
Dự án 7 và những chuyển biến tích cực
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giữ vai trò nòng cốt trong thực hiện Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, giúp hàng nghìn trẻ em dân tộc thiểu số có thêm cơ hội lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc.
Hơn ba năm trước, khi chương trình “Chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi” (hay còn gọi là Dự án 7) được khởi động, nhiều người hoài nghi liệu mô hình có đi vào thực chất hay không. Đến nay, câu trả lời đã được thể hiện rõ ở khắp các thôn bản vùng cao của Quảng Ninh khi trẻ em vùng cao đã và đang được cải thiện đáng kể về sức khỏe thể chất và tinh thần.

Đầm Hà là huyện có hơn 30% dân số là người DTTS. Khó khăn kinh tế khiến phụ nữ và trẻ em nơi đây trở thành nhóm dễ tổn thương nhất. Nhận diện đúng điểm nghẽn, Hội LHPN huyện đã chủ động “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, lồng ghép triển khai Dự án 7 với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo”. Mô hình “Chăm sóc và giáo dục trẻ thơ” được xây dựng tại hai xã Quảng An, Quảng Tân đã nhanh chóng thu hút gần 300 người tham gia. Cốt lõi của mô hình là các buổi sinh hoạt chuyên đề do cán bộ hội chủ trì. Các bà mẹ vùng cao được chia sẻ kinh nghiệm về dinh dưỡng theo lứa tuổi, hướng dẫn kích thích vận động, trò chơi sáng tạo cho con và cả cách san sẻ việc nhà giữa vợ chồng.

Chị Tằng Nhì Múi, xã Quảng An (huyện Đầm Hà) cho biết: “Trước kia tôi nghĩ chăm con là việc của phụ nữ, chồng chỉ lo kinh tế. Nay chồng tôi luôn san sẻ việc chăm con, cho con ăn dặm rất khéo, cũng nhờ những buổi truyền thông của Hội Phụ nữ”.
Nếu Đầm Hà khởi sắc với mô hình chăm sóc trẻ toàn diện thì Tiên Yên, nơi có đông đồng bào Dao sinh sống lại đi đầu bằng giải pháp kết hợp hỗ trợ vật chất và tư vấn chuyên sâu. Hội LHPN huyện đã vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm tặng hộp sữa, bột dinh dưỡng cho trẻ em nghèo. Ngoài ra, Hội LHPN các cấp trong huyện tổ chức những buổi tập huấn lồng ghép giới thiệu mô hình trồng rau tại nhà, chăn nuôi gà sạch, giúp phụ nữ tạo thêm thu nhập, quay vòng dinh dưỡng cho bữa ăn trong gia đình.
Còn tại huyện Ba Chẽ, nhiều chương trình tập huấn “Phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi” được tổ chức cho cán bộ hội cơ sở, cộng tác viên dinh dưỡng, y tế thôn bản. Nội dung các chương trình tập huấn không dừng ở lý thuyết mà đi thẳng vào giải pháp: cách lập thực đơn 1.500 kcal giá dưới 25.000 đồng/ngày; hướng dẫn ủ chua rau rừng bổ sung men vi sinh; tổ chức trò chơi “đố vui dinh dưỡng” để xóa bỏ tâm lý “trẻ béo mới khỏe” vốn phổ biến. Sau tập huấn, mỗi học viên trở thành “đại sứ dinh dưỡng” tại thôn mình, định kỳ tổ chức cân đo, lập biểu đồ phát triển cho trẻ.
Thành công của Dự án 7 tại Quảng Ninh đến từ sức mạnh tổng hợp nhưng điểm nhấn là sự chủ động của Hội LHPN các cấp. Các chị không chỉ là tuyên truyền viên mà còn là người kiến tạo mạng lưới: bắt tay với ngành Y tế tổ chức khám định kỳ; làm cầu nối giữa chính quyền, doanh nghiệp và hộ nghèo; vận động hội viên giám sát thực hiện chính sách để “đúng người, đúng đối tượng”. Đồng thời, công tác truyền thông về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình được lồng ghép xuyên suốt, giúp thay đổi nhận thức của đàn ông về trách nhiệm chăm con, chia sẻ việc nhà.
Điểm đáng chú ý là phương châm “đặt trẻ em làm trung tâm, đặt phụ nữ làm chủ thể”. Nhờ vậy, mỗi mô hình, mỗi buổi sinh hoạt đều chú trọng phát huy vai trò của mẹ trong gia đình, từ đó lan tỏa ra cả gia đình và cộng đồng. Dự án 7 đã và sẽ tiếp tục là minh chứng sinh động cho tinh thần “Ở đâu khó có phụ nữ” của tổ chức Hội, đóng góp quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS mà Nghị quyết 06-NQ/TU của tỉnh đã đặt ra.
Ý kiến ()