"Vé thông hành” cho nông sản xuất khẩu
Trong sản xuất nông nghiệp, mã số vùng trồng được hiểu là mã số định danh cho một vùng trồng, nhằm theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc nông sản..., đây là "tấm vé thông hành” cho nông sản có thể xuất khẩu chính ngạch ra thị trường quốc tế. Xác định phát triển nông nghiệp bền vững, những năm qua, Quảng Ninh đã và đang đẩy mạnh công tác thiết lập, giám sát các vùng trồng nông sản. Qua đó, không chỉ để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, mà còn giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm.
Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa chính thức phê duyệt thêm 16 vùng trồng trên địa bàn tỉnh đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở về quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng, đủ điều kiện cấp mã số sẵn sàng xuất khẩu. Trong đó, huyện Đầm Hà có 6 vùng trồng là: 1 vùng trồng khoai lang, 1 vùng trồng lúa Bao Thai, 2 vùng trồng củ cải, 1 vùng trồng dưa ở thôn Làng Y, vùng trồng dưa ở thôn Tân Thanh; huyện Hải Hà có 9 vùng trồng là: 1 vùng trà hoa vàng, 3 vùng trồng chè, 2 vùng trồng mía tím, 2 vùng trồng rau cải xanh, vùng trồng lúa Việt Hương; TX Quảng Yên có 1 vùng trồng thông. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh đã có 41 vùng trồng và 5 cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu, tập trung chủ yếu tại các địa phương mạnh về sản xuất nông nghiệp với các cây chủ lực như vùng trồng vải ở Đông Triều, Uông Bí; vùng trồng thanh long ở Uông Bí, Móng Cái; vùng trồng quế, trồng lúa tại huyện Đầm Hà; vùng trồng ba kích, trà hoa vàng ở huyện Ba Chẽ; vùng trồng ổi, lan hồ điệp ở TP Hạ Long…
Nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, hướng đến xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu chính ngạch sang thị trường nước bạn Trung Quốc – nơi hằng năm tiêu thụ lượng lớn nông sản, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh tập trung tuyên truyền đến người nông dân các quy định trong sản xuất nông nghiệp an toàn; tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên môn, quy trình trồng, chăm sóc cây trồng; thủ tục, trình tự cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu; những yêu cầu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, GloballGAP... Để các vùng trồng đã được cấp mã số luôn duy trì việc tuân thủ các điều kiện theo yêu cầu, quy định, ngành nông nghiệp thường xuyên tăng cường phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm tra, giám sát định kỳ đối với các vùng trồng.
Cấp mã vùng trồng là yêu cầu tiên quyết và căn bản để thực hiện quy chế kiểm dịch thực vật nhập khẩu. Quảng Ninh có lợi thế khi sở hữu nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng, có giá trị. Cùng với đó là địa phương có đường biên giới cả trên bộ, trên biển với Trung Quốc nên tiềm năng xuất khẩu nông sản rất rộng lớn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy lượng nông sản của người dân Quảng Ninh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc chưa nhiều, điều này đồng nghĩa với việc chưa nâng cao được giá trị của sản phẩm nông sản địa phương. Vì vậy việc tăng cường thiết lập mã số vùng trồng, đẩy mạnh theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng cần được ngành Nông nghiệp Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh, đặc biệt là đối với những cây trồng chủ lực. Bởi việc thiết lập được mã số vùng trồng sẽ là “hộ chiếu” để nông sản xuất khẩu theo con đường chính ngạch, từng bước phát triển đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vươn ra thị trường quốc tế.
Ý kiến ()