20
18
/
958951
"Biết bơi là cần thiết nhưng chưa đủ…"
longform
"Biết bơi là cần thiết nhưng chưa đủ…"

 

Tình trạng đuối nước ở trẻ em, nhất là vào mùa hè luôn là "nỗi lo không của riêng ai" khi mà con em nhiều gia đình chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng bơi và phòng chống đuối nước. Để có cái nhìn sâu hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở VH-TT Quảng Ninh.

 


- Quảng Ninh vừa có biển, vừa có nhiều sông suối, ao hồ, vậy việc phổ cập kỹ năng bơi và phòng chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

+ Thời gian qua, thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020 do trung ương ban hành, Quảng Ninh đã ra nhiều văn bản chỉ đạo để triển khai về các địa phương. Với vai trò là cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước về việc tổ chức các lớp bơi, lặn trên địa bàn, thời gian qua, Sở VH-TT đã phối hợp với các sở, ban, ngành để triển khai chương trình Bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Về cơ sở vật chất, hiện toàn tỉnh có tổng số 78 bể bơi trong các trường học, 80 bể bơi dân sinh trong các khách sạn và 139 điểm tắm, bãi tắm. 13/14 địa phương (trừ Bình Liêu) đã tổ chức lễ phát động Toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước theo chương trình của trung ương, tỉnh năm 2019. Trong đó, điểm sáng là TX Đông Triều, từ việc đầu tư 21 “bể bơi cho em” vào năm 2016, qua 3 năm đi vào hoạt động, đến nay có trên 9.000 cháu đã được học bơi. Mục tiêu năm 2019 này của thị xã là 80% trẻ em biết bơi và phấn đấu tới năm 2020 con số này đạt 100%. Bên cạnh đó, TX Quảng Yên cho tới nay cũng đã đầu tư xong 6 “bể bơi cho em”, nâng tổng số bể bơi trên địa bàn lên 19 bể, trong đó 17 bể ở trường học và 2 bể bơi tư nhân.

Thống kê năm 2018 cho thấy, tổng số học sinh toàn tỉnh là hơn 230 nghìn cháu, trong đó có hơn 70 nghìn cháu đã qua các lớp dạy bơi, tuy nhiên chưa đánh giá tiêu chí cụ thể về biết bơi. Như vậy, số các cháu chưa qua các lớp bơi còn rất nhiều, chưa kể việc không chỉ dạy bơi mà còn phải trang bị các kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước nữa.

 


- Thời tiết miền Bắc, trong đó có Quảng Ninh chỉ có mấy tháng nắng nóng nên các bể bơi thông minh không thể hoạt động quanh năm. Vì vậy, việc đầu tư phát triển các bể bơi này cũng đặt ra vấn đề về công tác quản lý hoạt động bơi, duy tu, bảo dưỡng bể..?

+ Chúng ta hãy nhìn từ kinh nghiệm của TX Đông Triều, khi đầu tư bể đồng thời đầu tư luôn hệ thống nhà che, nhà tắm tráng nên các cháu ngày mưa, nắng đều có thể tập được. Theo các nhà chuyên môn, bể lắp ghép nếu được bảo quản tốt có thể dùng được khoảng 10 năm. Còn về chất lượng nước, vệ sinh bể đòi hỏi công tác thanh, kiểm tra từ thanh tra ngành VH-TT cho tới các địa phương phải chú trọng. Đơn cử như TX Đông Triều, việc kiểm tra do lực lượng liên ngành gồm y tế, phòng VHTT tiến hành vào đầu mùa hè ở toàn bộ 21 “bể bơi cho em”, để đánh giá chất lượng nước, nếu đảm bảo thì cho hoạt động, không thì dừng.

Một vấn đề nữa là nguồn kinh phí để duy trì, ở Đông Triều hiện nay, Phòng GD-ĐT thị xã trích một phần kinh phí để hỗ trợ mua nước, chi trả cho giáo viên. Cùng với đó huy động thêm nguồn lực từ cha mẹ học sinh, nhân lực từ chương trình thanh niên tình nguyện. Từ năm 2018 cho đến đầu tháng 7 này, Đông Triều không có trẻ em đuối nước trên địa bàn, ý thức trách nhiệm của các bậc phụ huynh nâng cao hơn hẳn. Họ chung tay để hè đến đưa con đi học bơi với mấy trăm lớp diễn ra từ đầu hè đến nay rồi. Với các địa phương thiết nghĩ cũng cần có chính sách để hỗ trợ tương tự.


 


- Như vậy theo ý ông thì mô hình “bể bơi cho em” của Đông Triều rất cần thiết nhân rộng trong toàn tỉnh?

+ Đúng vậy, bởi mục đích của chúng ta là trang bị kỹ năng bơi và phòng chống đuối nước cho trẻ em. Nếu đầu tư các bể bơi theo tiêu chuẩn thì lượng kinh phí rất lớn, một bể đó làm được cả chục bể bơi thông minh. Hơn nữa, bể bơi thông minh cũng phù hợp để dạy bơi vì theo quy định, bể dạy bơi có tiêu chuẩn rõ về mức nước, không được quá 1,2m tùy theo độ tuổi. Hiện nay, tỷ lệ trẻ em không biết bơi rất nhiều nên rất cần thiết đầu tư bể bơi thông minh ở các địa phương, phục vụ cho việc dạy và học bơi, trang bị kiến thức ban đầu cho các em.

- Mở rộng, phát triển các lớp dạy bơi liệu có đảm bảo điều kiện cần và đủ để nâng cao hiệu quả phòng chống đuối nước cho thanh thiếu nhi không?

+ Việc dạy bơi là rất quan trọng nhưng bên cạnh đó, quan trọng không kém là trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em. Như Đông Triều, sau 3 năm dạy bơi phổ cập, đến năm 2018 đã tổ chức thi đấu để đánh giá nhằm nâng cao chất lượng dạy bơi và năm nay sẽ tổ chức Hội thi kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước. Thực tế, nhiều trường hợp trẻ biết bơi giỏi vẫn đuối nước, trẻ em bị đuối nước tập thể do không biết cách phòng tránh, không biết cách cứu đuối vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Đơn giản như khi xuống nước bị chuột rút chẳng hạn, nếu được trang bị đủ kỹ năng sẽ tự “phá” chuột rút để thoát ra; hay cứu người bị đuối nước như thế nào là đúng cách, an toàn cho cả người cứu và người được cứu...


Nội dung này thời gian qua được sự quan tâm của tỉnh, Bộ VH,TT&DL, Tổng Cục TDTT đã phối hợp với Sở VH-TT, Sở GD-ĐT, TX Đông Triều tổ chức lớp tập huấn triển khai thí điểm tiêu chí đánh giá trẻ em biết bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Chương trình đã được VTV7 quay làm mẫu phát truyền thông cho toàn quốc. Trên cơ sở đó, từ 22 tới 26/7 này, Tổng cục TDTT sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức Hội thi kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước trẻ em tại TX Đông Triều. Hội thi không chỉ trang bị lý thuyết mà còn cả kiến thức thực hành nữa. Phần lý thuyết làm thông qua hội thi Rung chuông vàng với các câu hỏi và trả lời kiểu Đúng – Sai, giúp trẻ em phân biệt được về cách làm.

Phần thực hành là thi kỹ năng, trong đó, tiêu chí cứng là đánh giá mức độ 1 trẻ em biết bơi. Từ trước đến nay, chúng ta cứ nói biết bơi nhưng cụ thể thế nào là biết bơi? Ở hội thi này, chúng tôi có xây dựng tiêu chí trẻ em biết bơi mức độ 1, vừa tuyên truyền, vừa để các thầy cô giáo, nhà chuyên môn hiểu được như thế nào là trẻ em biết bơi mức độ 1. Nội dung thi là thực hành các kỹ năng bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước và kỹ năng cứu đuối an toàn thông qua các trò chơi vận động dưới nước. Qua đó giúp các em được trang bị kiến thức, biết cách ứng cứu an toàn khi xảy ra tình huống đuối nước, chứ các chuyên gia về bơi lội không khuyến khích trẻ em trực tiếp xuống nước để cứu đuối, bởi trẻ em chưa đủ về thể lực, kỹ năng… để ứng cứu, xử lý trong môi trường nước.


Đây là mô hình đầu tiên trong toàn quốc đưa ra đánh giá thí điểm từ cách làm của Đông Triều về nội dung, phương pháp dạy trẻ em học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước, từ đó đưa ra nhân rộng trong toàn quốc.

- Với các địa phương thuận lợi về huy động xã hội hóa hay cha mẹ học sinh sẵn sàng chung tay để giáo dục kỹ năng cho con em là thế. Vậy còn với các địa phương khó khăn thì giải pháp là gì, thưa ông?

+ Cần vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn, trường học. Nếu không thể huy động được xã hội hóa thì rất mong tỉnh hoặc ngân sách địa phương tiếp tục quan tâm dành nguồn lực đầu tư kinh phí xây dựng bể. Trên cơ sở thực tế địa phương cũng có thể tìm những giải pháp phù hợp, như: khoanh vùng các điểm tắm, bãi biển hay chọn khúc sông, suối nào an toàn để dạy bơi.


Tuy nhiên, vấn đề là an toàn trong dạy bơi như thế nào, rồi môi trường nước có đảm bảo vệ sinh hay không thì cần được quan tâm. Hay cần tăng cường hướng dẫn viên, quản lý khi dạy bơi chẳng hạn cũng sẽ đem lại hiệu quả trong trang bị kiến thức bơi cho các em. Bên cạnh đó cũng cần có chế độ ưu tiên, miễn, giảm tiền thuê bể bơi, tiền học phí cho trẻ em, để tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học bơi và tập luyện bơi.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 7 trẻ em bị đuối nước, là rất đáng tiếc. Vì vậy, chương trình Bơi an toàn phòng, chống đuối nước của tỉnh cần nhận được sự quan tâm hơn nữa của tỉnh, các sở, ngành, cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, gia đình và địa phương, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và hội cha mẹ học sinh. Một số địa phương cũng đã tổ chức được các giải bơi học sinh, rồi các giải bơi của tỉnh là sân chơi thiết thực. Tuy nhiên, quan trọng nhất bây giờ là đầu tư cơ sở vật chất cho môn bơi. Bên cạnh một số địa phương quan tâm thực sự, kêu gọi được các nguồn lực để chăm lo cho việc này thì nhiều địa phương như Hải Hà, Đầm Hà hiện vẫn chưa có bể bơi trong trường học để tập, riêng Bình Liêu “trắng” hoàn toàn bể bơi, Cô Tô chỉ có bãi tắm, điểm tắm khá nguy hiểm khi tập bơi...

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Phan Hằng (Thực hiện)

Trình bày: Tất Đạt

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu