
Chiến công của những người kháng chiến liên tỉnh Quảng - Hồng - Hải
Hòa cùng cuộc chiến trên khắp mọi miền trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến bùng nổ, tại Vùng mỏ cũng sục sôi khí thế đấu tranh kiên cường, gan dạ của đông đảo chiến sĩ cách mạng, giai cấp công nhân và mọi tầng lớp nhân dân. Câu chuyện thuật lại của các cán bộ lão thành - những người trong cuộc là góc nhìn chân thực, tái hiện sinh động về một giai đoạn lịch sử oai hùng, không thể nào quên.
Ký ức thời tiễu phỉ
Trong cuốn "Hồi ký kháng chiến" được Ban Liên lạc những người kháng chiến Quảng Hồng xuất bản năm 1999, có bài viết “Những ngày đầu cách mạng, kháng chiến” của Đại tá Vũ Đình Mai, nguyên Tỉnh Đội trưởng Quảng Ninh. Ông Mai kể về thời điểm năm 1945, tình hình nước ta rất phức tạp khi đồng bào vừa trải qua nạn đói nặng nề, đời sống thiếu thốn về mọi mặt. Chính quyền và các đoàn thể cách mạng vừa mới được thành lập nên chưa có nhiều kinh nghiệm vận động quần chúng và quản lý đất nước. Trong khi ấy, kẻ thù của cách mạng rất nhiều, trong đó có quân phỉ liên tục tiến hành cướp của, giết người, hoành hành ngang ngược ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Ở tỉnh Quảng Ninh khi ấy, cả một vệt dài từ Năm Mẫu ven theo đường rừng về tới Quảng La, Đá Trắng, Biểu Nghi (Hoành Bồ - nay là TP Hạ Long)... có nhiều toán phỉ nổi lên với những hành vi hung ác, bạo ngược, khiến nhân dân ta rất sợ hãi.

Đứng trước khó khăn chồng chất như vậy, Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Yên lúc đó luôn vững tin vào đường lối của Đảng, chủ động khắc phục khó khăn, sáng tạo nghiên cứu để khẩn trương có đối sách thích hợp. Tháng 10/1945, ông Vũ Đình Mai được chỉ định làm Đại đội trưởng Đại đội đặc biệt chuyên tiễu phỉ (tương đương với một tiểu đoàn bây giờ). Địa bàn mà bọn phỉ hoạt động đều lẩn khuất trong vùng rừng núi hiểm trở, nên các chiến sĩ cách mạng thường xuyên phải luồn rừng vượt suối, dãi nắng dầm mưa, ăn ngủ thất thường, không tránh khỏi ốm đau sốt rét... Dù vậy, họ vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ tiễu phỉ bằng lòng dũng cảm can trường, nhất là luôn được đồng bào yêu mến, giúp đỡ tận tình.
Tiễu phỉ là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp, bởi đối tượng đấu tranh không hoàn toàn là kẻ thù xâm lược từ bên ngoài đến, mà suy cho cùng cũng là người Việt, do bị mua chuộc, lôi kéo, sai về nhận thức... mà chống lại chính quyền cách mạng. Trong hàng ngũ đó, có một bộ phận người dân địa phương bị lôi kéo, ép buộc đi theo phỉ, nhưng vẫn còn mối liên lạc với gia đình, vợ con ở quê nhà. Vì vậy, cách làm hiệu quả nhất là vừa xây vừa chống; vừa tuyên truyền, vận động, thuyết phục, vừa trấn áp bằng bạo lực cách mạng.

Cụ thể, ta tập trung lực lượng là những đồng chí khỏe mạnh và hăng hái nhất, tiến hành hoạt động đấu tranh tiễu phỉ, kiên quyết đánh dẹp bọn tàn ác để dân được yên ổn làm ăn. Cùng với đó, ta cũng liên tục đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi nhân dân không tin theo những âm mưu lừa gạt, lôi kéo của kẻ xấu. Bộ đội và cán bộ đã chịu đựng gian khổ, chịu đói, chịu rét, lội suối, vượt đèo đến với dân để xây dựng tổ chức đoàn kết các dân tộc, đào tạo cốt cán trong đồng bào các dân tộc để lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống lại phỉ. Nhân dân được quán triệt, học tập chủ trương, chính sách của Đảng và tin vào lực lượng cách mạng, nên nhìn chung luôn tích cực giúp đỡ bảo vệ cán bộ, bộ đội, tích cực tham gia tiễu phỉ bảo vệ thôn, làng. Chính nhờ có sức mạnh đấu tranh của quần chúng nên các chiến dịch tiễu phỉ của ta mới đi đến thành công.
Theo những ghi chép của ông Mai về giai đoạn 1946-1947, phong trào kháng chiến diễn ra sôi nổi trong toàn tỉnh. Những thôn làng ở đồng bằng thì có lũy tre khép kín, có cổng ra vào, có tự vệ và lính canh gác ngày đêm. Những nơi có núi thì quân và dân đào hầm xuyên sơn, có sức chứa cả một đại đội. Tháng 6/1946, ông Mai được trên giao nhiệm vụ chỉ huy đại đội Bạch Đằng, trên cơ sở hợp nhất đại đội cảnh vệ, đại đội cảm tử, đại đội tự vệ Trần Hưng Đạo và trung đội công binh. Lực lượng này đã tiến hành phá hoại các đường giao thông, cầu cống, ray xe lửa, bến cảng, các công sở... nhằm không cho Pháp sử dụng những công trình đó. Khi giặc Pháp đẩy mạnh càn quét vùng chiếm đóng, thì nhân dân càng tích cực ủng hộ kháng chiến, góp sức người sức của để đánh trả quyết liệt với địch, bảo vệ quân đội cách mạng.
Chiến công của lực lượng tự vệ Cửa Ông
Cũng trong cuốn "Hồi ký kháng chiến" được Ban Liên lạc những người kháng chiến Quảng Hồng xuất bản năm 1999, có thuật lại việc tổ chức các đơn vị tự vệ tại thị xã Cửa Ông qua lời kể lại của ông Trần Trọng Bình, nguyên Trưởng ty Thương binh xã hội tỉnh Quảng Ninh. Tại thời điểm năm 1946, ông Bình được bầu cử vào cơ quan chính quyền thị xã Cửa Ông, làm Ủy viên quân sự kiêm Trưởng đoàn tự vệ thị xã.
Theo lời ông Bình, địa bàn Cửa Ông lúc bấy giờ có 5 khu phố. Khu phố nhà sàng có 1 trung đội tự vệ nam 24 người và 1 tiểu đội tự vệ nữ. Khu phố chính có 1 trung đội 30 người, hầu hết là anh em thợ thủ công và buôn bán nhỏ. Khu phố nhà thờ có 1 trung đội 20 người. Khu bến tàu Quảng Đông và khu bến cá mỗi nơi có 1 tiểu đội. Như vậy, tất cả các đơn vị trên gộp lại được 1 đại đội với khoảng 100 đội viên. Việc trang bị vũ khí được xoay xở bằng mọi cách, từ 1 khẩu súng kíp được mua lại của đồng bào dân tộc thiểu số, các chiến sĩ tự vệ đã mày mò nghiên cứu, tự làm lấy thêm 6 khẩu súng khác. Bản thân ông Bình cũng tự đi Hải Phòng lần mò tìm mua 50 quả lựu đạn mỏ vịt, thoát khỏi mối nguy bị địch phát hiện chỉ trong tích tắc, thành công chuyển qua đường tàu thủy về đến nơi an toàn. Sau khi đã làm xong việc tổ chức lực lượng và trang bị vũ khí, anh chị em tự vệ tập trung vào việc luyện tập, từ việc bắn súng, ném lựu đạn, cách đặt mìn và cả đi đứng theo kiểu nhà binh... nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho chiến đấu.

Tháng 12/1946, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ thì lực lượng tự vệ Cửa Ông cũng nhận được lệnh chiến đấu. Từ trưa ngày 20/12/1946, tình hình diễn biến rất căng thẳng khi lính Pháp kiểm soát toàn bộ khu văn phòng, xí nghiệp, bến cảng; tiến hành canh gác các ngả đường, không cho ai được qua lại trừ tuyến từ phố chính về nhà sàng. Ông Bình nhận lệnh của cấp trên, rằng phải triển khai ngay kế hoạch chiến đấu với mục tiêu chính là phá hoại kinh tế địch.
Đúng 6 giờ tối 20/12/1946, lực lượng tự vệ tiến hành nổ mìn. Bốt điện là nguồn duy nhất cung cấp điện cho nhà sàng Cửa Ông bị nổ tung, cháy sáng rực cả khu phố mãi đến trưa hôm sau vẫn còn khói nghi ngút. Nhà sàng cũng bị quả mìn phuy 20 lít nổ, hất tung toàn bộ mái tôn và làm cho máy số 3 bị phá hủy, mất 3 tháng sau mới phục hồi lại được. Các máy bào, phay, tiện, búa... đều bị mìn nổ, đổ vỡ ngả nghiêng. Hai đầu cầu 20 bị phá hỏng, cầu cuối phố cũng bị sập một bên. Xe hỏa, xe điện không bị mìn phá thì bị các công nhân dùng cách mở máy cho xe nọ húc vào xe kia mà đổ ngã... Hầu hết các mục tiêu phá hoại đã được thực hiện, kết quả này đã làm cho sản xuất mỏ của địch tại Cửa Ông bị tê liệt từ 3 đến 6 tháng.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, đến 5 giờ sáng ngày 21/12/1946, lực lượng tự vệ được lệnh rút vào căn cứ Sơn Dương (Hoành Bồ).
Có thể nói đây là cuộc chuyển quân chiến lược để đến ngày 30/12/1946, tự vệ Cửa Ông được vinh dự gia nhập Đại đội Hồ Chí Minh - đơn vị bộ đội địa phương của đặc khu Hòn Gai của giai cấp công nhân mỏ. Lúc này với tên mới là Trung đội 3, lực lượng được phân công đóng quân ở Đá Trắng, ngăn chặn địch từ Hòn Gai đổ bộ vào, đến ngày 11/1/1947 thì được tham gia trận đánh đầu tiên, giành thắng lợi trước đợt tiến công của địch vào căn cứ Sơn Dương. Sau trận này, Trung đội 3 được lệnh phân tán quân. Một số bổ sung cho quân khu 3 và tỉnh Thái Bình. Một số về quân khu Việt Bắc và công binh xưởng Thái Nguyên. Số còn lại làm nòng cốt xây dựng đại đội 23, sau này là đại đội 39, hoạt động ở huyện Hoành Bồ và lập nhiều chiến công.
Sống trong lòng địch
Tại cuốn hồi ký “Một thời chinh chiến” tập 2 được Ban Liên lạc những người kháng chiến Quảng Hồng xuất bản năm 2003, bà Nguyễn Thị Sửu kể về thời điểm bắt đầu tham gia Ban Chấp hành Phụ nữ cứu quốc thị xã Cẩm Phả từ năm 1947. Hoạt động ngay trong vùng địch tạm chiếm tại thời điểm toàn quốc kháng chiến bùng nổ, bà Sửu được giao nhiệm vụ phụ trách giao thông tiếp tế ra ngoài căn cứ ở Cái Rồng, thuộc huyện Vân Đồn của châu Cẩm Phả lúc bấy giờ. Để đối phó với tình hình chiến tranh mở rộng và địch thì liên tục cử bè lũ tay sai đắc lực đi lùng bắt Việt Minh khắp trong ngoài thị xã, bà Sửu và đồng đội đã phải tìm ra phương án hoạt động tuyệt đối bí mật. Cụ thể là xây dựng cơ sở chia ra 3 người 1 nhóm, nhóm nọ không biết nhóm kia, nuôi giấu cán bộ ngay trong các gia đình cơ sở trong thị xã.
Một trong những ký ức sâu đậm nhất được kể lại, là việc tiến hành kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công ngay trong lòng địch, để cổ vũ đồng bào vùng bị địch tạm chiếm luôn tin tưởng, hướng về cách mạng và kháng chiến. Bà Sửu cùng các đồng đội tiến hành rải truyền đơn, treo cờ, băng biểu ngữ ở núi Cốt Mìn, Cọc 2 Cẩm Phả và các khu phố, tầng lò... Đến sáng sớm ngày 19/8/1947, cả thị xã Cẩm Phả bỗng bật dậy với khung cảnh cờ đỏ sao vàng treo khắp các nơi công cộng, truyền đơn cũng xuất hiện ở khắp các tầng lò, nhà máy, đường phố. Nhân dân vô cùng phấn khởi, tin tưởng Chính phủ Cụ Hồ vẫn đi sát với nhân dân. Còn bọn Pháp thì hoang mang, hoảng hốt kéo còi báo động, tung quân đi các nơi vây ráp, lùng sục...

Trong khoảng thời gian đó, hoạt động của Phụ nữ cứu quốc còn có: Vận động ủng hộ ngân sách cho quỹ kháng chiến; tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men, chăn màn, quần áo... cho cán bộ, bộ đội ngoài căn cứ; vận động công nhân tham gia phá hoại kinh tế địch; vận động cai, ký giám thị yêu nước cung cấp tài liệu địch cho kháng chiến; vận động công nhân có tay nghề bỏ việc để tới vùng tự do tham gia kháng chiến, sản xuất vũ khí chống giặc... Đặc biệt phải nói tới nhiệm vụ hết sức nguy hiểm, là phân công nhau theo dõi những tên Việt gian, báo cho lực lượng của ta tìm cách tiến hành trừ khử.
Trong câu chuyện của mình, bà Sửu không thể nào quên sự hy sinh anh dũng của rất nhiều đồng chí, đồng đội. Năm 1948, địch tăng cường cho tay sai dò xét, đưa người của chúng luồn vào trong nội bộ của ta rồi tiến hành khủng bố. Bà Sửu may mắn thoát được, nhưng nhiều người đã bị địch bắt vào đồn, tra tấn dã man để moi thông tin. Khi không khai thác được gì từ những người chiến sĩ cách mạng, chúng thẳng tay sát hại. Có người bị đánh chết, có người bị phơi xác lên tường rào thép gai. Hàng chục chị em bị địch thủ tiêu tại Vũng Đục... Chúng dùng cách khủng bố trắng để dìm cuộc đấu tranh của công nhân và nhân dân Vùng mỏ trong biển máu. Nhưng càng như vậy thì lòng căm thù giặc càng bùng lên. Người trước ngã, người sau bước tiếp, cơ sở cách mạng trong lòng địch vẫn tiếp tục hoạt động.
Ý kiến ()