20
18
/
1101125
Đặc sắc trò chơi dân gian ngày Tết
longform
Đặc sắc trò chơi dân gian ngày Tết

Cover

Những ngày đầu Xuân, không khí tưng bừng rộn ràng khắp muôn nơi. Các chương trình lễ hội, biểu diễn văn hóa nghệ thuật luôn là điểm nhấn hấp dẫn thu hút sự quan tâm của người dân, du khách khi đến du Xuân tại Quảng Ninh. Tết đến, Xuân về cũng là dịp mọi người cùng tham gia các trò chơi dân gian, truyền thống phong phú, mang bản sắc riêng của từng địa phương. Qua đó, góp phần gìn giữ đặc sắc văn hóa từng vùng, miền; tạo không khí phấn khởi, rộn ràng ngày Tết và “chất keo” gắn kết gia đình, cộng đồng...

Cover

Được ví như “Việt Nam thu nhỏ”, văn hóa đồng bào các dân tộc Quảng Ninh giống như một bức tranh đa sắc mà mỗi độ Tết đến Xuân về những gam màu ấy lại càng rực rỡ bởi được tổ chức tại những lễ hội truyền thống, những trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc. Thông qua việc tổ chức các hoạt động trò chơi, các môn thể thao vui tươi, lành mạnh đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách tham gia giao lưu, qua đó góp phần quan trọng bảo tồn, phát huy và giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ảnh trong văn bản

Trò chơi dân gian có nhiều thể loại phù hợp với sở thích nhiều lứa tuổi. Mỗi trò chơi có một quy luật riêng, mang những sắc thái khác nhau, vừa rèn luyện thể lực, sự nhanh nhẹn, khéo léo vừa phát huy tinh thần đoàn kết, tôn trọng kỷ luật, tinh thần thượng võ và cũng là “chất keo” gắn kết cộng đồng... 

Đến với những khu vực đồng bằng phía Tây của tỉnh Quảng Ninh trải dài từ TX Đông Triều, TP Uông Bí đến TX Quảng Yên, chúng tôi được cảm nhận và tham gia các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc và văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Không khí Tết Việt xưa cũng được tái hiện sống động với những trò chơi độc đáo như: Chơi pháo đất, đẩy gậy, kéo co, chơi cờ tướng…

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản
Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản

Người dân xã vùng cao huyện Hải Hà, TP Móng Cái chơi đánh quay.

Tại TX Quảng Yên, trong lễ hội Tiên Công (mùng 7 tháng Giêng) thường có các trò “bịt mắt đập niêu”. Trò chơi này khá đơn giản, người chơi bịt mắt bằng dải lụa đỏ, tay cầm gậy nếu đập trúng niêu đất là thắng cuộc. Ngoài ra, còn có chọi gà, đấu vật, kéo co, đánh đu. Những năm gần đây, lễ hội Tiên Công còn có thêm trò tổ tôm điếm. Đây là trò chơi dân gian không chỉ mang tính giải trí, trí tuệ mà còn hàm chứa cả chất văn nghệ bởi sự vận dụng, huy động của lượng từ ngữ bằng thơ, ca dao, hò vè, khúc hát… với nội dung rất phong phú.

Tổ tôm điếm hình thức có 5 điếm, giống như cái chòi. Khi thi đấu, mỗi điếm cử ra một người chia bài và phát bài, một trung quân giám sát bài, trọng tài điều khiển thi đấu rất công bằng, giữ đúng luật, theo đúng nội dung. Hiệu trống và cờ hiệu trong thi đấu tổ tôm điếm rất quan trọng, các điếm bạn và người tham dự chỉ cần nghe tiếng trống và cờ hiệu là biết tình hình đường đi nước bước của ván bài, hoặc biết kết quả bài. Trung quân vừa giám sát bài, điều khiển thi đấu, vừa vận dụng thơ ca giới thiệu từng cây bài.

Nếu như ở vùng đồng bằng thì các trò chơi dân gian phổ biến như đánh cờ, thổi cơm, thì người miền núi lại có nhiều trò chơi khác như nhảy sạp, đi cà kheo hay đánh đu. Tại Bình Liêu, với sắc màu đa dạng của đồng bào dân tộc thiểu số, các trò chơi dân gian cũng mang đậm dấu ấn văn hóa các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ. Hằng năm, vào các dịp lễ hội đình Lục Nà (ngày 16-17 tháng Giêng), hội Soóng cọ (ngày 16/3 Âm lịch), ngày Kiêng gió (4/4 Âm lịch), ngoài phần lễ, việc tham gia thi đấu, giao lưu, khoe tài với các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc trong phần hội luôn được bà con hào hứng đón đợi. Các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc như: Đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, bịt mắt bắt vịt, đi cà kheo, ném còn, đánh quay… thường được tổ chức xuyên suốt những ngày diễn ra lễ hội tạo không khí vui tươi, sôi nổi. Qua thời gian, sự giao thoa văn hóa, sự sáng tạo của cộng đồng, các trò chơi cũng có những sự thay đổi trong cách thức tổ chức, hình thức thực hiện, luật chơi song hầu hết đều vẫn thể hiện tính tập thể, đoàn kết, sự khéo léo của người chơi.

Ảnh với chú thích

Người dân Hải Sơn, TP Móng Cái thích thú với trò đi cầu khỉ.

Được biết, ngay khi xong vụ Thu Đông, người dân đã háo hức chuẩn bị cho mùa lễ hội. Nhiều hội, nhóm tập trung ở nhà văn hóa thôn xã, nhà sinh hoạt cộng đồng để luyện tập các trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, ném còn, bắn nỏ… để tranh tài với các đội khác trong xã. Các môn như: Đẩy gậy, bắn nỏ vốn dành cho nam giới nay cũng được chị em chơi rất thành thạo và sôi nổi. Các trò chơi dân gian thường không quá khó, dụng cụ cũng rất đơn giản, người dân có thể tự làm ra từ những vật liệu dễ kiếm nên hầu hết ai cũng tham gia được. 

Theo ông Mạc Ngọc Điệp, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Bình Liêu, các trò chơi dân gian trong lễ hội thể hiện nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn. Đồng thời, tạo sân chơi văn hóa, thể thao lành mạnh, góp phần xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng. Thông qua việc tổ chức thi đấu các trò chơi, môn thể thao truyền thống còn phát hiện được nhiều nhân tố có năng khiếu để chọn vào đội tuyển của huyện tham gia Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh, Đại hội Thể dục thể thao tỉnh...

Ảnh với chú thích

Trò chơi đẩy gậy thu hút đông người dân Hải Sơn, TP Móng Cái tham gia. 

Hiện, các trò chơi dân gian có giá trị lịch sử văn hóa, khoa học truyền qua các thế hệ đã có nhiều biến thể để phù hợp hơn với đời sống xã hội. Đây là một phần không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ của rất nhiều thế hệ người Việt, tạo sợi dây gắn kết giữa các thế hệ cộng đồng người Việt. 

Ảnh trong văn bản

Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, nhiều loại hình giải trí hiện đại xuất hiện, nhưng các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc vẫn luôn có sức hấp dẫn riêng, là nét đẹp văn hóa trong các lễ hội truyền thống, nhằm góp phần nâng cao thể chất, giáo dục ý thức gìn giữ bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh luôn quan tâm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác gìn giữ và phát triển các trò chơi dân gian và các môn thể thao dân tộc thông qua việc duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống; đưa vào các hội thi thể thao; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa thể thao tạo địa điểm sinh hoạt, vui chơi cho người dân.

Ảnh với chú thích

Học sinh trải nghiệm mô hình thực tế ảo trong Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh.

Để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, từ nhiều năm nay, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai các dự án, đề án về nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh tiếp tục nhấn mạnh phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa... là một trong các nhiệm vụ trọng tâm và một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. Trên cơ sở đó, Sở Văn hoá - Thể thao, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Hội Văn nghệ dân gian và các địa phương đã tích cực thực hiện khảo cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng dân tộc thiểu số từ văn học, văn nghệ, trò chơi dân gian đến phong tục tập quán, lễ hội, nghề thủ công truyền thống...

