
Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5) Bảo tồn đa dạng sinh học - Mục tiêu phát triển lâu dài
Xác định bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học là nhiệm vụ quan trọng mang tính chiến lược nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển lâu dài, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học các giai đoạn, hướng đến mục tiêu phát triển lâu dài, chủ động ứng phó trước biến đổi khí hậu.
Quảng Ninh có hơn 6.200km2 đất liền và trên 6.100km2 mặt biển, đường bờ biển dài 250km; 2 vịnh lớn là vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và 2.077 hòn đảo (chiếm hơn 2/3 số đảo trong cả nước)... Vùng biển Quảng Ninh là nơi sinh sống của nhiều loài có giá trị, tạo cơ hội cho phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Trên địa bàn tỉnh có Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và 3 khu bảo tồn thiên nhiên (Vườn quốc gia Bái Tử Long, Khu bảo tồn thiên nhiên rừng quốc gia Yên Tử và Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng). Quảng Ninh có đa dạng sinh học, trong số đó có nhiều loài đặc hữu, loài nguy cấp thuộc Sách đỏ Việt Nam.
UBND tỉnh đã quy hoạch, khoanh vùng các khu vực để bảo tồn nguồn gen đối với một số loài đang bị khai thác quá mức, nhiều loài đang dần bị cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng. Các sở, ngành cũng đang triển khai các nhiệm vụ, đề án phục vụ bảo tồn, phát triển các nguồn gen trên địa bàn. Đặc biệt, Vườn quốc gia Bái Tử Long, nhất là khu vực đảo Minh Châu đang bảo tồn quần thể rừng cây trâm mốc cổ thụ, gồm 272 cây tuổi thọ từ 150 năm trở lên, trên 2.000 cây dưới 150 năm. Trong đó, 150 cây cổ thụ đáp ứng đủ các tiêu chí đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Vườn còn có 3 cây trâm vỏ đỏ niên đại hơn 300 năm sống trên đảo núi đất, 3 cây trai lý cổ niên đại khoảng 500 năm tuổi sống trên đảo núi đá cũng đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam. BQL Vườn quốc gia Bái Tử Long cũng đã đề xuất hợp tác nghiên cứu đa dạng sinh học, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái biển khu vực ven biển tỉnh Quảng Ninh với Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, kế hoạch hợp tác giai đoạn 2024-2026.
Ngoài ra, tỉnh còn ban hành các văn bản rà soát, sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách quản lý các di sản đáp ứng yêu cầu quản lý hiện hành; nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt môi trường, đa dạng sinh học và các giá trị tài nguyên thiên nhiên của di sản; sắp xếp lại vùng nuôi biển theo hướng bền vững, có quy hoạch, sử dụng phao bằng vật liệu thân thiện với môi trường; bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn; phục hồi môi trường, nhất là sau khai thác khoáng sản, không để phát sinh tình trạng rửa trôi bề mặt gây ô nhiễm môi trường vùng ven bờ vịnh Hạ Long...
Đặc biệt, tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp, trong đó thực hiện nghiêm việc dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên. Trong quá trình thẩm định nghiên cứu lập quy hoạch các dự án, công trình, tỉnh chỉ đạo đánh giá kỹ dự án, điều chỉnh, loại bỏ diện tích có rừng tự nhiên ra khỏi khu vực dự án; không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác, trừ các dự án đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

Để bảo vệ chặt chẽ môi trường biển, bảo vệ đa dạng sinh học, các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh đã siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lĩnh vực thủy sản, nhất là đối với tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Trong đó, đã tăng cường rà soát, thống kê các đối tượng quản lý đảm bảo 5.556 tàu cá (100%) lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS) để giám sát 24/24h; thiết lập 10 điểm kiểm tra, kiểm soát tại các bến, cảng, khu neo đậu tránh trú bão về sản lượng khai thác; duy trì hoạt động của đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản 24/7. Riêng trong tháng 4/2025, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện và xử lý 44 trường hợp vi phạm, thu phạt nộp NSNN 508,25 triệu đồng.
Cùng với đó, công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, cá thể, động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được tỉnh chú trọng. Kỷ niệm 66 năm Ngày Truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam 1/4 (1959-2025) Sở NN&MT cùng các địa phương trong tỉnh đã tổ chức thả giống thủy sản nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản. Từ ngày 28/3 đến 1/4/2025, toàn tỉnh đã thả ra các vùng nước tự nhiên trên 6,4 triệu con giống các loại. Hằng năm, các ngành chức năng thường xuyên tổ chức tái thả để duy trì cá thể quý hiếm; đồng thời tổ chức các đợt tuần tra, giám sát, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, sinh thái rừng, rạn san hô...
Hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2025 (22/5) Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Harmony with nature and sustainable development” - “Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững”. Chủ đề của Ngày quốc tế đa dạng sinh học năm 2025 kèm theo nội dung tuyên truyền liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học, như: Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững; đa dạng sinh học là nền tảng của mọi sự sống trên trái đất; hợp tác liên chính phủ để ngăn chặn và đảo ngược mất đa dạng sinh học; đa dạng sinh học và hệ sinh thái là yếu tố quyết định để duy trì sự sống trên trái đất và phát triển bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học hướng đến một hành tinh khỏe mạnh, bền vững và thịnh vượng; đa dạng sinh học - Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên; cùng hành động, đầu tư và hợp tác vì thiên nhiên...
Ý kiến ()