20
18
/
973766
"Chở" chữ cho trẻ em làng chài
longform
"Chở" chữ cho trẻ em làng chài

 

"Vận động học sinh ra lớp" những tưởng chỉ có ở vùng sâu, vùng xa, thế nhưng, ở một ngôi trường ngay tại TP Hạ Long, câu chuyện ấy vẫn đang diễn ra hàng tuần, hàng tháng. Đó là một hành trình đầy gian nan của các thầy cô Trường TH-THCS Minh Khai suốt 4 năm nay mà nếu không có sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề, thương trẻ thì khó lòng duy trì và thành công.

Chúng tôi có mặt tại lớp 1A5, Trường TH-THCS Minh Khai cơ sở 2 (phường Hà Phong) khi học sinh đang trong giờ tập viết. Các bạn nhỏ ngồi ngay ngắn, nắn nót từng chữ một cách cẩn trọng. Dạo một vòng quanh lớp, ánh mắt chúng tôi dừng lại đầy ngạc nhiên khi ở bàn cuối, một học sinh cao lớn hơn các bạn khác rất nhiều đang cặm cụi, chậm rãi viết từng nét chữ. Dường như đoán được suy nghĩ của chúng tôi, cô Đinh Thị Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường TH-THCS Minh Khai, giải thích: “Chuyện này hết sức bình thường. Nếu nhà báo đến đây khoảng 4 năm trước, khi tỉnh bắt đầu triển khai đề án di dân làng chài lên bờ thì sẽ thấy rất nhiều em học sinh dù đã 12-13 tuổi nhưng mới học lớp 1, vì thời điểm đó nhiều trẻ em làng chài chưa từng được đến trường”. Vậy nên mới có trường hợp trong một gia đình, anh trai 11 tuổi học lớp 1 nhưng em gái 9 tuổi lại học lớp 4.

Sinh năm 2008 (11 tuổi), mặc dù ngồi cùng lớp với các em kém mình đến 5 tuổi, thế nhưng cậu bé Dương Văn Hưng vẫn rất vui vẻ, tích cực học tập, lại giúp các thầy cô quản lớp, được đánh giá là học sinh ngoan, tiếp thu bài khá nhanh. Hưng chia sẻ: “Bình thường em vẫn theo bố mẹ đi biển, nhưng năm nay, bố mẹ cho em ở nhà cùng ông bà để đi học. Em đã quen rồi, ở đây có các bạn, các em, nên em vui lắm”.

Em gái của Hưng, bé Dương Thị Ngà, sinh năm 2010, do được lên bờ đúng lúc nên hiện đang theo học lớp 4A5 cùng trường. Cô giáo Nguyễn Thị Mây, người từng có 6 năm liền gắn bó với học sinh làng chài, hiểu và cảm thông với những vất vả, lênh đênh, bấp bênh của những gia đình làm nghề chài lưới, bởi đã có nhiều năm sống trên thuyền cùng bà con, chia sẻ: “Suốt 4 năm liền, các thầy cô cùng với chính quyền địa phương đã kiên trì thuyết phục, vận động bố mẹ Hưng, nhất là sau khi thấy những đổi thay rõ nét của con gái sau khi đi học, nên năm học này, bố mẹ các con mới quyết tâm cho con trai lớn ở nhà cùng ông bà để đi học”.

Câu chuyện của anh em Hưng - Ngà không hiếm ở Khu tái định cư Làng chài (khu 8, phường Hà Phong). Đặc thù nghề biển, nay đây mai đó cũng khiến cho việc học tập của trẻ trong độ tuổi đi học khó duy trì. Các em học sinh tiểu học và THCS có thể giúp đỡ được bố mẹ nhiều việc trên thuyền, nên phụ huynh thường cho con đi cùng luôn, nhà tái định cư được cấp cũng chỉ khóa cửa để đó, chỉ về vào ngày rằm, mùng 1. Điều đó thực sự gây khó khăn, áp lực cho các nhà trường cũng như chính quyền địa phương trong việc phổ cập giáo dục trên địa bàn.

Lấy chồng từ năm 16 tuổi, sinh được 4 mụn con, bé lớn nhất năm nay đã 13 tuổi, thế nhưng những đứa con của chị Lê Thị Ngân (HKTT phường Phong Hải, TX Quảng Yên, hiện đang sống trên thuyền tại khu vực phường Bạch Đằng, TP Hạ Long) đều chưa từng một lần được đến trường, không biết đọc, biết viết. Ngày ngày con trai lớn giúp bố mẹ nấu cơm, trông em và được bố huấn luyện dần các kỹ năng đi biển. Khi được hỏi tại sao không cho con về bờ đi học, chị Ngân chia sẻ: “Cả gia đình tôi, từ bố mẹ, anh em hai bên nội ngoại, cuộc sống đều gắn với nghề chài lưới, giờ nếu cho con về bờ đi học cũng không biết gửi ai. Nhà đông con, đi biển giờ cũng lúc được, lúc không, nên điều kiện kinh tế khó mà lo được cho cả 4 đứa cùng đi học. Còn nếu lên bờ, chúng tôi cũng không biết làm nghề gì để trang trải cuộc sống”. Không được đến trường, 13 tuổi, con trai chị cầm sách cũng chỉ như một món đồ chơi chứ không biết đọc, tương lai phía trước vẫn là con thuyền và cuộc sống chài lưới bấp bênh theo từng con nước.

Thế nhưng, khác với chị Lê Thị Ngân, theo bà Đinh Thị Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường TH-THCS Minh Khai, nhờ sự vận động tích cực của chính quyền địa phương và nhà trường, nhận thức của phụ huynh giờ đã được nâng lên rõ rệt, hầu hết mọi người đều rất đồng tình, ủng hộ và tạo mọi điều kiện để con em mình được đến trường, trừ một vài trường hợp cá biệt.

Sinh ra và lớn lên trên chiếc thuyền đánh cá của bố mẹ, vốn phải chịu nhiều thiệt thòi vì từ nhỏ không được học hành, anh Phạm Văn Hưng, phường Phong Hải, TX Quảng Yên (hiện cũng đang sống trên thuyền tại vùng biển Hạ Long) quyết tâm gửi lại con gái 5 tuổi của mình cho ông bà ngoại ở quê để vợ chồng tiếp tục cuộc sống lênh đênh trên thuyền dưới bến. 

Giống như anh Phạm Văn Hưng, gia đình chị Nguyễn Thị Lam (khu 8, phường Hà Phong) cũng vì tương lai của các con, muốn các con có một cuộc sống ổn định ở đất liền, đã từ giã cuộc sống chài lưới, về đất liền mở quán tạp hóa buôn bán nhỏ. Chị Lam chia sẻ: “Rất may là thời điểm tỉnh triển khai đề án di dân lên bờ đúng lúc con tôi vào học lớp 1 nên cháu không bị nhỡ tuổi như nhiều anh chị khác. Đến giờ, tôi thấy quyết định về bờ, cho con đi học của mình là hoàn toàn sáng suốt. 

Cho đến tận thời điểm này, khi năm học mới đã chính thức bắt đầu được gần 2 tháng, cô và trò đều đã ổn định việc dạy và học, thì các thầy cô giáo Trường TH-THCS Minh Khai vẫn phải tiếp tục ra tận làng chài Vung Viêng để vận động một gia đình cho con quay trở lại trường, cũng như kiểm tra xem còn cháu nào đến tuổi mà chưa được đi học hay không.

Đó là chưa kể trong hè, trước thềm năm học mới, các thầy cô đều phải phối hợp với chính quyền địa phương đến gõ cửa từng nhà có con em trong độ tuổi đến trường để thuyết phục họ. “Người nào hiểu thì dễ, có gia đình cương quyết phản đối đến mức mình cứ đến thì họ khóa cửa không chịu tiếp, hoặc ngồi nghe nhưng chỉ nghe để đó, trong khi ngày thường họ đi biển, muốn gặp cũng chẳng phải dễ dàng gì. Trường phải thường xuyên kết hợp với khu phố, khi thấy gia đình nào mở cửa thì bác Trưởng khu sẽ lập tức thông báo để các cô giáo trực tiếp xuống làm việc, động viên, thuyết phục”, bà Đinh Thị Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường TH-THCS Minh Khai cho biết.

Đến nay, sau 4 năm Trường TH-THCS Minh Khai đón nhận học sinh là con em làng chài vào học tại nhà trường, ban đầu tuy khó thuyết phục ngư dân, nhưng bằng sự quyết tâm, lòng tận tụy, kiên trì, công tác vận động học sinh ra lớp đã đạt được hiệu quả tích cực. Minh chứng là năm học  2016-2017, điểm trường (cơ sở 2) phục vụ cho việc dạy và học cho 208 học sinh khu 8; năm học 2017-2018 là 213 em (chỉ còn 9 em trong độ tuổi THCS chưa đến lớp do đi làm xa cùng bố mẹ) và đến năm học 2019-2020 này đã có 224 học sinh, trong đó có 160 học sinh tiểu học, 64 học sinh THCS, tỷ lệ duy trì sĩ số lớp học cũng tăng dần, đặc biệt hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học hay tự ý nghỉ học để đi biển với bố mẹ như trước kia. 

Hằng Ngần

 Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu