
Hệ lụy khôn lường từ "chợ vũ khí online"
Mua bán, sản xuất, tàng trữ súng, đao kiếm có tính sát thương cao là hành vi vi phạm pháp luật. Mặc dù lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm, tuy nhiên hiện nay, thông qua các mạng xã hội, tình trạng mua bán, trao đổi vũ khí, công cụ hỗ trợ vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, không quá khó để tìm thấy những hội nhóm mua bán trao đổi dao kiếm, vũ khí, công cụ hỗ trợ khai trên các mạng xã hội. Có nhóm hàng nghìn thành viên tham gia. Tại những hội nhóm này, ngoài việc công khai chào bán đa dạng các loại dao kiếm, vũ khí, công cụ hỗ trợ, còn có nhiều video clip hướng dẫn cách sử dụng, chứng minh những loại này có tính sát thương cao. Khi người mua có nhu cầu, sẽ chuyển khoản đặt cọc, sau đó đối tượng bán sẽ gửi vũ khí, dao kiếm qua xe khách hoặc đường chuyển phát nhanh, giao hàng công nghệ; người bán người mua không gặp mặt trực tiếp.
Thực tế cũng cho thấy, các vụ án phạm tội đều liên quan đến việc sử dụng dao và vũ khí, trong đó có nhiều tội rất nghiêm trọng như giết người, bắt cóc, ma túy, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ…

Để ngăn chặn, kéo giảm vi phạm về mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí, ngoài việc làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình để tham mưu các cấp chỉ đạo, huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị triển khai đồng bộ các giải pháp, phối kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong tuyên truyền, vận động và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, Công an tỉnh còn chủ động phối hợp với các lực lượng thực thi pháp luật tăng cường nắm tình hình, rà soát các địa bàn có nguy cơ cao về mua bán và tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép. Cùng với đó tập trung phòng ngừa, đấu tranh trên không gian mạng, dịch vụ bưu chính, trên tuyến giao thông và tuyến, địa bàn biên giới, áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông để giám sát các hoạt động trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác để ngăn chặn, xử lý hiệu quả các vi phạm về vũ khí.

Trong năm 2024 và 3 tháng đầu năm 2025, Công an toàn tỉnh đã vận động giao nộp 383 khẩu súng các loại, 1.147 viên đạn, 2.077 vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ; bắt giữ, xử lý 69 vụ, 112 đối tượng vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thu giữ 22 khẩu súng, 53 vũ khí thô sơ, 9 công cụ hỗ trợ, 40,38kg thuốc nổ, 55 kíp nổ, 2.663 viên đạn... Qua đó, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh làm giảm tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, trong số đối tượng bị bắt giữ, xử lý có 73 đối tượng (65% đối tượng) là thanh thiếu niên, học sinh phổ thông trên địa bàn. Qua điều tra, xác minh, nguồn gốc của số vũ khí đao kiếm và súng thu giữ chủ yếu là các đối tượng đặt mua trên mạng xã hội, để sử dụng giải quyết mâu thuẫn cá nhân.

Theo Trung tá Trần Minh Hiển, Đội trưởng Đội Đăng ký, quản lý vũ khí vật liệu nổ, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và con dấu, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Công an tỉnh, thời gian qua, những vụ việc thanh thiếu niên giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Điều này đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Đáng lo ngại, ngoài mua bán, trao đổi dao kiếm vũ khí qua mạng xã hội, trên những hội nhóm này còn bán các linh kiện kèm hướng dẫn tự chế vũ khí. Để trốn tránh sự kiểm soát, xử lý của cơ quan chức năng, mọi giao dịch đều diễn ra trên mạng xã hội, các tài khoản xã hội không chính chủ, số điện thoại cũng không chính chủ.
Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, để hạn chế tình trạng trên, ngoài sự vào cuộc của lực lượng công an thì mỗi gia đình cũng cần nâng cao cảnh giác, làm tốt công tác quản lý, giáo dục không để con, em mình vi phạm. Khi phát hiện đối tượng chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí hãy thông báo ngay tới cơ quan công an gần nhất.
Ý kiến ()