
Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá, 31/5 Thuốc lá - Mối nguy chưa tắt
Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ 25-31/5/2025, Quảng Ninh đang tăng cường các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt chú trọng vào việc thực thi lệnh cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng từ năm 2025.
Thuốc lá từ lâu đã được biết đến là kẻ thù thầm lặng của sức khỏe con người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, sử dụng thuốc lá là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất thế giới. Mỗi năm, trên toàn cầu, thuốc lá gây ra hơn 8 triệu ca tử vong, trong đó có khoảng 1,3 triệu ca tử vong là do hút thuốc lá thụ động. Tại Việt Nam, con số này cũng vô cùng báo động, hơn 100.000 người Việt Nam tử vong mỗi năm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, bao gồm cả người hút chủ động (84.500 ca) và thụ động (18.800 ca).
Gánh nặng do thuốc lá không chỉ là sinh mạng con người mà còn là thiệt hại kinh tế khổng lồ. Theo ước tính, thiệt hại kinh tế do thuốc lá tại Việt Nam lên tới 108.000 tỷ đồng mỗi năm, tương đương 1,14% GDP. Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với tổng nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách nhà nước. Rõ ràng, thuốc lá đang bòn rút sức khỏe và tài chính của mỗi gia đình, mỗi cá nhân và cả đất nước.
Những năm gần đây, bên cạnh thuốc lá điếu truyền thống, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, điển hình là thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá nung nóng (TLNN), xuất hiện ngày càng phổ biến. Với vẻ ngoài bắt mắt, đa dạng mẫu mã và đủ loại hương liệu hấp dẫn, chúng nhanh chóng lan rộng, đặc biệt trong giới trẻ.
WHO đã chọn chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2025 là “Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo”, nhằm phơi bày các chiêu trò tiếp thị tinh vi của các tập đoàn thuốc lá. Họ quảng bá TLĐT, TLNN là “sản phẩm giảm hại”, khiến nhiều người, đặc biệt là thanh thiếu niên lầm tưởng đây là lựa chọn an toàn hơn. Tuy nhiên, sự thật hoàn toàn ngược lại. Không có bất kỳ loại thuốc lá nào an toàn cho sức khỏe, kể cả TLĐT và TLNN. Các sản phẩm này chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh, đặc biệt nguy hiểm với sự phát triển não bộ ở trẻ em và thanh thiếu niên. Nicotine làm suy yếu chức năng nhận thức, cảm xúc, khả năng học tập và có thể gây rối loạn tâm thần. Giới trẻ sử dụng nicotine không chỉ dễ nghiện hơn mà còn đối mặt với các hậu quả sức khỏe sớm và nghiêm trọng hơn về lâu dài.
Bên cạnh nicotine, TLĐT và TLNN còn chứa nhiều hóa chất độc hại khác. Khói/khí từ TLĐT, TLNN không chỉ gây hại cho người hút mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh do hút thuốc thụ động. Các sản phẩm này cũng có thể gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng như ung thư, tim mạch, đột quỵ, hô hấp, tổn thương phổi cấp và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần. Đáng báo động, thực tế đã cho thấy nhiều sản phẩm TLĐT, TLNN bị lợi dụng để phối trộn và sử dụng ma túy, nhắm vào đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.
Tỷ lệ sử dụng TLĐT trong giới trẻ đang tăng nhanh ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng TLĐT ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) đã tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020.

Để hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá 25-31/5/2025, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các địa phương tăng cường triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá. Tỉnh yêu cầu thực hiện hiệu quả Kế hoạch của UBND tỉnh về Chiến lược Phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, chú trọng mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá gắn với phát triển KT-XH địa phương.
Các hoạt động truyền thông hưởng ứng được tổ chức dưới nhiều hình thức như băng rôn, khẩu hiệu, mít tinh, hội nghị, phát trên đài, loa và các hình thức phù hợp với thực tế từng địa phương. Nội dung tuyên truyền tập trung vào tác hại của thuốc lá, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội về nội dung "cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng". Tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định cấm hút thuốc tại các địa điểm công cộng như bệnh viện, trường học, nơi làm việc, nhà hàng, khách sạn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Công tác phòng, chống tác hại thuốc lá cũng được lồng ghép vào các phong trào toàn dân như "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", tạo sự hưởng ứng rộng rãi trong cộng đồng.
Tác hại của thuốc lá không chỉ dừng lại ở các con số thống kê mà đang hiện hữu rõ rệt mỗi ngày tại Bệnh viện Phổi Quảng Ninh. Tại đây, các y bác sĩ tiếp nhận điều trị nhiều ca bệnh hô hấp nghiêm trọng mà nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ việc hút thuốc lá, thuốc lào hoặc hút thuốc thụ động. Trong đó, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và hen phế quản là 2 căn bệnh phổ biến nhất, có tỷ lệ tử vong cao và gây suy giảm chất lượng sống nặng nề cho người bệnh. Toàn tỉnh hiện có hơn 3.500 người mắc COPD và hen đang được theo dõi, điều trị ngoại trú tại các cơ sở y tế. Riêng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh đang quản lý hơn 1.300 bệnh nhân.
Việc giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, cả truyền thống và thế hệ mới, chính là cách hiệu quả nhất để giảm gánh nặng bệnh tật, mang lại cuộc sống khỏe mạnh hơn cho người dân Quảng Ninh.
Ý kiến ()