, Thực phẩm bảo vệ sức khỏe trà Giảo cổ lam ĐB 7 lá, và Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên an đường ĐB.
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, đến thời điểm hết năm 2024, toàn tỉnh có 432 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 5 sản phẩm OCOP 5 sao; 107 sản phẩm OCOP 4 sao; 320 sản phẩm OCOP 3 sao. Có 186 chủ thể tham gia chương trình OCOP gồm 48 doanh nghiệp; 70 HTX và 68 tổ hợp tác và hộ gia đình. Hiện tại, để phát triển thêm các sản phẩm OCOP mới, các địa phương, doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đang tích cực phát triển sản phẩm theo nhu cầu thị trường, chú trọng yếu tố chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, mẫu mã bao bì...
Ý kiến ()