UBND tỉnh đã phê duyệt và chỉ đạo triển khai Đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030”. Qua đây, tiếp tục phát huy thế mạnh, huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân tham gia giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống, giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc, góp phần xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực. 

Ảnh với chú thích

Nghi thức rước kiệu nghênh thần trên biển - nét độc đáo của lễ hội đình Trà Cổ

Hiện, Quảng Ninh sở hữu hơn 600 di sản văn hoá vật thể là những đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ họ. Tỉnh cũng được biết đến là địa phương lưu giữ hàng ngàn hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể là những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, lễ hội của hơn 20 dân tộc. Những năm gần đây, với sự quan tâm của  Trung ương, của tỉnh, các địa phương, đoàn thể, người dân trong tỉnh, nhiều di tích đình, chùa, đền, miếu trong tỉnh được trùng tu, tôn tạo; nhiều lễ hội truyền thống được quan tâm bảo tồn. 

Có những lễ hội đã mai một ngót nửa thế kỷ dần dần đã được phục hồi như: Lễ hội Xuống đồng của xã Phong Cốc (Quảng Yên), lễ hội đình Lục Nà, xã Lục Hồn (Bình Liêu) đã tìm lại được sức sống trong đời sống người dân địa phương. Nếu nói rằng lễ hội (hội đình, hội chùa, hội làng…) mang bản sắc văn hoá của cộng đồng địa phương thì trò chơi dân gian chính là điểm nhấn của lễ hội đó. Thường các trò chơi dân gian được tổ chức vào dịp lễ hội đầu Xuân, các trò chơi dân gian không chỉ mang tính giải trí, tạo tiếng cười, sự phấn khích... trong những ngày đón Tết cổ truyền của dân tộc, trước khi mọi người bước vào mùa vụ lao động sản xuất mà còn thể hiện trí tuệ, mong ước của cá nhân, gia đình và cộng đồng vào một năm mới mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu.

Ảnh với chú thích

Hội thi cấy tại Lễ hội Xuống đồng (phường Phong Cốc, TX Quảng Yên) năm 2023.

Ảnh với chú thích

Khách du lịch tham quan làng nghề Hưng Học, Quảng Yên.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực, đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều nhà văn hoá xã được đầu tư xây dựng quy mô từ ngân sách tỉnh hay ủng hộ từ các doanh nghiệp, như: Khu bảo tồn văn hoá người Dao ở xã Bằng Cả (TP Hạ Long), Nhà văn hoá xã Đại Dực, khu bảo tồn văn hoá dân tộc Tày ở thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ (huyện Tiên Yên), Nhà văn hoá xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu)... Đây là những điều kiện quan trọng để các lễ hội văn hoá, các câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ, những tín ngưỡng, diễn xướng dân gian của đồng bào các dân tộc được tổ chức, hoạt động trình diễn, truyền dạy.

Từ sự quan tâm của tỉnh và thông qua các lễ hội, các hoạt động văn hoá, thể thao, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã nhận thức rõ hơn giá trị văn hoá của dân tộc mình để từ đó có trách nhiệm gìn giữ, truyền dạy cho con cháu văn hoá truyền thống từ trang phục, ẩm thực, tín ngưỡng, diễn xướng, tri thức dân gian... Đặc biệt, là đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã nhận thức được vai trò quan trọng của các giá trị văn hoá truyền thống trong phát triển kinh tế nhất là du lịch, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, xoá nghèo bền vững cũng như bảo vệ, giữ vững chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Cover

Bắt đầu từ ngày 3/2 (tức 23 tháng Chạp), tại Đình Làng Nương (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí) đã diễn ra Chương trình “Làng Việt - Tết xưa” do Công ty CP Phát triển Tùng Lâm tổ chức. Tại Chương trình có gần 10 trò chơi dân gian được tái hiện đã góp phần lan tỏa và nâng cao giá trị truyền thống dân tộc Tết cổ truyền của dân tộc trong nhịp sống đương đại đối với người dân và du khách.

Ảnh với chú thích

Nhiều trẻ em thích thú với việc nặn tò he.

“Pháo nổ, pháo nang, cả làng nghe thấy”, một câu đồng dao quen thuộc nhắc nhở đến trò chơi pháo đất độc đáo, có từ lâu đời của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tương truyền Bà Trưng, Bà Triệu khi đánh đuổi giặc phương Bắc đã nghĩ ra mẹo lấy đất dẻo nặn thành pháo đập xuống đường đi, quân giặc nghe thấy tiếng nổ lạ hò nhau bỏ chạy, hai Bà thừa thắng xông lên. Cũng có ý kiến cho rằng trò pháo đất bắt nguồn từ việc nhân dân ném đất xuống khúc sông Hóa để cứu con voi của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn bị sa lầy. Từ đó, mỗi khi nông nhàn, nhân dân thường tụ tập diễn lại cảnh này, dần dần hình thành nên trò chơi dân gian pháo đất độc đáo ở một số làng quê. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại và ở những đô thị lớn, trò chơi này chưa được nhiều người biết đến, nhất là lớp trẻ. Vì vậy, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã chuẩn bị sẵn nguyên liệu cũng như người hướng dẫn để bất cứ ai cũng có thể trải nghiệm khi Tết đến Xuân về.

Ảnh với chú thích

Nhân viên Công ty CP Phát triển Tùng Lâm hướng dẫn các em nhỏ làm pháo đất.

Chị Bùi Anh Thư (du khách đến từ Hà Nội) chia sẻ: Tham gia làm pháo đất, ban đầu cứ nghĩ không mấy khó khăn nhưng để làm được quả pháo đạt chuẩn rất công phu, tỉ mỉ, trải qua nhiều giai đoạn, đòi hỏi từ khâu làm đất cho đến khâu nặn đất. Với tôi, trò chơi pháo đất đã đem lại những trải nghiệm rất tuyệt vời ngay dưới chân núi Yên Tử, mang lại những không gian cũ, được quay trở về với văn hóa xưa. Tôi mong rằng những điểm du lịch khác của Quảng Ninh cũng như trong nước cũng đưa các trò chơi dân gian đến với du khách nhiều hơn nữa, nhất là dịp Tết đến để chúng ta có thời gian nghỉ ngơi, du Xuân tuyệt vời, ý nghĩa nhất.

Ảnh với chú thích

Trò chơi đẩy gậy đòi hỏi người tham gia có sức khỏe tốt, bền bỉ và biết chớp thời cơ thật nhanh.

Không chỉ có làm pháo đất, đến với "Làng Việt-Tết xưa”, người dân và du khách đều cảm thấy vô cùng thích thú khi được xem và tự mình trải nghiệm những trò chơi dân gian vô cùng đặc sắc khác, như: Đẩy gậy, cờ tướng, kéo co, đi cà kheo, nặn tò he… Mỗi trò chơi mang những sắc thái khác nhau, nhưng điểm chung là vừa rèn luyện thể lực, sự nhanh nhẹn, khéo léo, vừa là chất keo gắn kết cộng đồng và tăng sự tương tác giữa nhiều thế hệ với nhau. Với người lớn, đắm mình vào những trò chơi dân gian là được trở về với tuổi thơ thủa nào. Còn với con nhỏ những trải nghiệm mới mẻ này sẽ trở thành món ăn đặc sắc tinh thần không thể nào quên trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay.

Ảnh với chú thích

Rất nhiều du khách quốc tế thích thú khi được tham gia chương trình, được mặc những bộ cổ phục của Việt Nam.

Lựa chọn Yên Tử làm điểm dừng chân cho cả gia đình trong dịp Tết Nguyên đán 2024, đối với anh Martens (du khách Đức) là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời. “Vợ tôi là người Việt Nam, cả tôi và con gái nhỏ của mình thường chỉ nghe về tết của Việt Nam qua lời kể của vợ và trên phim ảnh, nên chúng tôi đã quyết định kéo dài thời gian lưu trú ở Yên Tử khi biết có chương trình Tết Việt xưa để được tự tay trải nghiệm gói bánh chưng, được tham gia các trò chơi đặc sắc. Điều thú vị hơn cả là không cần phải hiểu rõ ngôn ngữ, chỉ cần quan sát là bất cứ ai cũng có thể trở thành nhân vật trong chính các trò chơi và khi đã nhập cuộc, người chơi dường như quên mất cả thời gian và không gian. Chính những trải nghiệm này đã giúp chúng tôi có những cảm nhận thú vị về ngày Tết cổ truyền của Việt Nam và thấy thêm yêu mến vùng đất, con người nơi đây” -  anh Martens cho biết.

Ảnh với chú thích

Đi cà kheo là một trong những trò chơi dân gian được ưa chuộng trong mỗi dịp Tết đến xuân về thời xưa được tái hiện lại tại “Làng Việt - Tết xưa”.

Ảnh với chú thích

Đông đảo người dân và du khách cùng chơi trò kéo co.

Đến với Yên Tử những ngày đầu Xuân, du khách không chỉ được đắm chìm không khí linh thiêng, hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ mà còn được cảm nhận không khí vui tươi, náo nhiệt của mùa Xuân, nhất là thông qua Chương trình “Làng Việt-Tết xưa”. Phần lớn người trẻ vô cùng thích thú, hào hứng, phấn khởi khi được hòa mình vào không gian đậm chất dân tộc và cảm nhận rõ hơn bức tranh văn hóa đa sắc màu của Việt Nam.

Chia sẻ về lý do mang những trò chơi dân gian quen thuộc đến với chương trình, ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, cho biết: Theo xu thế thời đại cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, những giá trị truyền thống dường như ngày một phai nhạt, trò chơi dân gian dần bị quên lãng. Mỗi người thường bị cuốn theo vòng xoáy công việc, học tập khiến cho quỹ thời gian không còn nhiều dành cho nhu cầu vui chơi, giải trí. Chúng tôi tổ chức Chương trình “Làng Việt-Tết xưa” với một tâm thế là mong muốn nơi đây sẽ nuôi dưỡng tâm hồn Việt. Thông qua các trò chơi dân gian không chỉ đem đến một hình thức vui chơi giải trí đơn thuần, nâng cao sức khỏe, tạo sự kết nối cộng đồng cho người dân và du khách mà còn giúp gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Từ đó, khơi dậy những miền ký ức tốt đẹp, lan tỏa tới lớp trẻ những hình ảnh ấm áp, đặc trưng riêng có về Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

Cover

Dịp Tết đến, Xuân về, người dân tộc Tày ở xã Quảng Phong (huyện Hải Hà) đều sắm cho mình một con quay thật chắc chắn và phấn khởi khoác lên người bộ quần áo dân tộc đặc trưng để tham gia ngày hội đánh quay. Đây là trò chơi ngoài trời có từ lâu đời, thu hút đông đảo người chơi và tham gia cổ vũ. Với đồng bào dân tộc Tày tại xã Quảng Phong, trò chơi đánh quay lâu nay gắn liền với mỗi người dân; rèn luyện sức khỏe dẻo dai, độ khéo léo, kỹ thuật và là nơi để người dân tại các thôn bản được giao lưu gặp gỡ gắn bó tình đoàn kết, cùng cầu chúc cho nhau một năm mới với mọi điều tốt lành, sức khỏe, bình an và sung túc.

Những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, các thôn tại xã Quảng Phong (huyện Hải Hà) lại rộn ràng tiếng cười nói cười, tiếng cổ vũ và những tiếng va đập cách cách do những con quay va chạm với nhau tạo ra trong ngày hội đánh quay. Sau những bữa cơm tất niên bên gia đình, những lời chúc mừng đầu Xuân năm mới, người dân nơi đây lại nô nức tham gia ngày hội đánh quay. Đây chính là phong tục, nét đẹp truyền thống đã được người Tày ở xã Quảng Phong lưu giữ từ nhiều năm nay. Tục đánh con quay không chỉ thể hiện sức mạnh của người đàn ông trong lao động sản xuất mà còn là ngày hội để bà con dân bản được giao lưu gặp gỡ, chúc phúc cho nhau.

Ảnh với chú thích

Đánh quay là nét đẹp văn hóa, trò chơi dân gian của người dân tộc Tày tại huyện Hải Hà.

Ông Nông Thế Hiệu - một cao niên đã sống và gắn bó với trò chơi đánh quay từ lúc lên 10 tuổi. Ông Hiệu chia sẻ: Trò chơi đánh quay đã có từ rất lâu và trở thành nét đẹp không thể thiếu trong mỗi dịp Tết của người dân tộc Tày. Có thể nói, đây là một trong những phong tục không chỉ riêng tôi mà đông đảo người dân đều yêu thích. Chúng tôi thường tập trung thi đấu đánh quay giữa các thôn trong những ngày lễ Tết để cùng nhau vui Xuân, tạo không khí rộn ràng và nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Ảnh với chú thích

Con quay được người dân lựa chọn chất liệu gỗ rẻ đá để làm và được tiện, đục đẽo một cách thận trọng, khéo léo.

Dường như đã trở thành truyền thống, cứ bắt đầu bước sang tháng Chạp anh Hoàng Văn Mộc (thôn 8, xã Quảng Phong, huyện Hải Hà) lại tất bật chuẩn bị gỗ, đinh, dây cuốn để đẽo gọt, hoàn thiện con quay thật chắc, cân đối và đẹp mắt để tham gia ngày hội đánh quay của dân tộc mình trong dịp đầu năm mới. Anh Mộc được người dân trong thôn đánh giá là người chơi hay nhất thôn, với bề dày thành tích chiến thắng và có thể giữ được con quay lâu nhất, kỷ lục có thể giữ được con quay xoay trên 18 phút. Anh Mộc chia sẻ: Để tạo độ chắc chắn, bền, như ý, thì con quay cần phải được làm từ chất liệu gỗ rẻ đá, đinh quay cần chọn kỹ lưỡng để mài dũa tạo độ bám. Trong quá trình đẽo phải chính xác, tỉ mỉ tạo sự cân đối và loại dây chọn để quấn là dây dây dù bền, chắc. Có như vậy khi đánh, con quay mới đi xa, tạo độ quay lâu, bền trên ván… Trong quá trình chơi cần phải có kỹ thuật, lực tay khỏe và khéo léo để giữ con quay lâu nhất có thể. Theo kinh nghiệm, để giữ cho con quay xoay được lâu, trên ván xoay có thể bôi lên một chút mỡ gà thiến để tăng độ “tít” cho đinh quay.

Ảnh với chú thích

Đinh của con quay là bộ phận quan trọng, được tuyển chọn làm từ thép lò xo để tăng độ chắc, bám ván xoay.

Thông thường, con quay của người dân tộc Tày thường có 2 đầu, đầu nhọn được đóng một chiếc đinh thép có tác dụng là điểm chạm của con quay, đầu kia gọt bằng. Ngoài ra, bộ đánh quay còn có dây đánh quay dài từ 6 - 8m, làm bằng dây dù có độ bền, chắc và trơn, được nối với một đoạn Păng, hay còn gọi là gậy Păng, làm bằng trúc rừng hoặc cây tre mai. Mỗi con quay hoàn chỉnh có trọng lượng từ 3 – 4kg, đường kính từ 20 - 24cm, độ dày khoảng 6cm.

Cũng như những môn thể thao khác, đánh quay cũng có những quy định, luật chơi mà những người tham gia thi đấu phải tuân thủ. Khi chơi quay có 6 người thi đấu một lượt. Con quay sẽ được đánh văng xuông đất, người chơi đánh con quay mạnh va vào quay của đối phương để tăng thêm độ gay cấn, chứng tỏ sức lực của mỗi người. Mỗi lần con quay được văng ra thể hiện sức mạnh của người đàn ông trong bản. Sau khi văng quay, con quay được người chơi khéo léo đưa lên ván quay, nếu con quay của đội nào quay càng lâu trên miếng ván làm bằng gỗ rừng thì đội đó chiến thắng. Yếu tố kĩ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc thành, bại của đội đấu. Sau một hiệp thi đấu, các chàng trai luôn nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả, tạo không khí ấm cúng, sôi nổi, đoàn kết của ngày hội Xuân.

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản
Ảnh trong văn bản

Các thành viên chơi đều có sức khỏe tốt, độ khéo léo cũng như kỹ thuật cao.

Đánh quay là một trong những trò chơi truyền thống hấp dẫn mọi lứa tuổi, từ thanh niên đến người già, trẻ nhỏ đều yêu thích môn thể thao này. Ở xã Quảng Phong, khi tổ chức thi đấu các đội chơi so tài với nhau không chỉ về trình độ kĩ thuật đánh quay mà còn phân cao thấp ở trình độ chế tạo con quay. Đây chính là điểm khác biệt độc đáo riêng có của người Tày ở Quảng Phong.

Ông Nông Văn Thành (thôn 9, xã Quảng Phong, huyện Hải Hà) cho biết: Tôi đã gắn bó với trò chơi đánh quay từ hồi còn bé. Hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến tôi đã chuẩn bị cho mình một con quay mới. Trong nhà tôi lúc nào cũng có khoảng 10 con quay để chơi và lưu trữ. Tôi luôn tự hào về trò chơi dân gian đánh quay của dân tộc Tày mình. Trò chơi thể hiện được sức mạnh, sự dẻo dai, khéo léo mà còn là động lực tạo không khí vui tươi, phấn khởi, sự đoàn kết, gắn bó, giao lưu ngày Tết giữa các thôn, bản người Tày. Chúng tôi mong muốn, các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm đến trò chơi dân gian của dân tộc Tày để phát huy được những bản sắc dân tộc đặc trưng trong mỗi dịp lễ hội.

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản

Hất và đỡ quay về ván thể hiện sự khéo léo, kỹ thuật điêu luyện của những người chơi mà không phải ai cũng làm được.

Không chỉ đánh quay, mỗi dịp Tết đến, Xuân về để tạo không khí vui tươi, phấn khởi và rộn ràng cho người dân trên địa bàn, huyện Hải Hà đồng loạt tổ chức các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ, thể thao giải trí cho người dân tham gia tại các xã, thị trấn. Có thể kế đến, như: Đá bóng, cầu lông, kéo co, đẩy gậy, bóng chuyền hơi; các trò chơi dân gian như: Cờ tướng (cờ người) con quay, bắn nỏ…; giao lưu văn nghệ dân gian như hát then, hát đúm, hát ví, hát ghẹo, hát cửa đình, hát giao duyên. Thời gian tổ chức các hoạt động kéo dài từ ngày 25 tháng Chạp đến ngày 15 tháng Giêng.

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản
Ảnh trong văn bản

Mỗi vòng xoay của con quay đều mang đến sự vui vẻ, đoàn kết, giúp người dân tộc Tày tại xã Quảng Phong (huyện Hải Hà) nâng cao đời sống tinh thần trong những ngày Xuân.

Ông Bùi Thanh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hải Hà, cho biết: Từ đầu năm 2024, huyện Hải Hà đã xây dựng kế hoạch triển khai Đề án phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện, gắn với thực hiện chủ đề công tác năm của tỉnh “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa con người, giàu bản sắc Quảng Ninh”. Trong đó, huyện tập trung vào việc bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa, trò chơi dân gian trên địa bàn và từng bước để hoàn thiện các thiết chế văn hóa thể thao, tạo không gian cho đồng bào sinh hoạt. Thông qua đó, từng bước giới thiệu được các sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện đến đông đảo du khách. Để đảm bảo các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân 2024 diễn ra hiệu quả, vui tươi và an toàn, huyện đã thực hiện triển khai nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian trên địa bàn các xã, thị trấn, trọng tâm là các hoạt động của đồng bào dân tộc Tày, Dao trên địa bàn huyện. Các trò chơi không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi, rèn luyện sức khỏe mà còn góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn.

Cover

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của năm mới, người dân trên khắp các vùng miền trong tỉnh hòa mình vào những trò chơi dân gian đặc sắc, mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc. Các trò chơi thể hiện tính tập thể, tinh thần đoàn kết của cộng đồng,  tạo nên những bản sắc đặc trưng và riêng biệt của mỗi cộng đồng người Việt dịp Tết đến, Xuân về.

Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh ghi lại những hình ảnh người dân phấn khởi tham gia các trò chơi dân gian tại các địa phương trên địa bàn tỉnh:

Ảnh với chú thích

Bắt đầu từ ngày mùng 2 Tết, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, trong đó có các trò chơi dân gian để người dân tham gia vui xuân. (Trò chơi kéo co tại Yên Tử, TP Uông Bí).

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản

Trò nặn tò he hay làm tranh Đông Hồ cũng là những hoạt động thu hút được sự quan tâm, trải nghiệm của các bạn nhỏ.

Ảnh với chú thích

Đây cũng là dịp để nhiều bạn trẻ cùng trải nghiệm những nét độc đáo dân gian xưa trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Ảnh với chú thích

Không chỉ người dân, các trò chơi dân gian được tổ chức tại các địa phương trong tỉnh còn thu hút được nhiều du khách thích thú tham gia, trải nghiệm.

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản

Huyện Hải Hà tổ chức giải bóng đá mừng Đảng, mừng Xuân tại tất cả các xã trên địa bàn huyện.  Giải đấu diễn ra sôi nổi, nhiệt tình, thu hút đông đảo người dân tới cổ vũ.

Ảnh với chú thích

Không chỉ bóng đá Nam, những ngày đầu xuân, các cầu thủ nữ tại huyện Bình Liêu cũng "cháy" hết mình với giải bóng đá truyền thống mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024. Các trận đấu diễn ra hết sức sôi nổi giữa đội bóng nữ dân tộc Sán Chỉ và Dao của các thôn, bản và sẽ được kéo dài đến hết ngày 6 âm lịch.

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản

Đánh quay không chỉ thu hút nam giới, mà cả phụ nữ cũng tham gia đánh quay vào mỗi dịp Tết.

Ảnh với chú thích

Trò chơi sáy mả mang đậm nét văn hóa của người dân tộc Dao.

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản

Trò chơi dân gian đẩy gậy được tổ chức hầu hết ở các địa phương trong toàn tỉnh và thu hút đông đảo người dân tham gia, cổ vũ.

Ảnh với chú thích

Trò chơi đánh đu ngày Tết.

Ảnh với chú thích

Người dân tộc Dao tại xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, tham gia hoạt động thêu thùa ngày Tết, thể hiện được tính cộng đồng, tính tập thể, tinh thần đoàn kết của mỗi dân tộc, góp phần tạo nên những bản sắc đặc trưng và riêng biệt của mỗi cộng đồng người dân mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
 

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản

Xuất phát từ truyền thống săn bắn, hái lượm xưa, trò chơi bán nỏ đã được người dân tộc Dao Thanh y giữ gìn, phát huy và trở thành môn thể thao không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản

Người dân tộc Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả (TP Hạ Long) vui ném còn trong những ngày lễ Tết.

Ảnh với chú thích

Cùng với trò chơi dân gian, các loại hình giao lưu văn nghệ dân gian độc đáo như: hát then, hát đúm, hát ví, hát ghẹo, hát cửa đình, hát giao duyên... cũng được tái hiện ở nhiều địa phương, tạo sân chơi tinh thần cho người dân. (Trong ảnh: người dân Đại Dực, huyện Tiên Yên hát Soóng cọ ngày Tết).

Chỉ đạo thực hiện: Nguyễn Huế
Thực hiện: Hoàng Quỳnh - Hoàng Nga - Minh Đức

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu