Tình hình sữa nhiễm melamine, rượu gây ngộ độc chết người, những vụ gian lận đo lường xăng dầu và tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan đang làm nổi lên vấn đề phải làm thế nào để có thể hạn chế tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ người tiêu dùng một cách an toàn hơn?
Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), thủ đoạn và kỹ thuật sản xuất, tiêu thụ hàng giả trên thị trường ngày càng tinh vi, khép kín từ khâu sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ khiến các cơ quan chức năng khó phát hiện, ngay cả người sản xuất hàng thật cũng không dễ phân biệt được. Theo Cục Quản lý thị trường, thủ đoạn làm giả ngày càng táo tợn. Đơn cử như với xăng dầu, xăng kém chất lượng không chỉ đơn giản là bị pha với dầu hỏa, không chỉ gian lận về chỉ số octan mà còn bị pha thêm cả bùn và nước vào dầu FO để cung cấp cho các doanh nghiệp đốt lò hơi tại khu công nghiệp, mua dầu cặn pha vào dầu thật, tái chế nhớt đã qua sử dụng rồi pha trộn với nhớt thật… Tiến sĩ Nguyễn Mộng Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM - cho biết: “Trong 5 năm qua, Hội đã tiếp nhận hàng ngàn vụ khiếu nại của người tiêu dùng, trong đó khiếu nại đối với mặt hàng điện tử chiếm 25%; dịch vụ: 23%; điện máy: 12,6%; mỹ phẩm - thực phẩm: 12,13%... Điều đáng nói là có không ít trường hợp nhiều nhà sản xuất, phân phối có thái độ xem thường khách hàng, thiếu trách nhiệm khi khách hàng khiếu nại, giải quyết dây dưa kéo dài”. Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng của doanh nghiệp là phải cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, bảo đảm tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, trách nhiệm bảo hành, bảo đảm an toàn và giải quyết khiếu nại cho người tiêu dùng. Hiện người tiêu dùng Việt Nam chưa được bảo vệ như pháp luật quy định, những hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng đang ở mức độ đáng báo động, trên diện rộng và đa dạng về hình thức…
Phải bảo vệ người tiêu dùng như thế nào? Tại hội thảo “Doanh nghiệp với trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng” tổ chức ngày 25.10 ở TP.HCM, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường quả quyết: “Chống sản xuất, buôn bán hàng giả là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Theo quy định hiện nay, lực lượng quản lý thị trường được xử phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong sản xuất hàng giả, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, tịch thu tang vật, buộc tiêu hủy vật phẩm mang yếu tố vi phạm. Lực lượng quản lý thị trường trong quá trình kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường nội địa, nếu phát hiện những vi phạm về sở hữu trí tuệ thì cũng sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”. Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), dự luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang được hoàn chỉnh sẽ quy định rõ: Doanh nghiệp có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng nhanh chóng và trong một thời hạn nhất định (từ 3-7 ngày tùy sản phẩm). Dự luật cũng đưa ra những chế tài hết sức nghiêm khắc và mang tính đặc thù để xử lý doanh nghiệp trong trường hợp họ không thực hiện các trách nhiệm nói trên. Với những quy định hết sức chặt chẽ và nghiêm khắc trong dự luật này, bất kỳ một hành vi nào của doanh nghiệp gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng sẽ bị xử lý và doanh nghiệp phải đối mặt với những hậu quả pháp lý hết sức nặng nề. Dự kiến luật này sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2010, hy vọng sẽ giúp nâng cao nhận thức của doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và của những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Ý kiến ()