
Tận dụng các động lực để tăng trưởng kinh tế
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Việt Nam còn nhiều dư địa để tiếp tục duy trì đà tăng trong năm nay và những năm tiếp theo.
Với kết quả tăng trưởng ấn tượng của nửa đầu năm, có thể nói Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Đây chính là nhận định của nhiều tổ chức quốc tế. Họ cũng khẳng định Việt Nam còn nhiều dư địa để tiếp tục duy trì đà tăng này trong năm nay và những năm tiếp theo.
Từ khi mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đã có mức tăng trưởng GDP ấn tượng trong suốt những năm qua. Tốc độ tăng của Việt Nam cao hơn nhiều so với các quốc gia trong cùng khu vực. Trong bối cảnh nền kinh tế dự kiến sẽ đối mặt với khó khăn, khi xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi hàng rào thuế quan cao hơn, các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng nội địa, cùng với các động lực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh sẽ tiếp tục là điểm tựa, đưa nền kinh tế Việt Nam bứt tốc.
Ông Alvaro Pereira - Kinh tế trưởng Tổ chức Hợp tác và phát triển Kinh tế (OECD) cho hay: "Việt Nam cần tăng cường đầu tư cho hạ tầng, tăng chi tiêu công. Từ đó tạo sức bật cho nền kinh tế. Mô hình hợp tác công - tư cần được thúc đẩy hơn nữa, tạo cơ hội cho khu vực tư nhân tăng trưởng nhanh".
"Không nhất thiết giảm trên toàn bộ VAT của tất cả các ngành hàng, mà chú trọng giảm VAT cho các ngành như hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng trong nước", ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam chia sẻ.
Bà Trần Thị Thúy Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty Deloitte Việt Nam cho hay: "Việt Nam cần tập trung vào toàn bộ các vấn đề R&D. Đây là vấn đề cốt lõi để Việt Nam có tài nguyên, có hàm lượng chất xám cao. Dựa vào R&D thì chúng ta có những sản phẩm riêng của Việt Nam để cạnh tranh trên trường quốc tế. Để có năng suất, hiệu suất cao, không có gì khác ngoài đào tạo lại toàn bộ nhân lực mà chúng ta đang có và chúng ta sẽ phải có trong tương lai".
Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026 - 2030. Cùng với bước chuyển mình lịch sử của đất nước, chúng ta tự tin bứt phá tăng trưởng và cất cánh với những thay đổi, cải cách thể chế diễn ra cực kỳ nhanh chóng. Đặc biệt, "bộ tứ trụ cột" là 4 Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị là những trụ cột thể chế nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước ta tiến lên trong kỷ nguyên mới, hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Ý kiến ()