20
18
/
979654
Bài 2: Đúng mùa trái ngọt chín
longform
Bài 2: Đúng mùa trái ngọt chín

 

Sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long là chủ trương đã được nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ấp ủ và triển khai thực hiện từng bước. Từ việc sáp nhập một số xã giáp ranh của Hoành Bồ vào Hạ Long đến xây dựng các quy hoạch chiến lược phát triển đều xác định không gian mở rộng cho thành phố thủ phủ của tỉnh lên phía Bắc. Như quá trình trồng cây đến ngày quả chín, việc chính thức sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long thành TP Hạ Long mới trong thời điểm hiện nay là chuyện “đúng mùa trái ngọt chín”.

Tại sao chủ trương nhập địa giới hành chính của huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long lại luôn được các thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đặt ra trong rất nhiều năm qua? Ông Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hoành Bồ là căn cứ địa cách mạng của tỉnh Quảng Ninh, trước đây hầu hết cán bộ tỉnh Hồng Quảng tham gia hoạt động cách mạng đều được nhân dân các dân tộc Hoành Bồ che chở, giúp đỡ. Và trong sâu thẳm, thế hệ cán bộ lão thành chúng tôi luôn có tâm nguyện làm được điều gì đó để “đáp ơn” nhân dân các dân tộc huyện Hoành Bồ đã cưu mang, giúp cán bộ tỉnh Hồng Quảng hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao… nhưng chưa làm được nhiều.

Chúng ta đã từng bàn nhau và thực hiện sáp nhập một số xã của huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, những xã đó hiện nay đều rất phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của tỉnh. Nay tỉnh có Đề án sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long, đó là việc cần phải làm và nên làm vào giai đoạn này, thời điểm này. Bởi vì, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch phát triển của TP Hạ Long, quy hoạch tổng thể phát triển của tỉnh Quảng Ninh, muốn trở thành một cực tăng trưởng của đất nước thì tỉnh chúng ta phải phát triển đột phá, mạnh mẽ hơn nữa. Việc nhập địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long để tạo không gian phát triển rộng lớn hơn, giảm áp lực về không gian đô thị, giao thông, dân số, môi trường lên các khu vực ven Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long là chính xác. Đây cũng là điều kiện để Hạ Long được nâng tầm mà nhiều năm qua dù có nhiều tiềm năng lợi thế, nhưng thành phố vẫn xếp sau nhiều địa phương lớn trong cả nước về hạ tầng. Việc sáp nhập cũng sẽ giúp hạn chế việc mở rộng không gian đô thị ra biển, đồng thời giải quyết được cuộc tranh chấp gay gắt giữa bảo tồn và phát triển kỳ quan vịnh Hạ Long từ nhiều năm qua. Đặc biệt ý nghĩa hơn cả là việc sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long, tạo đà thúc đẩy cho đời sống kinh tế, vật chất và tinh thần nhân dân 2 địa phương ngày càng nâng cao và phát triển.

Trở lại câu chuyện tương đồng, liên thông về điều kiện tự nhiên, địa giới hành chính, văn hóa xã hội, lịch sử của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ thì năm 1958, xã Thành Công thuộc huyện Hoành Bồ sáp nhập về TX Hồng Gai; năm 1991, sáp nhập xã Thành Công vào phường Hà Khẩu; năm 2001, hai xã Việt Hưng và Đại Yên của huyện Hoành Bồ sáp nhập về TP Hạ Long thành phường Việt Hưng và phường Đại Yên. Khuynh hướng sáp nhập này không chỉ là yếu tố khách quan của thực tiễn về mặt địa giới hành chính giữa xã với xã, huyện với huyện, mà đối với các đơn vị quản lý về mặt chuyên ngành nhà nước trên địa bàn 2 địa phương này cũng đã thực hiện việc lập địa hạt vùng như ngành Thuế lập thành Chi cục thuế Hạ Long-Hoành Bồ…

“Thừa thắng xông lên”, kinh nghiệm từ việc thực hiện sắp xếp, đổi mới hệ thống chính trị theo Nghị quyết 18, Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII, Quảng Ninh quyết tâm thực hiện sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính của huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long dù không nằm trong lộ trình phải sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2019. Mục tiêu Quảng Ninh đặt ra trước ngày 31/12/2019 thực hiện xong các quy trình sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long.

5 năm trở lại đây, Hạ Long vươn mình lớn mạnh như Thánh Gióng của thế kỷ 21, tốc độ đô thị hóa mạnh, bộ mặt đô thị, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ thay đổi nhanh chóng trong sự đồng bộ, hiện đại. Điểm đến Hạ Long không chỉ là du lịch tham quan vịnh Hạ Long mà còn là thành phố được du khách lựa chọn đến hàng tuần vì quá nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn từ hệ thống hạ tầng dịch vụ du lịch hiện đại, đẳng cấp, từ giao thông thuận tiện, nhanh chóng, an toàn. Cùng nằm bên dòng Cửa Lục, bên này Hạ Long đang phát triển đến đẳng cấp là chuỗi đô thị văn minh có hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đến từng ngõ phố, có nguồn thu lớn từ hoạt động dịch vụ, du lịch, từ sự “bội thực” các dự án đầu tư vào địa bàn còn bên kia dòng Cửa Lục thì sao? Đó là huyện Hoành Bồ- một huyện miền núi với tài nguyên về đất đai, cảnh quan tự nhiên, giá trị văn hóa đầy tiềm năng. Đặc biệt trong đó Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn-Kỳ Thượng của Hoành Bồ nếu được đầu tư khai thác chắc chắn sẽ chẳng kém gì Tam Đảo hay Bà Nà. Giá trị của Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng không chỉ là nguồn tài nguyên vốn quý nhất của nhân loại là rừng, là các loài động vật quý hiếm mà còn là tài nguyên mới cho ngành du lịch của tỉnh Quảng Ninh. Nhiều chuyên gia khi tiếp cận với Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng đã thốt lên “lâm viên Quảng Ninh”, di sản thứ 2 sau Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Tài nguyên là vô giá, giá trị hữu hình, vô hình chưa được khai thác còn rất lớn nhưng Hoành Bồ vẫn là huyện miền núi nghèo, chênh lệch mức sống của cư dân đôi bờ dòng Cửa Lục rất lớn, sự bất cập trong quản lý liên ngành, đa ngành, trong chiến lược phát triển giữa 2 địa bàn có sự liên thông, tương đồng về tự nhiên, địa giới, văn hóa, lịch sử Hạ Long - Hoành Bồ đặt ra cho tỉnh Quảng Ninh bài toán đã đến lúc cần phải giải quyết và giải quyết một cách triệt để.

Đưa Hoành Bồ vào với Hạ Long, Quảng Ninh không chỉ xóa khoảng cách phát triển, đảm bảo sự công bằng thụ hưởng cho người dân trong tỉnh, mà tham vọng lớn hơn đó là xây dựng một đô thị thủ phủ hạt nhân đủ tầm sức mạnh toàn diện trên các lĩnh vực, đầu tàu đủ khỏe để lôi kéo sự phát triển của tỉnh trong hành trình tiến tới là thành phố trực thuộc trung ương trước năm 2030. Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong giải trình trước Ủy ban pháp luật của Quốc hội khi thẩm tra đề án, tờ trình của Quảng Ninh về sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính của huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long khẳng định: Có Hoành Bồ nghĩa là Hạ Long đã có không gian phát triển rộng lớn trong thể thống nhất của một đơn vị hành chính, có sức mạnh liên kết vùng và liên vùng, có cơ hội thực hiện quản lý theo mô hình hệ thống - mô hình quản lý tiên tiến nhất hiện nay. Khát vọng này Quảng Ninh thực hiện không chỉ cho nhân dân Quảng Ninh mà mong muốn Quảng Ninh phát triển sẽ tạo tác động kích thích, lôi kéo các địa phương trong khu vực Đông Bắc cùng phát triển, góp phần trong xây dựng vị thế, chiến lược quốc gia trong thế đối trọng phát triển với quốc tế.

Thận trọng, bài bản, đảm bảo đúng trình tự, quy trình theo quy định, Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu sáp nhập xong trước ngày 31/12/2019, đó là thời điểm đã được tính toán rất kỹ lưỡng để việc sắp xếp tổ chức, bộ máy, nhân sự trước Đại hội Đảng bộ các cấp chắc chắn, khoa học. Cũng là chuẩn bị cho xây dựng kế hoạch 5 năm 2020-2025 và chiến lược phát triển 10 năm của TP Hạ Long, của tỉnh Quảng Ninh. Mấy chục năm ấp ủ, từng bước thực hiện các bước sáp nhập để đến hôm nay hoàn thành tâm nguyện bao thế hệ về mở rộng không gian phát triển cho TP Hạ Long, thúc đẩy, nâng cao đời sống cho người dân vùng căn cứ kháng chiến của Đặc khu Hòn Gai những năm tháng chiến tranh, xây nền tảng vững chắc, bệ phóng cho khát vọng một Hạ Long mới, Quảng Ninh mới. Hạ Long sẽ là đô thị có diện tích tự nhiên lớn nhất, có cơ cấu kinh tế đa dạng, có điểm tựa phát triển bền vững từ rừng vàng, biển bạc!

Ngọc Lan

Trình bày: Tất Đạt

Bài 3: “Đầu tàu” vùng Đông Bắc

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu