20
18
/
1100453
Y tế Quảng Ninh: Tận tâm vì sức khỏe nhân dân
longform
Y tế Quảng Ninh: Tận tâm vì sức khỏe nhân dân

Cover

Thời gian qua, ngành Y tế Quảng Ninh đã có những bước phát triển vững chắc từ điều trị đến dự phòng, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân toàn tỉnh. Nhất là trong “cuộc chiến” chống Covid-19, những “chiến sĩ áo trắng” của Quảng Ninh luôn tiên phong, tận tụy, không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng xông pha trên mọi mặt trận phòng, chống dịch.

Ảnh trong văn bản

Trong giai đoạn “Zero Covid”, dù Quảng Ninh có ít ca bệnh, nhưng công tác triển khai rất quyết liệt, đòi hỏi toàn ngành Y tế phải huy động lực lượng để tìm ra F0 và bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Sau khi chuyển sang giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, đây cũng là giai đoạn rất khó khăn, số lượng F0 liên tục tăng nhanh, ngành Y tế phải huy động toàn hệ thống tham gia công tác điều trị và quản lý F0. Công tác điều trị F0 được ngành Y tế triển khai hiệu quả theo phân tầng điều trị 3 tầng. Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 thể vừa, thể nặng, người bệnh có nguy cơ cao và nguy kịch ở tầng 2 và 3; còn tầng 1, trạm Y tế (TYT) tuyến xã, TYT lưu động theo dõi, điều trị F0 thể nhẹ, không triệu chứng tại nhà.

Những ngày này, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ TYT tuyến xã, TYT lưu động đã không quản vất vả, khó khăn, lập tức lên đường khi người dân cần. Họ là tuyến đầu, tuyến y tế gần dân nhất trong công tác phòng, chống dịch, đến nay, lại là tuyến cuối, khi triển khai thêm nhiệm vụ quản lý, điều trị F0 tại gia đình.

Ảnh với chú thích
Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh chăm sóc bệnh nhân Covid-19 như người nhà, các y, bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh còn tham gia hiến máu góp phần bù đắp lượng máu thiếu hụt.

Từ tháng 1/2022, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả) tăng mạnh. Lúc này, TYT lưu động của phường đặt tại nhà văn hóa khu 7B được thành lập và đi vào hoạt động để hỗ trợ theo dõi sức khỏe, điều trị cho các F0 tại nhà trên địa bàn phường. Thành viên của trạm gồm 5 người là bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả, cán bộ phường, các y, bác sĩ tình nguyện.

Sau khi khám phân loại, các thành viên của TYT lưu động sẽ phát túi thuốc điều trị Covid-19 hỗ trợ F0 cách ly tại nhà và hướng dẫn cách sử dụng, chăm sóc sức khỏe, cũng như động viên tinh thần người bệnh. Trạm cũng lập nhóm zalo chung để các F0 có thể thường xuyên hỏi thông tin, cũng như hướng dẫn họ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ảnh với chú thích
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám bệnh, phát thuốc cho người dân xã Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ), tháng 10/2021.

Theo bác sĩ Phạm Thị Minh Tâm, Trạm trưởng TYT lưu động phường Quang Hanh, mô hình này sẽ chia sẻ áp lực với TYT phường trong tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp; đảm bảo F0 được chăm sóc chu đáo, kịp thời 24/7; rút ngắn khoảng cách về không gian, thời gian giữa người dân, bệnh nhân mắc Covid-19 với cán bộ y tế, cán bộ UBND phường.

Trạm trưởng TYT phường Hồng Hải (TP Hạ Long) Nguyễn Thị Quỳnh Thương cho biết: Từ đầu tháng 12/2021 khi được giao thêm nhiệm vụ theo dõi, điều trị cho F0 tại nhà, công việc của 7 cán bộ, nhân viên y tế TYT càng thêm vất vả. Trước đó, chúng tôi thực hiện từ tiếp nhận khai báo y tế, truy vết, lấy mẫu, quản lý F1 tại địa phương… cho đến hướng dẫn, tư vấn, giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến dịch bệnh và cả xây dựng kế hoạch, tham gia tiêm chủng.

Ảnh với chú thích
Nhân viên Trạm Y tế phường Hồng Hải (TP Hạ Long) hỏi thăm tình hình và tư vấn chăm sóc sức khỏe F0 đang điều trị tại nhà.

Đặc biệt, trong các đợt tiêm vắc xin phòng Covid, cán bộ y tế cơ sở cũng là lực lượng chính, từ xây dựng kế hoạch, vận động nhân dân, trực tiếp tham gia tiêm chủng tại địa phương, cũng như hỗ trợ tiêm chủng. Hơn 3,1 triệu mũi tiêm trong toàn tỉnh được triển khai từ năm 2021 đến nay, có phần công sức không nhỏ của đội ngũ y tế cơ sở.

Trong hơn 2 năm qua, mặc dù nhân lực mỏng, nhưng nhiệm vụ của những y, bác sĩ tại các TYT tuyến xã lại vô cùng nặng nề. Họ không chỉ thực hiện phòng, chống dịch bệnh, mà vẫn duy trì tốt các nhiệm vụ quản lý, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Sự cống hiến lặng thầm của hàng nghìn nhân viên y tế tuyến cơ sở đã góp phần quan trọng đảm bảo chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt nhất.

Ảnh với chú thích
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 cho người dân TX Quảng Yên.

Với sự chủ động chuẩn bị tốt về mặt nhân lực, trang thiết bị y tế, ngành Y tế đã tham mưu cho tỉnh triển khai phân tầng điều trị từ rất sớm, nhất là triển khai khá tốt công tác quản lý, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Đây là điều kiện hết sức quan trọng để giảm áp lực cho ngành Y tế, tiếp tục kiểm soát, khống chế dịch bệnh.

Không chỉ ngành Y tế, người dân và các địa phương cũng rất ủng hộ vấn đề này. Anh Nguyễn Văn Hữu (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) cho biết: Sau khi mắc Covid-19, tôi đã khai báo cho TYT phường và được hướng dẫn điều trị tại nhà. Tôi đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin nên hầu như không có triệu chứng gì, việc điều trị tại nhà rất thoải mái. Ngoài ra, tôi cũng được cán bộ y tế phường thường xuyên hỏi thăm, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho bản thân và người thân.

Ảnh với chú thích
Y, bác sĩ Trạm Y tế phường Hồng Hải (TP Hạ Long) không chỉ thực hiện phòng, chống dịch, mà vẫn duy trì tốt các nhiệm vụ quản lý, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Chia sẻ với khối lượng công việc, cùng những áp lực mà đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, cũng như các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Diện cho biết: Dù khó khăn, nhưng mỗi cán bộ y tế cần tiếp tục cố gắng, nỗ lực để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh. Các đơn vị cần sẵn sàng phương án đáp ứng với cấp độ dịch cao hơn, chuẩn bị kịch bản cho trường hợp xảy ra 10.000 ca mắc/ngày tại Quảng Ninh.

Ảnh trong văn bản

Hơn 2 năm qua khi dịch Covid-19 bùng phát, từ nhân viên y tế thôn bản cho đến nhân viên y tế tuyến xã, tuyến huyện và tuyến tỉnh, tất cả toàn tâm, toàn ý cố gắng trong công tác phòng, chống dịch, nhất là điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 và vẫn đảm bảo khám chữa bệnh thông thường cho người dân.

Công tác phát triển chuyên môn kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ luôn được các đơn vị y tế thường xuyên quan tâm. Các bệnh viện tuyến tỉnh, TTYT tuyến huyện đã tích cực nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng, phát triển nhiều kỹ thuật, giải pháp mới để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Đặc biệt đã có nhiều kỹ thuật, giải pháp được phê duyệt thực hiện trong các nhiệm vụ KHCN và tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật lĩnh vực y dược của tỉnh.

Ảnh với chú thích
Kíp mổ thực hiện phẫu thuật nội soi cắt khối chửa ngoài tử cung cho bệnh nhân F0 tại khu cách ly, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Năm 2021, các đơn vị trong toàn ngành Y tế đã triển khai tổng số 506 nhiệm vụ KHCN. Trong đó, có 47 nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật mới, giải pháp mới trong khám, chữa bệnh lần đầu tiên được thực hiện tại các bệnh viện, TTYT và có 18 kỹ thuật, giải pháp mới trong khám, chữa bệnh được gửi tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm; hết năm 2021 đạt 55 giường bệnh, 14,85 bác sỹ, 2,6 dược sĩ đại học và 23 điều dưỡng trên 1 vạn dân; tỷ lệ tham gia BHYT đạt trên 95% dân số, tăng 1,4% so với năm 2020; số người tham gia BHXH bắt buộc tăng 4% so với năm 2020.

Mới đây, nhiều người bệnh đã được hưởng lợi từ kỹ thuật mới mà Bệnh viện Đa khoa tỉnh mới áp dụng, đó là phần mềm trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ chẩn đoán, điều trị đột quỵ não cấp. Hiện Việt Nam là quốc gia thứ 3 ở Đông Nam Á sau Thái Lan và Indonesia ứng dụng trí tuệ nhân tạo này. Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong 2 bệnh viện đầu tiên ở miền Bắc tiên phong triển khai phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong cấp cứu đột quỵ.

“Phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID giúp bác sĩ định lượng chính xác phần vùng lõi nhồi máu và vùng tổn thương thiếu máu gây đột quỵ. Nhờ đó, các bác sỹ kịp thời can thiệp lấy huyết khối, tái thông mạch máu não cứu sống người bệnh. Phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID là ứng dụng đánh giá và phân tích hình ảnh tự động về tình trạng não của bệnh nhân đột quỵ, đã được FDA của Mỹ thông qua và đang được sử dụng tại nhiều bệnh viện lớn trên khắp thế giới. Việc ứng dụng phần mềm này giúp các bác sỹ chẩn đoán và điều trị đột quỵ não cấp hiệu quả hơn, tăng tỷ lệ cứu sống với những trường hợp đã qua 6h vàng hoặc không xác định được thời gian đột quỵ” - Bác sĩ Ngô Quang Chức, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), chia sẻ.

Ảnh với chú thích
Ca can thiệp tái thông mạch não cho bệnh nhân đột quỵ não tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Cũng từ việc làm chủ kỹ thuật khó, các y, bác sĩ đã kịp thời cấp cứu cho những bệnh nhân vừa mắc Covid-19 vừa mắc những bệnh lý khác. Tại phòng mổ cho F0 tại khu cách ly Covid-19, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật thần kinh - cột sống (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã kịp thời phẫu thuật cố định cột sống và giải phóng chèn ép tuỷ cho bệnh nhân mắc Covid-19. Hay trường hợp nữ bệnh nhân 28 tuổi dương tính Covid-19 nhập viện trong tình trạng vỡ khối chửa ngoài tử cung đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh kịp thời cấp cứu, phẫu thuật nội soi thành công, cắt khối chửa ngoài tử cung ngay trong khu cách ly.

Bác sĩ Nguyễn Huy Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Song song với công tác phòng, chống dịch, đơn vị tiếp tục quan tâm phát triển các kỹ thuật mới, chuyên sâu, nhất là lĩnh vực phẫu thuật tim hở, phẫu thuật thần kinh cột sống, can thiệp tim mạch… Cùng với đó, chúng tôi cũng là đơn vị y tế đầu tiên của tỉnh đưa vào hoạt động Phòng khám tư vấn, điều trị hậu Covid-19, nhằm thăm khám, tư vấn tình trạng sức khoẻ, hỗ trợ tốt nhất cho những người bệnh gặp các di chứng sau khi đã điều trị khỏi bệnh Covid-19.

Ảnh với chú thích
Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện số 2 (đặt tại Bệnh viện Phổi Quảng Ninh).

Mang theo tâm niệm tất cả vì sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, hàng nghìn y, bác sĩ của ngành Y tế Quảng Ninh tham gia chống dịch đã trải qua những tháng ngày khắc nghiệt, vất vả không thể nào quên. Đó là những ngày truy vết thần tốc, lấy mẫu, khoanh vùng xuyên ngày, trắng đêm để kiểm soát dịch, từng bước đạt được trạng thái bình thường mới. Sự kiên cường đó cùng với những nỗ lực của ngành Y tế càng khẳng định năng lực, vai trò nòng cốt trong kiểm soát dịch bệnh.

“Thời gian tới, ngành tiếp tục thực hiện mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là phát triển mạng lưới y tế dự phòng có đủ khả năng giám sát, phát hiện và khống chế các cấp độ của dịch bệnh, nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh tật gây ra, góp phần tăng tuổi thọ, bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; kiểm soát tốt dịch bệnh nhất là đại dịch Covid-19. Phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh và hệ thống cấp cứu, bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng ngay tại tuyến cơ sở, đặc biệt là tại khu vực biên giới, hải đảo. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu các đơn vị y tế từ tỉnh đến cơ sở; thực hiện chuyển đổi số ngành y tế; xây dựng ngành y tế theo hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế trong bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân” - Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Diện cho biết.

Thực hiện: Nguyễn Hoa

Kỹ thuật: Mạnh Hà

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu