
Người Việt tăng chi cho thực phẩm hữu cơ vì sức khỏe
Thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam đang phát triển mạnh, bất chấp giá cao, nhờ xu hướng tiêu dùng ưu tiên an toàn và chất lượng.
Thị trường thực phẩm hữu cơ sôi động bất chấp giá cao
Tại các hệ thống siêu thị ở Hà Nội BRG Mart, Big C, Xanh Sẫm hay L’s Place (chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp thực phẩm sạch cho người nước ngoài), khu vực bày bán thực phẩm hữu cơ luôn được bố trí nổi bật. Những kệ hàng có dán nhãn “organic”, “hữu cơ” hay có tem truy xuất nguồn gốc, thường được đặt ngay gần lối vào hoặc cạnh khu thực phẩm cao cấp. Sản phẩm phong phú từ rau củ, thịt cá cho đến trứng, sữa...
Giá cả luôn là yếu tố khiến người tiêu dùng cân nhắc. Rau cải hữu cơ tại siêu thị BRG Mart có giá 45.000 đồng/bó, cao gấp đôi rau thường. Một khay trứng gà hữu cơ tại L’s Place giá khoảng 78.000 đồng/6 quả, trong khi trứng thường chỉ hơn 30.000 đồng/10 quả. Hay bí xanh tại cửa hàng thực phẩm Xanh Sẫm có giá 75.000 đồng/trái, rau dền 62.000 đồng/kg, đắt gấp 2 đến 3 lần tại chợ truyền thống. Dù vậy, nhiều khách hàng vẫn sẵn sàng chi trả.

Chị Nguyễn Hoài Thu (Cầu Giấy, Hà Nội), chia sẻ: “Mình từng đắn đo khi thấy giá cao, nhưng sau một lần con bị dị ứng thực phẩm do ăn rau không rõ nguồn gốc, mình chuyển hẳn sang dùng thực phẩm hữu cơ. Dù tốn thêm vài trăm nghìn mỗi tháng, nhưng đổi lại cả nhà yên tâm”.
Khảo sát tại cửa hàng Xanh Sẫm (quận Đống Đa, Hà Nội) một trong những cửa hàng tiên phong phân phối thực phẩm hữu cơ tại Hà Nội cho thấy sức mua tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Chị Vân Anh, nhân viên cửa hàng cho biết: “Khách hàng không còn hỏi chúng tôi "sao đắt thế" mà chuyển sang hỏi "trồng ở đâu, có chứng nhận gì". Điều này cho thấy nhận thức về chất lượng đang thay đổi tích cực”.
Người tiêu dùng thay đổi tư duy, doanh nghiệp mạnh tay đầu tư
Thống kê từ Công ty nghiên cứu thị trường AC Nielsen cho thấy 24% người Việt sử dụng thực phẩm hữu cơ hàng ngày, 16% dùng 4-5 lần mỗi tuần. Gần 90% cho rằng thực phẩm hữu cơ đắt, nhưng phần lớn vẫn sẵn sàng chi thêm tiền để có sản phẩm an toàn, minh bạch nguồn gốc.
Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam ngày càng mở rộng, cùng với sự ảnh hưởng từ mạng xã hội, họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho sức khỏe. Thực phẩm hữu cơ vì thế ngày càng được săn đón, nhất là tại các đô thị lớn.

Không chỉ người tiêu dùng thay đổi, doanh nghiệp cũng mạnh tay đầu tư. Công ty cổ phần DannyGreen, đơn vị phát triển 7 nông trại dưa lưới hữu cơ đã mất gần 10 năm để hoàn thiện mô hình sản xuất không sử dụng hóa chất. Đại diện công ty cho biết: “Chúng tôi xử lý sâu bệnh bằng hành tỏi, phân bón hữu cơ và giám sát quy trình canh tác nghiêm ngặt bằng mã QRcode. Nhờ đó, sản phẩm được thị trường trong nước đón nhận ngày càng tốt”.
Tại Hà Nội, nhiều startup trẻ không đứng ngoài cuộc chơi đầy hấp dẫn này. Cửa hàng Rau hữu cơ Dũng Hà (phố Thụy Khuê) chuyên bán rau củ hữu cơ từ Sơn La, Lào Cai, nhận hàng tươi mới mỗi sáng. Anh Dũng chủ cửa hàng cho biết: “Ban đầu khách chủ yếu là bà mẹ bỉm sữa, nay giới văn phòng cũng đặt nhiều. Mỗi ngày tôi bán hơn 100 đơn hàng online, chưa kể khách đến mua trực tiếp”.
Một xu hướng mới đáng chú ý là sự xuất hiện của các sản phẩm theo chuẩn nhân đạo như trứng gà được nuôi thả tự nhiên, không nhốt lồng. Công ty Vĩnh Thành Đạt, đơn vị cung cấp dòng trứng này cho biết sản phẩm tăng trưởng 20-30% mỗi năm, cao gấp đôi trứng thường.
Dù tiềm năng lớn, các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng vào chính sách hỗ trợ rõ ràng và bền vững hơn từ nhà nước. Hiện diện tích canh tác hữu cơ ở Việt Nam đạt gần 200.000 ha, đứng thứ 3 ASEAN, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Theo chiến lược quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu đạt 840.000 ha đất nông nghiệp hữu cơ vào năm 2030, tương đương khoảng 3% tổng diện tích đất canh tác.
Ý kiến ()