20
18
/
877899
8X Đầm Hà làm nông nghiệp công nghệ cao
longform
8X Đầm Hà làm nông nghiệp công nghệ cao

Không chỉ được nhiều người biết đến là doanh nhân trẻ thành đạt, anh Nguyễn Hữu Nhượng (37 tuổi) còn sở hữu một trang trại quy mô hơn 5ha chuyên trồng rau sạch công nghệ cao đầu tiên của huyện Đầm Hà. Sau nhiều năm ấp ủ và tự mày mò làm thử mô hình nông nghiệp sạch, vị giám đốc “chân lấm, tay bùn” đã chứng minh được với mọi người câu nói “đất không phụ lòng người”...

Dù đã nghe nhiều người giới thiệu về mô hình rau sạch Quảng Tân, nhưng khi đặt chân đến trang trại và tận mắt chứng kiến những “kỹ sư nông dân” làm chủ công nghệ hiện đại trồng dưa lưới theo quy trình VietGAP, chúng tôi không khỏi bất ngờ về mô hình mà vị giám đốc trẻ tuổi Nguyễn Hữu Nhượng đã tâm huyết đầu tư cả tỷ đồng... Người mà chúng tôi đang nhắc đến được các công nhân ở đây gọi với cái tên giản dị “giám đốc nhà nông”. Với ý tưởng đầu tư táo bạo, anh Nhượng là một trong những người tiên phong đưa nông nghiệp sạch công nghệ cao về huyện Đầm Hà.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nhà nông chính gốc ở huyện Hải Hà, 18 tuổi, Nguyễn Hữu Nhượng thi đỗ vào Trường Đại học Nông nghiệp 1. Thế nhưng, ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học cũng là lúc Nguyễn Hữu Nhượng phải gác lại ước mơ nơi giảng đường vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không thể theo học được... Anh ở lại địa phương làm cán bộ đoàn (từ năm 2001-2003).

Năm 2004, anh Nhượng quyết định học nghề cơ khí rồi về huyện Đầm Hà mở xưởng riêng để lập nghiệp. 6 năm sau (năm 2010) xưởng cơ khí của anh đã lớn mạnh, ăn nên làm ra, tạo được uy tín với khách hàng. Lúc đó anh Nhượng đứng ra thành lập Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà (chuyên gia công thiết bị cơ khí, chế tạo cửa, nhôm kính...).

Năm 2017, từ dự án xúc tiến kêu gọi đầu tư của huyện, anh Nhượng đã mạnh dạn đầu tư vốn thuê lại hơn 5ha đất nông nghiệp tại xã Quảng Tân để lên ý tưởng trồng rau thủy canh, dưa lưới các loại theo hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao. Khi nghe thuyết trình về dự án này, nhiều người đặt câu hỏi về sự rủi ro, khó thành công, bởi với địa phương như huyện Đầm Hà, việc đầu tư mô hình nông nghiệp sạch chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Không những thế, ý tưởng làm nông nghiệp không đụng hàng của anh Nhượng vào thời điểm đó vấp phải sự hoài nghi của nhiều người, bởi chính khu đất anh thuê lại từng có 1 HTX triển khai dự án trồng rau an toàn nhưng làm ăn không mấy hiệu quả, bỏ hoang nhiều năm. Bỏ ngoài tai những ý kiến trái chiều, anh Nhượng vẫn quyết tâm theo đuổi mô hình của mình.

Anh Nhượng tâm sự: “Lúc đó, tôi muốn tìm loại cây trồng khác biệt và phải đầu tư bài bản để tránh đi vào vết xe đổ của HTX trước đó. Lý do tôi chọn mô hình dưa lưới vào trồng thử nghiệm trước, bởi tôi thấy mô hình này còn khá mới lạ, chưa ai làm và mong muốn xây dựng một mô hình nông nghiệp sạch tại Đầm Hà để thay đổi tư duy và cách làm của bà con. Hơn nữa, tôi lại có một người bạn thân ở tỉnh Lâm Đồng từng đầu tư thành công mô hình này, tôi quan niệm dù đột phá hay mới lạ đều có một công thức chuẩn nên trước mắt hãy nghĩ đến việc làm như người ta. Vì vậy, tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình làm trước”.

Để biến khu đất bỏ hoang thành trang trại quy mô như bây giờ, anh Nhượng phải mất hơn 1 năm cải tạo lại ruộng đất và vận động các hộ dân bên cạnh dồn điền đổi thửa. Giữa năm 2018, hệ thống nhà màng đầu tiên rộng hơn 6.000m2 được lắp đặt xong, anh khẩn trương xuống giống trồng thử dưa chuột (Hà Lan), dưa lưới (Peru và Hà Lan). Cả 3 loại dưa này đều trồng theo công nghệ VietGAP.

Mỗi sự lựa chọn đều có một hướng đi khác nhau nhưng ý định làm mô hình nông nghiệp sạch luôn thôi thúc anh Nhượng từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Trước khi trở thành ông chủ trang trại, ít ai ngờ rằng, quá trình khởi nghiệp của anh Nhượng đã trải qua nhiều công việc khác nhau. Với anh Nhượng, chính những năm tháng gắn bó với nghề cơ khí lại hỗ trợ anh rất nhiều vào mô hình này. Toàn bộ hệ thống lắp đặt nhà màng đều do anh và công nhân trong xưởng tự tay làm. “Bạn bè nói tôi đã thoát ly khỏi cảnh làm nông nghiệp sao vẫn cố quay lại gắn bó với nó. Tôi nghĩ, vì quá đam mê nên cái duyên gắn bó với mô hình này chắc sẽ theo đuổi tôi đến suốt đời” - anh Nhượng tâm sự.


Anh Nhượng cho biết, cả 3 loại dưa công ty đang trồng là giống cây mới, kén đất, để thuần hóa được chúng thích nghi với thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu tại địa phương thì mọi quy trình trồng và chăm sóc phải tuân thủ nguyên tắc rất nghiêm ngặt.
 

Về kỹ thuật, sau khi xuống giống, cây dưa lưới được xếp thành hàng và treo dây cố định. Tại mỗi dàn đều được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động cung cấp nước và chất dinh dưỡng cho cây. Cây ra hoa sẽ tiến hành thụ phấn thủ công. Mỗi cây chỉ để lại 1 trái, tỉa hết cành nách tạo sự thông thoáng và hạn chế tiêu hao dinh dưỡng. Khi trái có đường kính 3-4cm (khoảng 40 ngày sau trồng) thì hãm ngọn để tập trung dinh dưỡng nuôi trái. Dưa lưới từ khi trồng đến thu hoạch mất 65-70 ngày, mỗi năm có thể trồng 3 vụ. Dưa lưới giống Peru và Hà Lan cho thu hoạch đạt khoảng 1,3kg/trái. Đối với dưa chuột Hà Lan thời gian trồng đến lúc thu hoạch mất 45 ngày.

Hơn 2 tháng kỳ công chăm sóc từng luống dưa, cuối cùng trời cũng không phụ lòng người, vườn dưa trong nhà màng sinh trưởng ra hoa rồi kết trái theo đúng ý nguyện của anh Nhượng, tỷ lệ đậu quả đạt trên 95%. Vụ dưa lưới giống Peru và Hà Lan đầu tiên với diện tích trồng 5.500m2 cho thu hoạch đạt sản lượng hơn 11 tấn. Dưa thu hoạch đến đâu, thương lái vào tận vườn mua cất đến đó. Với giá bán bình quân 60.000-80.000 đồng/cân, trừ mọi chi phí sản xuất, vụ dưa đầu tiên anh Nhượng lãi hơn 200 triệu đồng.

“Nếu lúc đó thấy khó khăn mà không dám thử thì không biết ý tưởng của mình khi nào mới thành hiện thực được. Không ngờ vụ đầu tiên trồng thử nghiệm dưa lưới mọi thứ lại suôn sẻ như vậy. Đến nay, toàn bộ quy trình trồng và chăm sóc đều được công nhân giám sát chặt chẽ, ghi đầy đủ hồ sơ ngày tháng trồng, ngày tưới, tình hình sâu bệnh... Hiện nay, thương hiệu rau sạch Quảng Tân đã đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm VietGAP. Để đáp ứng nhu cầu cung cấp rau sạch cho thị trường, chúng tôi đang lắp đặt thêm 4.000m2 diện tích nhà màng. Dự kiến đến cuối năm 2019, tổng diện tích nhà màng sẽ đạt 17.500m2; dưa có thể trồng quanh năm gối vụ đạt sản lượng 100 tấn/năm. Sắp tới chúng tôi sẽ trồng xen canh thêm một số loại rau thủy canh như xà lách, cải xanh, rau muống và cây sung Mỹ” - anh Nhượng khẳng định.

Không dừng lại ở việc trồng rau rồi thu hoạch và cung cấp ra thị trường, anh Nhượng muốn phát triển mô hình rau sạch Quảng Tân theo hướng đón khách đến tận vườn, trực tiếp trồng, chăm sóc, thu hái sản phẩm. Mục tiêu của ý tưởng này là để du khách có thể khám phá những trải nghiệm thú vị về quy trình trồng và chăm sóc các loại dưa lưới, rau thủy canh. Dự kiến đầu năm 2020, ý tưởng mở tour du lịch thăm nhà vườn sẽ bắt đầu triển khai.

Trao đổi với chúng tôi về mô hình nông nghiệp sạch tại địa phương, ông Trần Việt Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà cho biết: Năm 2010, huyện bắt đầu triển khai dự án rau an toàn tại thôn Tân Thanh, xã Quảng Tân do HTX Dịch vụ nông nghiệp Quảng Tân làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai dự án rau an toàn không mấy hiệu quả do công nghệ sản xuất không đáp ứng yêu cầu. Rất may huyện đã kêu gọi được Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà đầu tư vào lĩnh vực trồng rau sạch công nghệ cao. Đây là đơn vị rất tâm huyết và đầu tư bài bản cho mô hình này. Điểm nhấn của mô hình rau sạch Quảng Tân là doanh nghiệp đã liên kết, thuê lại đất của các hộ dân, sau đó nông dân trở thành những công nhân lao động thuê trên chính thửa ruộng của mình với mức thu nhập ổn định (khoảng 5 triệu đồng/người/tháng). Hơn 11 tấn dưa lưới vụ đầu tiên được tiêu thụ nhanh chóng, thương lái đánh giá chất lượng, mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu. Thành công của mô hình này mở hướng đi mới cho ngành nông nghiệp huyện Đầm Hà. Dự kiến sắp tới, huyện sẽ vận động một số hộ dân và doanh nghiệp nhân rộng khoảng 10ha diện tích nhà màng trồng dưa lưới các loại.

Bài, ảnh: Phạm Tăng

Trình bày: Hùng Sơn
 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu