20
18
/
1100514
Chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân
longform
Chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân

Cover

Sau khi Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ được ban hành, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng, quyết liệt chuyển trạng thái, đi đúng hướng trong thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể phòng chống dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định và phát triển KT-XH theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tháng 4/2022 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục quan tâm nâng cao khả năng ứng phó với dịch bệnh của hệ thống y tế, để ngành Y tế có nền tảng, đáp ứng tốt hơn trước bất kỳ đại dịch nào xuất hiện trong thời gian tới.

Ảnh trong văn bản

Trải qua hơn 2 năm ứng phó với đại dịch, vũ khí hiệu quả nhất để cả thế giới và Việt Nam đương đầu với sự xuất hiện liên tục của biến chủng mới của virrus SARS-CoV-2 chính là vắc-xin.

Với tinh thần chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, nhất quán phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, tỉnh Quảng Ninh đã dành nguồn lực và không ngừng nỗ lực để tiếp cận các nguồn vắc-xin.

Ngày 8/2/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 326/NQ-HĐND quyết định dành tối thiểu 500 tỷ đồng cùng các nguồn lực hợp pháp sẵn sàng cho việc mua vắc-xin phòng Covid-19 và triển khai tiêm chủng cho toàn dân trên địa bàn. Với 500 tỷ đồng ngân sách, cùng 100 tỷ đồng xã hội hóa, tỉnh đã đóng góp tích cực vào Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ.

Ảnh với chú thích
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 cho người dân tại phường Hà An, TX Quảng Yên. Ảnh chụp tháng 1/2022

Từ mũi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên cho các lực lượng tuyến đầu từ cuối tháng 3/2021 đến nay, Quảng Ninh luôn là địa phương có tốc độ tiêm chủng nhanh, an toàn và tỷ lệ tiêm chủng cao trong cả nước. Tính đến ngày 29/5/2022, toàn tỉnh có:

960.036 người (96,64%) từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 3 mũi vắc-xin phòng Covid-19.

123.815 trẻ em từ 12-17 (98,52%) tuổi tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19.

Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1 có 44.358 trẻ (24,48%); mũi 2 có 24.213 trẻ (13,36%).

Cùng với tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, các địa phương hiện đang lồng ghép thực hiện tiêm vét mũi 2 và mũi 3 cho các đối tượng chưa tiêm đủ 3 mũi và tiêm mũi 1 cho những người chưa tiêm.

Điều đặc biệt, Quảng Ninh là địa phương đi đầu tổ chức tiêm tại nhà cho các đối tượng bệnh nặng, đối tượng khó khăn trong di chuyển đến điểm tiêm (ngồi xe lăn, liệt giường…) đủ điều kiện tiêm chủng theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Ảnh căn phải

Thực tế khi chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Quảng Ninh với tỷ lệ tiêm vắc-xin nhanh và cao đã giúp cho ngành Y tế phần nào giảm bớt gánh nặng, không phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân chuyển nặng và tử vong trong thời điểm đầu năm 2022 dịch Covid-19 lây lan và bùng phát trên diện rộng.

Nhờ đó, Quảng Ninh cũng không cần triển khai các biện pháp giãn cách xã hội trên diện rộng hay những chính sách hạn chế đi lại. Bao phủ vắc-xin chính là cơ hội để Quảng Ninh chuyển sang phương án chống dịch thích ứng với tình hình mới.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Diện chia sẻ: Với quan điểm “vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất”, khi có bất cứ loại vắc-xin phòng Covid-19 được Bộ Y tế phân bổ và thông qua các hoạt động ngoại giao, Sở đều tham mưu tỉnh tiếp nhận để có đủ nguồn vắc-xin tiêm chủng diện rộng cho người dân toàn tỉnh. Đặc biệt, qua công tác tuyên truyền rất chủ động, kịp thời và đa dạng hình thức của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của các cơ quan truyền thông, người dân ngày càng tin tưởng vào hiệu quả phòng ngừa Covid-19 của vắc-xin, hầu hết mọi người đều trông đợi được tiêm.

Ảnh với chú thích
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại điểm tiêm Trạm Y tế phường Phương Nam, TP Uông Bí. Ảnh chụp tháng 4/2022

Ảnh căn trái

Vắc-xin rất quan trọng, đặc biệt là tăng cường miễn dịch phòng bệnh Covid-19 cho người dân trước các biến chủng virus SARS-CoV-2 có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, tỉnh Quảng Ninh chưa hoàn thành mà tiếp tục thực hiện chiến lược vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4 (liều nhắc lại).

Ngày 24/5 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4 (liều nhắc lại) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 2357/BYT-DP ngày 9/5/2022.

Quảng Ninh tiếp tục nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19 một cách chủ động bằng tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4 cho nhóm đối tượng nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh.

Đối tượng tiêm chủng mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, gồm: Người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên bị suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng và người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 (Cán bộ y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch của các địa phương trên địa bàn tỉnh, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp).

Dự kiến, đối tượng tiêm chủng mũi 4 trong toàn tỉnh là 368.513 người. Vắc-xin sử dụng tiêm chủng là vắc-xin mRNA (do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất), vắc-xin do hãng Astrazeneca sản xuất hoặc vắc-xin cùng loại với vắc-xin đã tiêm mũi 3. Thời gian triển khai tiêm mũi 4 dự kiến từ ngày 6/6 đến 31/7/2022.

Bà Đào Thị Luyến (phường Cẩm Thủy, TP Cẩm Phả) chia sẻ: Những thành viên trong gia đình tôi từ 5 tuổi trở lên đều tiêm chủng đầy đủ vắc-xin phòng Covid-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế. Vừa qua khi có thông tin sẽ tiêm mũi 4, trong đó có đối tượng trên 50 tuổi, vợ chồng tôi đều rất mong đợi được tiêm để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Ảnh trong văn bản

Chống dịch Covid-19 là cuộc chiến chưa từng có trong tiền lệ. Nhất là khi bước sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, số F0 tăng cao với hàng nghìn ca mỗi ngày tại Quảng Ninh. Do đó, các giải pháp ứng phó buộc phải linh hoạt hơn.

Trong tình hình chung là tỷ lệ bao phủ vắc-xin trên địa bàn đạt cao, tạo miễn dịch cộng đồng nên đa phần trường hợp mắc Covid-19 là thể nhẹ, không triệu chứng, tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn áp dụng, điều chỉnh phân tầng (3 tầng) để quản lý, điều trị F0 tùy theo mức độ nguy cơ của người bệnh.

Ảnh với chú thích
Tổ Covid-19 cộng đồng và cán bộ y tế xã Đoàn Kết (huyện Vân Đồn) hướng dẫn F0 tại nhà chăm sóc sức khỏe và xử lý rác thải. Ảnh chụp tháng 3/2022

Thống kê của ngành Y tế cho thấy, số F0 thể nhẹ, không triệu chứng trong tỉnh chiếm trên 97% và được điều trị tại nhà. Hệ thống y tế cơ sở gồm các trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện và trạm y tế tuyến xã trong toàn tỉnh phải gánh trên vai trách nhiệm nặng nề, khi vừa làm nhiệm vụ chuyên môn thu dung, điều trị, vừa làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân mắc Covid-19 tại nhà. Nhân viên y tế tuyến cơ sở làm mọi việc từ truy vết, chăm sóc ban đầu và quản lý F0 tại nhà, xét nghiệm, cách ly.

Covid-19 là một "phép thử" cho năng lực ứng phó của ngành Y tế Việt Nam nói chung và ngành Y tế Quảng Ninh nói riêng. Qua đại dịch Covid-19 đã cho thấy, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: Chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân; các dịch vụ y tế chất lượng cao trên địa bàn chưa phát triển; tổ chức bộ máy còn nhiều bất cập nhất là tuyến y tế cơ sở; điều kiện cơ sở vật chất tại một số đơn vị chưa được đầu tư tương xứng với tốc độ tăng trưởng KT-XH của tỉnh và yêu cầu triển khai kỹ thuật cao… Nhân lực y tế trong toàn tỉnh còn hạn chế về chất lượng, bất cập về phân bổ và chưa hợp lý về cơ cấu…

Ảnh với chú thích
Khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng cho người bệnh hậu Covid-19 được triển khai ở tất cả các chuyên khoa, chuyên ngành trong các đơn vị y tế. (Ảnh chụp tại Phòng khám mắt, Bệnh viện Bãi Cháy)

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển KT-XH, nhiều vấn đề đã và đang phát sinh gây ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe của người dân, như: Ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội; gia tăng các bệnh không lây và nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi; khả năng đáp ứng của hệ thống y tế còn hạn chế chưa theo kịp nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân…

Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, giao lưu quốc tế nhanh chóng như hiện nay, việc phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm mới nổi như SARS-CoV-2 càng trở nên nặng nề hơn khi ngành Y tế giữ vai trò là cửa ngõ kiểm dịch y tế quốc tế, góp phần quan trọng trong ổn định an ninh biên giới.

Ảnh với chú thích
Ca phẫu thuật tuyến giáp cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Để ngành Y tế có nền tảng, chủ động đáp ứng tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân trong thời gian tới, ngành Y tế tỉnh đang trình tỉnh phê duyệt Đề án nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng và điều trị; chất lượng chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

Việc xây dựng đề án là hết sức cần thiết và đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định là một trong 15 đề án, chương trình trọng điểm đến năm 2025. Qua đó góp phần xây dựng hệ thống y tế Quảng Ninh công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng; đảm bảo mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW và Nghị quyết 21-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII.

Phục vụ yêu cầu phát triển trước mắt của ngành Y tế, ngày 24/5 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nâng cao năng lực cơ sở y tế toàn tỉnh năm 2022 theo Nghị quyết số 77/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh.

Theo đó, Đề án có tổng kinh phí 130 tỷ đồng để sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm bổ sung trang thiết bị cho các đơn vị y tế. Trong đó, 15 đơn vị y tế tuyến cơ sở (tuyến huyện) được đầu tư kinh phí gần 60 tỷ đồng; 7 đơn vị y tế tuyến tỉnh được đầu tư kinh phí trên 70 tỷ đồng.

Ảnh với chú thích
Chăm sóc trẻ sinh non tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Ngành Y tế cũng tiếp tục thu hút, đào tạo nguồn nhân lực để hình thành các trung tâm y tế chuyên sâu, chất lượng cao. Theo đó, ngành Y tế tiếp tục phát triển hoàn thiện các trung tâm y tế chuyên sâu hiện có, gồm: Trung tâm tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Bãi Cháy), Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh); đồng thời nghiên cứu các điều kiện cần thiết để xây dựng Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, Trung tâm Thận nhân tạo sau năm 2025.

Bên cạnh đó, ngành tăng cường xã hội hóa, thu hút đầu tư phát triển các bệnh viện mắt, da liễu; trung tâm dưỡng lão; trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh; trung tâm hỗ trợ sinh sản-di truyền chất lượng cao; trung tâm phục hồi chức năng…

Các bệnh viện tuyến tỉnh của Quảng Ninh hiện đã thực hiện được 50% danh mục kỹ thuật tuyến Trung ương; nhiều kỹ thuật khó trước đây chỉ thực hiện ở tuyến Trung ương, nay đã được thực hiện ở các bệnh viện tuyến tỉnh. Toàn ngành Y tế đã thực hiện được trên 2.100 kỹ thuật cao, chuyên sâu của tuyến Trung ương.

Một số kỹ thuật chuyên ngành đạt tốp đầu trong khu vực, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân trên địa bàn và vùng lân cận, giữ được người dân ở lại địa phương khám, chữa bệnh và thu hút người bệnh nước ngoài, khách du lịch đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của tỉnh. Đến nay, tỷ lệ chuyển tuyến của Quảng Ninh giảm còn khoảng 1%.

Cover

Quan điểm của tỉnh là đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển. Tin tưởng rằng, các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển ngành Y tế tiếp tục được tỉnh quan tâm ưu tiên dành nguồn lực, nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của nhân dân.

Thực hiện: Nguyễn Hoa

Trình bày: Mạnh Hà

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu