
Người dân hưởng lợi từ liên kết '4 nhà' trồng khoai tây Atlantic
Liên kết “4 nhà” giữa Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông nhằm đảm bảo lợi ích, tăng cường trách nhiệm của mỗi bên, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững. Mô hình trồng khoai tây Atlantic theo mô hình này đã mang đến hiệu quả kinh tế cao, trở thành một trong những cây trồng chủ lực vào vụ đông của tỉnh.
Đông Triều là một trong những địa phương sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, có nhiều nỗ lực đổi mới phương thức, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng, đặc biệt là xây dựng vùng nông sản sạch. Trong đó, mô hình trồng cây khoai tây Atlantic với sự liên kết "4 nhà" đã được đưa vào trồng đại trà thành công suốt 13 năm qua.
Cuối năm 2012, Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina (Hàn Quốc) phối hợp với TP Đông Triều triển khai dự án trồng 10ha khoai tây với mục đích xây dựng vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp. Khi đó, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bình Dương được giao trực tiếp đảm nhận. Về phía doanh nghiệp đã phối hợp với Viện Sinh học nông nghiệp để đảm bảo cung cấp giống, thuốc vi sinh chống mốc, hỗ trợ kỹ thuật và đảm bảo thu mua toàn bộ với giá cao. Còn về phía HTX có vai trò đại diện, thay người dân đứng ra cam kết, ký hợp đồng với doanh nghiệp; nhận và cung cấp giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giám sát quy trình, cung cấp dịch vụ tưới tiêu, làm đất…
Ông Trịnh Xuân Dương, Phó giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bình Dương, chia sẻ: Thời gian đầu triển khai mô hình gặp khó khăn do người dân còn chưa làm quen với những quy trình canh tác nghiêm ngặt. Để tạo niềm tin cho người dân, các cấp chính quyền từ thành phố đến phường đã tích cực triển khai các cơ chế hỗ trợ cùng với sự kích cầu của các bên liên kết. Quan trọng nhất là cam kết đảm bảo thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân với giá ổn định, khiến bà con tin tưởng, an tâm trồng và chăm sóc cây đảm bảo chất lượng củ thu hoạch cao nhất, đạt yêu cầu do công ty đưa ra.
Với cơ chế hợp tác chặt chẽ và hiệu quả, đến nay, đã có trên 1.500 hộ dân trên địa bàn phường Bình Dương tham gia trồng khoai tây Atlantic, nâng tổng diện tích gieo trồng khoai tây Atlantic lên tới 126 ha/198 ha cây vụ Đông 2024-2025. Theo ước tính, mỗi sào khoai tây mang về lợi nhuận từ 2,5 - 3,5 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với một số loại cây, hoa màu khác được trồng song song trong vụ. Dự kiến, trong vụ Đông năm 2025-2026, Đông Triều sẽ tăng diện tích trồng khoai tây Atlantic lên khoảng 165 ha.

Không chỉ phù hợp với chất đất khô, tơi xốp và khí hậu có nền nhiệt tương đối cao ở các địa phương miền Tây của tỉnh, khoai tây Atlantic cũng thích ứng rất nhanh với loại đất thịt và nền nhiệt luôn thấp hơn mức trung bình ở những địa phương khu vực miền Đông như Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà…
Đơn cử tại huyện Tiên Yên, mô hình trồng khoai tây Atlantic đã triển khai được 3 năm với tổng diện tích trên 30 ha, tập trung tại các xã Đông Hải, Đông Ngũ. Vụ Đông Xuân năm 2024 - 2025, xã Hải Lạng và Yên Than lần đầu tiên đưa vào thử nghiệm trồng khoai tây Atlantic của Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật bài bản trong chăm sóc nên khoai tây trồng tại đây đều có năng suất cao, khoảng 10 -12 tấn/ha. Bà Trần Thị Lựa, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, chia sẻ: "Trước đây khi gặt lúa xong, người dân thường bỏ đất chờ đến vụ mới, nên rất lãng phí. Từ khi được chính quyền và ngành nông nghiệp động viên hướng dẫn, bà con triển khai trồng khoai tây để kiếm thêm thu nhập. Với giá thu mua khoai đạt chuẩn loại 1 khoảng 8.300/kg, trừ chi phí chúng tôi thu được lợi nhuận tốt hơn một số giống hoa màu khác. Vụ Đông tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục tham gia mô hình này".
Theo bà Đỗ Thị Duyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tiên Yên, tổng sản lượng khoai tây trên địa bàn huyện Tiên Yên vụ Đông 2024-2025 đạt khoảng 450 tấn. Hiện sau thu hoạch, sản lượng khoai tây đạt chuẩn chiếm 70-90% tổng sản lượng. Số khoai tây chưa đạt chuẩn cũng được một số doanh nghiệp chăn nuôi thu mua ngay tại ruộng. Cây khoai tây có đặc tính làm tốt đất, do vậy sau vụ khoai tây về kích thước, nếu cấy lúa hoặc gieo trồng cây khác đều được hưởng lợi, sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thắt chặt chuỗi liên kết sản xuất khoai tây Atlantic, tiếp tục nhân rộng diện tích và vận động người dân cập nhật, đổi mới quy trình canh tác hiện đại, tăng tỷ lệ áp dụng cơ giới. Qua đó, tối ưu hóa, nâng cao lợi nhuận từ mô hình liên kết này cũng như thu nhập cho bà con.

Cùng với huyện Tiên Yên, huyện Đầm Hà, Hải Hà cũng có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất giống khoai tây Atlantic, trở thành cây trồng vụ Đông Xuân chủ lực trong những năm tới, không chỉ tạo thêm thu nhập cho nông dân sau hơn 3 tháng gieo trồng, mà còn góp phần quan trọng hạn chế tình trạng bỏ không đất đai trong vụ Đông trên địa bàn toàn tỉnh.
Thành công của mô hình sản xuất khoai tây theo chuỗi liên kết cũng mở ra cơ hội cho nhiều nông sản khác hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong thời gian tới đây, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” theo đúng mục tiêu Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ý kiến ()