
TP Hạ Long: Xây dựng NTM gắn với thu hẹp khoảng cách vùng miền
TP Hạ Long hiện có 12 xã thuộc khu vực miền núi với phần lớn dân số là người DTTS. Bởi vậy, thành phố đã và đang tích cực triển khai các chủ trương, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển KT-XH; nhất là triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng NTM trên địa bàn các xã, nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch các khu vực cùng thành phố.
Năm 2024, TP Hạ Long đầu tư nguồn vốn trên 1.397 tỷ đồng hỗ trợ cho chương trình xây dựng NTM trên địa bàn các xã. Trong đó, ngân sách thành phố bố trí trực tiếp cho chương trình xây dựng NTM là hơn 154 tỷ đồng; vốn lồng ghép đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên 802 tỷ đồng… Từ các nguồn vốn hỗ trợ, thành phố đã tập trung phát triển hạ tầng đồng bộ, định hướng phát triển đô thị ngay trong quá trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Theo đó, trong năm 2024, các xã đã đăng ký triển khai thực hiện 45 công trình hạ tầng nông thôn.
Đến nay, 30/39 công trình do các xã triển khai thực hiện đã hoàn thành; 1/6 công trình quy mô lớn, có tính chất phức tạp về quy hoạch, thiết kế quỹ thuật do BQL Dự án đầu tư xây dựng thành phố đã thi công xong. Thành phố cũng đã tổ chức rà soát các công trình hạ tầng trên cơ sở các xã đề xuất để thực hiện trong năm 2025, gồm 23 công trình, tổng kinh phí khoảng 114 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố khoảng 106 triệu đồng.
Bên cạnh đó, thành phố triển khai các giải pháp phát triển kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND 12 xã thực hiện duy trì vùng trồng ổi trên 120ha; triển khai thí điểm trồng ổi bằng phân bón hữu cơ; xây dựng vườn mẫu phục vụ tham quan trải nghiệm. Ngoài ra, các xã cũng tuyên truyền, vận động người dân mở rộng vùng sản xuất tập trung với 130,8ha dược liệu, 104,2ha cây ăn quả, như xã Dân Chủ trồng 4ha sâm nam, cây ba kích; xã Thống Nhất trồng 39ha cây na; xã Đồng Lâm trồng 11ha cây gừng gió, địa liền; xã Lê Lợi trồng 22ha dưa các loại; xã Tân Dân trồng 1,1ha cây dược liệu...

Thành phố chú trọng tuyên truyền, vận động người dân triển khai các mô hình kinh tế hiệu quả cao. Hướng dẫn các HTX, hộ sản xuất kinh doanh hoàn thiện hồ sơ, thủ tục tham gia chương trình OCOP với 7 sản phẩm mới tham gia lần đầu đều đạt 3 sao. Đồng thời, tích cực triển khai chính sách vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác thông qua Ngân hàng CSXH, tổng dư nợ đạt trên 33,5 tỷ đồng, với 506 hộ vay để phát triển sản xuất. Đến hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 107,3 triệu đồng, tăng 141,7% so với năm 2023. Dự kiến năm 2025 ước đạt 120 triệu đồng/người.
Đi đôi với đó, thành phố cũng dành nhiều nguồn lực đầu tư cho hệ thống an sinh xã hội trên địa bàn các xã. Đến nay, thành phố đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở mức độ 3; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (mức cao nhất) với tỷ lệ người biết chữ đạt 99,77%. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT khu vực 12 xã là 43.982/44.477 người (đạt 98,89%); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi là 3,85%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực 12 xã đạt khoảng 90%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 65,6%...
Ông Nguyễn Thanh Ân, Trưởng Phòng Nông nghiệp - Môi trường thành phố, cho biết: Năm 2024, mục tiêu 3 xã Dân Chủ, Bằng Cả, Sơn Dương đạt NTM kiểu mẫu, xã Vũ Oai đạt chuẩn NTM nâng cao đã cơ bản hoàn thiện. Các xã đã lập hồ sơ đề nghị thành phố thẩm tra, tỉnh thẩm định xét công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Năm 2025, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu 2 xã Tân Dân, Hòa Bình đạt chuẩn NTM nâng cao; nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí xã đạt chuẩn NTM đối với 3 xã Đồng Sơn, Đồng Lâm, Kỳ Thượng và 4 xã NTM nâng cao là Lê Lợi, Thống Nhất, Quảng La, Vũ Oai. Đến hết năm 2025, toàn thành phố có thêm 2 thôn đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng tổng số thôn đạt chuẩn NTM nâng cao trên địa bàn lên 63/72 thôn.
Ý kiến ()