20
18
/
971195
Bài 2: Ba đột phá chiến lược khơi thông đột phá cho vùng Đông Bắc
longform
Bài 2: Ba đột phá chiến lược khơi thông đột phá cho vùng Đông Bắc

Tròn 1 năm tuyến đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng hoàn thành, nối tam giác phát triển kinh tế của khu vực phía Bắc: Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, sự thuận tiện về giao thông đã đem lại cú huých phát triển cho cả 3 địa bàn trọng điểm này. Đặc biệt với tỉnh Quảng Ninh, được cho phép huy động các nguồn vốn hợp pháp để triển khai các dự án hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đã cho vùng đất địa đầu Đông Bắc một diện mạo hoàn toàn mới, khơi thông những tiềm năng phát triển của địa bàn chiến lược quốc gia.

Tháng 9/2018, tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng nối cao tốc Hải Phòng – Hải Nội hoàn thành; tháng 12/2018 tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn hoàn thành nối vịnh Hạ Long với các thị trường du lịch trọng điểm quốc tế, cùng với đó khởi công tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đã mang lại niềm vui, sự tự hào cho người dân Quảng Ninh. Những nghị quyết đặt nền móng cho thành công này như Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/12/2011 Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, XIV về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ được nhân dân phấn khởi đặt tên là “Nghị quyết làm đường”. Bởi với hơn 200 km đường cao tốc để nối từ cửa khẩu quốc tế Móng Cái vào con đường đến trung tâm kinh tế lớn của đất nước là thủ đô Hà Nội được hoàn thành trong thời gian hơn 5 năm đã thỏa ước mơ rất lâu của người dân miền Đông Bắc. Các tuyến đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long – Vân Đồn, Vân Đồn- Móng Cái và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn hoàn thành chính là cơ hội bùng nổ phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc.

Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong tổng số vốn đầu tư xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh trên 36.000 tỷ đồng thì nguồn vốn đầu tư từ xã hội chiếm 3/4, vốn ngân sách tỉnh ưu tiên chủ yếu thực hiện nhiệm vụ GPMB. Với quyết tâm chính trị và tư duy đổi mới, đột phá của hệ thống chính trị, Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ tin tưởng giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đầu tư, quản lý đường cao tốc và cảng hàng không theo hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP). Sau nhiều nỗ lực cải cách hành chính và kêu gọi đầu tư, cùng nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh, tỉnh đã hoàn thành chuỗi các công trình giao thông mang tính động lực trong kết nối vùng và quốc tế. Cùng với hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tỉnh cũng ưu tiên có cơ chế ưu đãi để thu hút, huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng xã hội, nông nghiệp, nhất là đầu tư hạ tầng trường học, lưới điện nông thôn, miền núi, hải đảo. Tỉnh đã linh hoạt dành nguồn ngân sách bù chênh lệch lãi suất của ngân hàng để Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đầu tư kết cấu hạ tầng điện lưới quốc gia đến vùng sâu, vùng xa, hải đảo của tỉnh. Với những nỗ lực đó, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia toàn tỉnh đạt gần 100%.

Từ thực tế phát triển của các địa phương trong 1 năm qua cho thấy không chỉ Quảng Ninh sôi động về các dự án đầu tư mà tính lan tỏa đã đến các tỉnh trong vùng, sự ngại ngần của các nhà đầu tư tầm cỡ thế giới, trong nước về hạ tầng giao thông, dịch vụ kết nối liên vùng đã được cởi bỏ hoàn toàn. Các địa phương đều có thêm điều kiện hỗ trợ để triển khai thực hiện chiến lược phát triển theo quy hoạch, sẵn sàng là những nơi có môi trường đầu tư hấp dẫn, cạnh tranh, điểm đến đầu tư sinh lời hiệu quả, từ đây góp phần làm tăng thế và lực mới của đất nước. Những chủ trương của Đảng từ các nghị quyết về thực hiện 3 đột phá chiến lược, phát triển hạ tầng đồng bộ khi bắt vào thực tiễn sinh động của mỗi địa phương đã chuyển hóa thành những chủ trương của ý Đảng, lòng dân, được triển khai nhanh chóng, hiệu quả, tăng sức mạnh niềm tin của nhân dân với Đảng.

Cùng với khơi thông nguồn lực để thực hiện đột phá vào hạ tầng, chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính của Đảng tại Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 1/8/2007 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X; Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng; Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, tỉnh Quảng Ninh đã có những cách làm sáng tạo để chuyển hóa những chủ trương của Đảng vào thực tiễn vận hành hoạt động của bộ máy một cách hiệu quả. Đó là, bám sát 6 nội dung chương trình cải cách hành chính, tỉnh đã quyết tâm triển khai xây dựng chính quyền điện tử, hình thành trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, kết nối một cửa điện tử hiện đại cấp xã. Đầu tư hệ thống truyền hình trực tuyến kết nối từ Trung ương đến tỉnh, huyện và cấp xã, góp phần phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ Trung ương đến địa phương và thuận tiện trong nghiên cứu, truyền đạt các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh xuống cơ sở một cách nhanh nhất...

Được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thực hiện thí điểm đầu tiên, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh là nơi giải quyết thủ tục hành chính tập trung có quy mô lớn nhất cả nước, với trên 1.500 thủ tục hành chính cấp tỉnh và liên thông với bộ, ngành Trung ương được tiếp nhận và giải quyết tại đây. Trong đó có 1.071 thủ tục hành chính cấp tỉnh đủ điều kiện thực hiện nguyên tắc 5 tại chỗ là: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả ngay tại Trung tâm. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh được cắt giảm 50% thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết, trả kết quả đúng hạn và trước hạn đạt 99,9%. Đặc biệt, Trung tâm không chỉ là đầu mối giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính cấp tỉnh mà còn tập trung giải quyết các thủ tục hành chính của các cơ quan ngành dọc như: Công an, điện, nước…

Tiếp tục tạo những đột phá trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, từ đầu năm 2019, tỉnh Quảng Ninh đã vào thực hiện con dấu thứ 2 tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và các địa phương. Đây là con dấu sử dụng trên các văn bản liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính (gồm các văn bản thông báo, văn bản xin lỗi công dân, giải trình...) và văn bản phê duyệt kết quả giải quyết. Trong đó, tất cả thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý của các sở, ngành đã được công bố thực hiện tại Trung tâm và chỉ do cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại đây sử dụng. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cũng là đơn vị trực tiếp quản lý việc sử dụng con dấu thứ 2 này.

Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết: Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao cải cách hành chính của tỉnh Quảng Ninh. Sự công khai, minh bạch, đơn giản, thuận tiện, rõ ràng trong giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã tạo sự chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, cá nhân, phát huy quyền làm chủ của người dân, là sự hỗ trợ, hợp tác giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa các cơ quan nhà nước với tổ chức, công dân…

Với cách làm rất đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, tỉnh Quảng Ninh khẳng định là một trong những địa phương thực hiện tốt nhất việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Từ triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược, thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18, 19 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng và Đề án 25... Từ đó chứng minh năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng không ngừng nâng lên, đội ngũ CBCC có sự chuyển biến mạnh mẽ về phong cách làm việc, năng lực, trình độ và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao với ý thức phục vụ người dân, doanh nghiệp... Với tốc độ tăng trưởng của tỉnh trong 5 năm qua luôn đạt ở mức cao, nhất là trong 3 năm trở lại đây tỉnh Quảng Ninh luôn đứng trong top các địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP trên 11%, thu ngân sách trên 40.500 tỷ đồng đứng thứ 5 toàn quốc, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2 năm liền đứng đầu bảng xếp hạng cả nước… chứng minh sự “hóa thân” các nghị quyết của Đảng vào thực tiễn ở tỉnh Quảng Ninh.

Lan Hương – Thùy Linh

Trình bày: Tất Đạt


Bài 3: Từ tam nông đến thương hiệu OCOP

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu