
Dân vận khéo trong bảo đảm ANTT tại cơ sở
Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục tại các địa phương ở Quảng Ninh. Đặc biệt, công tác dân vận khéo được triển khai hiệu quả đã giúp huy động sức mạnh lớn của quần chúng nhân dân tham gia giữ gìn ANTT từ cơ sở.
TP Đông Triều đang duy trì thực hiện 17 mô hình dân vận khéo cấp tỉnh, 51 mô hình cấp huyện, gần 200 mô hình cấp cơ sở trên các lĩnh vực. Tình hình ANTT ở địa phương được giữ vững, có nhiều chuyển biến tích cực từ cơ sở cũng nhờ có cách làm dân vận khéo, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng từ đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cụ thể, các địa phương, đơn vị đều tập trung làm tốt công tác dân vận bám sát tình hình và điều kiện thực tế, với trọng tâm là: Tự phòng, tự quản, đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; hòa giải ở cơ sở, tháo gỡ khúc mắc trong thu hồi đất, GPMB, đền bù tái định cư; xây dựng gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá, cơ quan, doanh nghiệp văn hoá...
Đơn cử như mô hình "Vận động công nhân lao động tham gia thực hiện 5 an toàn trong doanh nghiệp” (an toàn trong môi trường làm việc, an toàn trong lao động, an toàn vệ sinh lao động, an toàn PCCC, an toàn phòng chống dịch bệnh), được đông đảo người lao động hưởng ứng, duy trì và hoạt động tốt. Qua đó vừa đảm bảo an toàn trong nội bộ, vừa góp phần giữ vững ANTT tại địa bàn nơi đơn vị, doanh nghiệp đứng chân.

Tại địa bàn biên giới như phường Trà Cổ (TP Móng Cái), công tác dân vận về tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được đặt lên hàng đầu. Nhiệm vụ này có sự vào cuộc tổng thể của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, cùng các lực lượng công an, biên phòng... Với đặc thù Trà Cổ là xứ đạo Công giáo, nên vai trò của Ban Hành giáo, các chức sắc, chức việc, người uy tín cũng đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền giáo dân đoàn kết, sống tốt đời đẹp đạo, bảo vệ cuộc sống bình yên. Nổi bật như việc Đồn Biên phòng Trà Cổ là nòng cốt tham mưu cho chính quyền địa phương, phối hợp cùng Giáo xứ Trà Cổ thành lập các tổ an ninh tự quản, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho các hộ dân...
Ông Vũ Đình Phúc, Trưởng Ban Hành giáo Xứ họ đạo Trà Cổ, chia sẻ: Hoạt động tuyên truyền thường được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt, học tập giáo lý, vì vậy bà con giáo dân đã thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, giáo dân đã tích cực tham gia tuần tra bảo vệ biên giới, đấu tranh với các loại tội phạm trên tuyến biên giới. Trong từng tổ dân, khu phố đều có lực lượng quần chúng nòng cốt, tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, hòa giải sớm các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 1.900 mô hình dân vận khéo được triển khai xây dựng trên các lĩnh vực. Năm 2024, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã đăng ký xây dựng 61 mô hình cấp tỉnh, gồm 49 mô hình tập thể, 12 mô hình cá nhân. Nhiều địa phương, đơn vị có những mô hình nổi bật mang lại hiệu quả rõ rệt về giữ vững an ninh - quốc phòng, tập trung vào các lĩnh vực khó, như: GPMB thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm; đối thoại, hòa giải những vụ việc phức tạp ngay từ cơ sở; từng bước đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững ANTT... Làm tốt dân vận khéo đã góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.
Từ ngày 1/3/2025 chính thức giải thể công an cấp huyện, công an cấp xã được phân cấp, tăng cường nhiều nhiệm vụ, trở thành một trong những lực lượng mũi nhọn trong đấu tranh xử lý tội phạm. Để thực hiện nhiệm vụ điều tra xử lý tội phạm theo mô hình mới, Công an tỉnh thành lập 4 tổ điều tra cơ sở phụ trách 4 địa bàn: Hạ Long; Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên; Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Ba Chẽ, Tiên Yên; Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu. Các tổ công tác thuộc Đội Điều tra của Văn phòng Cơ quan điều tra Công an tỉnh, thực hiện nhiệm vụ điều tra xử lý tội phạm theo thẩm quyền của Cơ quan Cảnh sát điều tra công an cấp huyện cũ và hướng dẫn công an cấp xã.
|
Ý kiến ()