
Chính quyền địa phương 2 cấp vào guồng công việc
Sau tuần đầu tiên vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, mặc dù khối lượng công việc nhiều, khó khăn phát sinh không ít, thế nhưng các xã phường, đặc khu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã chủ động khắc phục, bắt nhịp với các địa phương trong cả nước. Tinh thần đổi mới trong tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của chính quyền hai cấp đã củng cố thêm niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân và sự chuyển mình của địa phương trong thời gian tới.
Thông suốt, trơn tru ngay từ tuần đầu
Đặc khu Vân Đồn được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ 12 xã, thị trấn của huyện Vân Đồn cũ, diện tích tự nhiên 583,92 km2 (đặc khu lớn nhất cả nước), dân số gần 54.000 người. Ngay từ những ngày đầu triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, các hoạt động, công việc đều diễn ra trơn tru, thông suốt.
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công đặc khu ghi nhận đông đảo người dân đến làm các thủ tục hành chính. Dù số lượng công dân đông nhưng việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ vẫn diễn ra nhanh chóng, không có tình trạng ùn tắc hồ sơ hay lúng túng trong quá trình tiếp nhận, giải quyết. Đặc khu cũng bố trí cán bộ hướng dẫn người dân xử lý các yêu cầu nhằm giúp bà con thuận lợi hơn.
Bà Lê Thị Trà, thôn 14, đặc khu Vân Đồn, phấn khởi: "Tôi đến Trung tâm Phục vụ hành chính công đặc khu để làm giấy tờ. Tôi thấy việc sắp xếp bộ máy như thế này rất hợp lý, tránh cho người dân phải đi lại nhiều nơi. Trung tâm nằm ngay vị trí thuận lợi. Đội ngũ cán bộ nắm chắc nghiệp vụ nên giải quyết thủ tục nhanh chóng, chính xác theo quy định. Tôi thực sự rất hài lòng."
Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công đặc khu Vân Đồn, cho biết: “Chúng tôi xác định bộ máy mới khi đi vào hoạt động là phải hiệu quả ngay, không được để công việc gián đoạn, đúng theo tiêu chí thực sự gần dân, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Trong tuần đầu hoạt động theo mô hình mới, Trung tâm Phục vụ hành chính công của đặc khu tiếp nhận số lượng người dân và doanh nghiệp đến làm thủ tục tăng gấp 3, thậm chí gấp 4 lần so với trước đây. Tuy nhiên, mọi thủ tục đều được giải quyết trôi chảy, thuận lợi. 100% các quầy được vận hành liên tục, giúp người dân được giải quyết nhanh chóng mà không phải mất thời gian chờ đợi. Ngoài ra, chúng tôi còn bố trí quầy hướng dẫn người dân làm thủ tục trực tuyến, giúp các hồ sơ khi được tiếp nhận đều đầy đủ, tránh tình trạng phải bổ sung, sửa lại nhiều lần."

Tại phường Quảng Yên, ngay từ những ngày đầu vận hành theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, phường đã hoàn thành việc thành lập tổ chức bộ máy, chỉ định, bổ nhiệm các vị trí công tác thuộc thẩm quyền, bảo đảm ổn định tổ chức và duy trì hoạt động liên tục của các cơ quan chức năng. Việc quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp được triển khai thông suốt, không bị gián đoạn.
Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường được tổ chức hợp lý, bố trí đầy đủ các phân khu chức năng cùng trang thiết bị phục vụ người dân và doanh nghiệp. Do đó các hoạt động tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính diễn ra trơn tru, thông suốt. Tính từ ngày 1/7 đến hết ngày 4/7, Trung tâm đã tiếp nhận 1.354 hồ sơ thủ tục hành chính. Trong đó, có 111 hồ sơ được gửi trực tuyến qua hệ thống liên quan đến các lĩnh vực Tư pháp, Bảo trợ xã hội; tiếp nhận trực tiếp 208 hồ sơ, chủ yếu là lĩnh vực đất đai, tư pháp. Tổng số thủ tục hành chính ngành dọc tiếp nhận qua hệ thống chuyên ngành (Bảo hiểm xã hội) là 1.035 hồ sơ.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch UBND phường Quảng Yên, cho biết: Phường đã chủ động bố trí nhân lực, trang thiết bị để bảo đảm phục vụ người dân kịp thời, không để xảy ra tình trạng ách tắc. Mặc dù lượng công việc tăng lên đáng kể, phường vẫn cố gắng duy trì chất lượng công việc tốt nhất. Các cán bộ phường đều xác định làm việc hết mình, không ngại tăng ca để đảm bảo mọi việc được giải quyết nhanh chóng và chính xác, đảm bảo không để bất cứ nhiệm vụ nào bị ngắt quãng, không để bất kỳ người dân, doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp tổ chức”.
Ngay tuần đầu tiên hoạt động, không chỉ riêng đặc khu Vân Đồn hay phường Quảng Yên, mà tất cả các xã, phường, đặc khu của tỉnh Quảng Ninh đều đã vào guồng công việc. Mọi hoạt động, công việc diễn ra trơn tru, hiệu quả, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Theo thống kê từ hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, từ ngày 1/7-4/7, toàn tỉnh tiếp nhận 5.526 thủ tục hành chính, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đất đai, hộ tịch, chứng thực… Trong đó tiếp nhận trực tuyến 1.711 hồ sơ, chiếm 30,7%; tiếp nhận trực tiếp 3.815 hồ sơ, chiếm 69,3%. Các cơ quan đã giải quyết 3.885 hồ sơ, hiện đang giải quyết 1.641 hồ sơ. 100% phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện qua hình thức thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, công chức khi chuyển về các cơ sở mới làm việc đều không hề gặp phải sự lúng túng hay bỡ ngỡ. Các phòng tiếp công dân luôn có cán bộ túc trực để giải quyết kịp thời mọi kiến nghị của nhân dân. Ngay trong những ngày đầu tiên triển khai mô hình mới, nhiều lãnh đạo các xã, phường, đặc khu cũng đã chủ động đến các phòng làm việc để kịp thời động viên cán bộ, công chức, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ…
Mục tiêu xuyên suốt là phục vụ người dân tốt hơn
Từ 1/7, các xã, phường, đặc khu đều đã chính thức đi vào hoạt động với một tâm thế hoàn toàn mới, trở thành đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc tỉnh. Dù khối lượng công việc tăng lên đáng kể, song bước đầu vận hành chính thức bộ máy cấp xã mới đã mang lại những tín hiệu rất tích cực. Đội ngũ cán bộ, công chức từ khối Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tại các địa phương này đều làm việc với khí thế phấn khởi, quyết liệt và khẩn trương, đảm bảo phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Kết quả đạt được cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng nghỉ và những đổi mới hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền tỉnh; sự vào cuộc quyết liệt của các xã, phường, đặc khu trong một thời gian ngắn, áp lực cao, khối lượng công việc nhiều, khó, chưa có trong tiền lệ. Từ tỉnh đến cơ sở đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm vận hành bộ máy hiệu quả, ổn định như bố trí phương tiện đi lại đưa đón cán bộ, công chức làm việc giữa các trụ sở hành chính trên địa bàn xã, phường, đặc khu mới; tổ chức tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ (nhất là nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử) cho cán bộ, công chức cấp xã; bố trí cán bộ, công chức có kinh nghiệm hướng dẫn trực tiếp cho cán bộ, công chức mới tiếp nhận công việc… Quá trình thực hiện phát sinh nhiều vấn đề nhưng cả hệ thống chính trị đã rất tập trung, chủ động, kiên định, đoàn kết, thống nhất hành động. Nhiều cán bộ đã thể hiện được năng lực, trình độ, trách nhiệm, thích ứng nhanh với yêu cầu đổi mới, khắc phục khó khăn để giải quyết công việc vì đất nước, vì nhân dân.

Một trong những yếu tố rất quan trọng nữa để mang lại hiệu quả bước đầu chính là sự chuẩn bị sớm, kỹ lưỡng cả về tổ chức, nhân sự và cơ sở vật chất. Theo lãnh đạo đặc khu Vân Đồn, trước khi chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, các đề án về cơ cấu tổ chức, bố trí nhân sự, thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của từng phòng chuyên môn đã được đặc khu xây dựng bài bản, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định pháp luật. Trên cơ sở đó, địa phương có đầy đủ căn cứ pháp lý để bố trí đội ngũ cán bộ, phân công nhiệm vụ cụ thể, thành lập các phòng chuyên môn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới, bảo đảm bộ máy chính quyền mới khi đi vào hoạt động có thể triển khai ngay, thông suốt và hiệu quả.
Khó khăn hiện nay của các xã, phường chủ yếu là trụ sở làm việc chưa đáp ứng đủ nhu cầu, trang thiết bị máy móc còn thiếu, hệ thống đường truyền chưa ổn định, thiếu nhân lực có chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm. Hiện, Đảng bộ, chính quyền các xã, phường đang tập trung khắc phục ngay khó khăn để đưa bộ máy hoạt động thông suốt hiệu quả, qua đó thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đề ra, đáp ứng sự kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp nghe báo cáo kết quả bước đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh yêu cầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các xã, phường, đặc khu phải tiếp tục tập trung hoàn thiện tổ chức bộ máy và phương án vận hành, đảm bảo thực hiện toàn diện các nhiệm vụ đã được phân cấp cho cấp xã, nhất là đối với những lĩnh vực trước đây thuộc thẩm quyền của cấp huyện. Đối với những địa phương còn khó khăn về cơ sở vật chất, phải có giải pháp chủ động khắc phục để đảm bảo hoạt động ổn định của bộ máy. Đồng chí cũng yêu cầu các địa phương tập trung triển khai công tác chuẩn bị đại hội. Trong đó đặc biệt là việc chuẩn bị văn kiện, đảm bảo văn kiện khái quát được đầy đủ điều kiện tự nhiên, xã hội và tái định vị những tiềm năng, lợi thế của đơn vị hành chính mới. Trên cơ sở đó xác định định hướng phát triển trong nhiệm kỳ tới. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị để đảm bảo theo yêu cầu về thời gian tổ chức theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.
Bộ máy đơn vị hành chính 2 cấp chính thức đi vào hoạt động đã ghi dấu một giai đoạn phát triển mới được mở ra với mục tiêu tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và gần dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn. Những tín hiệu tích cực ngay từ giai đoạn đầu tiên vận hành mô hình mới là tiền đề quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Ý kiến ()