Chú trọng nguồn nhân lực có tay nghề cao
Có tay nghề, có việc làm, có thu nhập sẽ hạnh phúc hơn có tấm bằng cử nhân nhưng chưa có được việc làm. Hiện có tình trạng những người đã có bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học lại đi học nghề. Đơn cử tại Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist (TP Hồ Chí Minh), số học viên đã có bằng đại học, cao đẳng chiếm khoảng 30%. Nghĩa là, cứ 3 người học nghề thì có 1 người đã tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học.
Tình trạng người tốt nghiệp cao đẳng, đại học, thậm chí thạc sĩ đi học nghề để tìm kiếm cơ hội việc làm đã cho thấy mục tiêu của người học ngày một thực tế hơn. Từ thực tế này, công tác đào tạo cũng cần đổi mới, tạo liên thông và tránh lãng phí trong đào tạo.
Một thời gian dài, tư tưởng trọng bằng cấp đã khiến người học lệch lạc trong xác định mục tiêu học tập. Việc đào tạo nghề, nhất là đào tạo nhân lực có tay nghề cao chưa được chú trọng. Cơ chế, chính sách của Nhà nước cũng như thực tế tại các doanh nghiệp cũng chưa khuyến khích phát triển tay nghề. Xã hội còn ít hoan nghênh đối với những người thợ tài hoa trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, khi so với những gì mà xã hội dành cho các ca sĩ, diễn viên điện ảnh, cầu thủ bóng đá... Đối tượng người thợ có tay nghề cao chưa được chú trọng phản ánh trên truyền thông, văn học, nghệ thuật... Sự phấn đấu trở thành người thợ có tay nghề cao chưa trở thành khát khao trong giới trẻ.
Được biết trong xây dựng hệ thống cáp treo lên Yên Tử, phần lớn những người ngoại quốc chỉ huy và trực tiếp thi công mà chúng ta thường gọi “chuyên gia nước ngoài” đều là những công nhân có tay nghề cao. Chúng ta đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, vì vậy cần phải đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực có tay nghề cao. Hiện nay, xuất hiện ngày một nhiều các vị trí việc làm đòi hỏi người lao động có tay nghề cao nhưng công tác đào tạo vẫn chưa đáp ứng.
Nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao theo tinh thần của Nghị quyết T.Ư 8 (khoá XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 6-6-2014, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.
Theo Chỉ thị số 37-CT/TW, chúng ta cần xác định đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao; đưa công tác này vào trong các chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của các bộ, ngành, địa phương. Mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được sắp xếp, quy hoạch lại. Nguồn nhân lực có tay nghề cao thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là đối với các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần được dự báo để định hướng lựa chọn cho người học và đáp ứng trong tổ chức đào tạo.
Quảng Ninh là địa phương có nhiều cơ sở đào tạo nghề của tỉnh, của các bộ, của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam... Các cơ sở này cần đổi mới công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao về chương trình, nội dung, về đầu tư đội ngũ, thiết bị giảng dạy.
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đang được Quảng Ninh chú trọng xây dựng đề án để thực hiện. Quảng Ninh xác định nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là những người có học vị cao, mà bao gồm cả những người có tay nghề cao.
Hy vọng Chỉ thị số 37-CT/TW sẽ tạo thêm động lực để Quảng Ninh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đột phá của tỉnh.
Nguyên Đan
Ý kiến ()