20
18
/
971299
Bài 3: Từ tam nông đến thương hiệu OCOP
longform
Bài 3: Từ tam nông đến thương hiệu OCOP

 

Năm 2019 là năm thứ 11 Quảng Ninh cùng cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa X, ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong quá trình đó, tỉnh triển khai nhiều mô hình tiên phong với cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc thù địa phương. Qua đó, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020” để triển khai trên phạm vi cả nước. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng trong triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Việt Nam. Đây cũng là sự ghi nhận những nỗ lực của Quảng Ninh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW khóa X bởi chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP)” là chương trình kinh tế nông nghiệp mang dấu ấn sáng tạo của Quảng Ninh.

Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá: Chương trình OCOP Quảng Ninh đã khẳng định hướng đi đúng đắn, sâu sắc, bài bản của tỉnh trong việc phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm, phát huy những thế mạnh địa phương. Và đây chính là lý do để Bộ tham mưu, đề xuất, báo cáo Chính phủ xây dựng kế hoạch, chính sách thực hiện chương trình, nhân rộng cả nước.

Trong những năm 2012, 2013, khi khái niệm OCOP còn chưa xuất hiện ở Việt Nam, Quảng Ninh đã cử cán bộ đi nghiên cứu, học tập các chuyên đề quốc tế về phong trào OTOP, OVOP tại các nước: Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Song song với đó, tỉnh cũng rà soát, đánh giá lại hiệu quả của các chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, các mô hình đã triển khai trên địa bàn. Sau khi có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, tỉnh quyết định triển khai thực nghiệm chương trình OCOP giai đoạn 2013-2016 theo hướng vừa làm, vừa rút kinh nghiệm với mục tiêu: Phát triển các tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm có lợi thế địa phương; thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất”; tăng thu nhập cho nhân dân.

Tỉnh cũng xác định thực hiện chương trình OCOP theo 3 nguyên tắc cơ bản đó là: Hành động địa phương, hướng đến toàn cầu; tự lực, tự tin và sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực. Chương trình cũng xác định 2 đối tượng quan trọng là sản phẩm và tổ chức kinh tế (tập trung vào HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ). Đặc biệt, các chủ thể sản xuất phải chủ động về ý tưởng sản phẩm, thị trường, sản xuất, chế biến, tiêu thụ; nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, xúc tiến thương mại. Qua đó, làm thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, hướng đến vùng sản xuất tập trung, phát huy sức sáng tạo của cộng đồng dân cư trong phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời, từng bước hoàn thiện nâng chất sản phẩm, khơi dậy tiềm năng lợi thế từ các sản vật truyền thống, văn hóa sẵn có của địa phương…

Chủ trương của tỉnh đã nhanh chóng được các địa phương tiếp nhận và triển khai sâu rộng đến người dân, trở thành điểm nhấn quan trọng để nâng cao chất và lượng của chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Trong giai đoạn 2013-2016, từ tỉnh đến các địa phương đã chủ động thành lập Ban Điều hành OCOP, triển khai các dự án phát triển sản xuất, tổ chức hội thi đánh giá và phân hạng sản phẩm... Tham gia chương trình, các sản phẩm đã được nâng tầm giá trị, ngày càng nâng cao về chất lượng, hoàn thiện về mẫu mã, chuẩn hóa về bao bì đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh, mở rộng thị trường. Hàng loạt những sản phẩm truyền thống, đặc sắc tại các cộng đồng trong tỉnh được nâng cấp, phát triển chuỗi giá trị theo hướng thương mại hoá như: Miến dong Bình Liêu, chả mực Hạ Long, gà Tiên Yên, vải chín sớm Phương Nam, mật ong Ba Chẽ… Tỉnh cũng tổ chức hội chợ OCOP; tổ chức tuần kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, quảng bá trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia quảng bá sản phẩm tại hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước...

Đến nay toàn tỉnh có 167 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất và 421 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 196 sản phẩm đạt sao (8 sản phẩm 5 sao, 62 sản phẩm 4 sao và 126 sản phẩm 3 sao); thực hiện dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho trên 90% các sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh có 32 trung tâm và điểm bán hàng OCOP. Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tăng cường hỗ trợ các sản phẩm được xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP bước đầu đã tiếp cận được thị trường, các sản phẩm này đều đạt chuẩn tiêu chí về VSATTP, kiểu dáng, nhãn mác, bao bì, nguồn gốc xuất xứ và được công bố hợp quy hoặc quy định phù hợp.

Hiện nay, nhiều sản phẩm như: Nước mắm Cái Rồng, miến dong Bình Liêu, chả mực Hạ Long... đã dần khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường thông qua việc tiêu thụ ổn định tại hệ thống siêu thị BigC, chuỗi cửa hàng tiện ích, cửa hàng nông sản sạch, nhà hàng, khách sạn...

Khi bắt đầu triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW khóa X (Nghị quyết tam nông), thực trạng nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Quảng Ninh vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Cụ thể là tiến trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn còn chậm; nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, đô thị hóa nông thôn còn tự phát. Sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, manh mún, sản phẩm chế biến thấp, chưa có thương hiệu. Đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn còn ở mức thấp, khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn còn lớn. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn mới đạt 10,98 triệu đồng/người/năm.

Chính vì thế, Nghị quyết tam nông ra đời đã mang đến quyết tâm mới, động lực mới cho Quảng Ninh. Tỉnh xác định giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Với quyết tâm đưa Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, Quảng Ninh triển khai đồng bộ ở 125 xã thuộc 13 địa phương của tỉnh; trong đó có 53 xã khó khăn và đặc biệt khó khăn. Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết, HĐND tỉnh đã ban hành 24 nghị quyết về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng phê duyệt 14 quy hoạch và chương trình, 14 kế hoạch, đề án cùng nhiều dự án phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn... Trung bình mỗi năm tỉnh dành gần 2.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cho thực hiện Nghị quyết "tam nông", trong đó, năm 2016 tỉnh đã dành riêng cho vùng 135 là 100 tỷ đồng, năm 2017 là 200 tỷ đồng và năm 2018 là 350 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh cũng dành 4-5% tổng chi ngân sách thường xuyên cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao KHCN, đặc biệt là khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 01-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Khóa XIII. Trên cơ sở đó, chương trình được  triển khai đồng bộ ở 125/125 xã, 13/14 đơn vị cấp huyện (trừ TP Hạ Long). Qua đó, nâng cao nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong phát triển kinh tế, xã hội; tạo được phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới sâu rộng; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; khắc phục những hạn chế, yếu kém của nông nghiệp, nông dân và nông thôn… Sau 10 năm triển khai thực hiện, nhiều mục tiêu quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được Quảng Ninh triển khai và có kết quả. Một số chỉ tiêu đạt được cao hơn so với toàn quốc, như: Xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 81,1% (cả nước là 50,26%); số tiêu chí bình quân đạt 18,03 tiêu chí so với 15,26 tiêu chí của cả nước (cao hơn gần 3 tiêu chí); tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Quảng Ninh 1% (cả nước là 4,5%). Nhận thức của đa số cán bộ và nhân dân chuyển từ tư tưởng trông chờ ỷ lại đến chủ động tích cực tham gia, các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2018 đã có 100 hộ dân ở Quảng Ninh viết đơn xin ra khỏi danh sách nghèo.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW khóa X, bộ mặt nông thôn Quảng Ninh thay đổi rõ nét. Đời sống nhân dân được cải thiện; văn hóa xã hội và môi trường khu vực nông thôn có nhiều tiến bộ; dân chủ được mở rộng; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: “Bằng nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, đi đầu, Quảng Ninh đã ghi dấu ấn khi có đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên ở miền Bắc, có huyện đảo đầu tiên về đích nông thôn mới và có xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên cả nước. Chương trình OCOP là thương hiệu riêng có của tỉnh được Trung ương chọn làm điểm để nhân rộng toàn quốc. Với Quảng Ninh, xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và là chiến lược lâu dài của tỉnh, hướng đến mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời làm nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh - quốc phòng”.

Lan Hương - Thùy Linh 

Trình bày: Tất Đạt

Bài 4: Kinh nghiệm quý từ Quảng Ninh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu