
Gia tăng sức hút với nhà đầu tư Nhật Bản
Xác định Nhật Bản là địa bàn trọng điểm, đối tác và nhà đầu tư chiến lược trong thu hút đầu tư. Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động tăng cường các hoạt động xúc tiến, hợp tác song phương, nhằm thúc đẩy dòng vốn chất lượng cao, phù hợp với định hướng phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập quốc tế.
Để tăng cường thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương chủ động đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức, địa phương và đối tác của Nhật Bản. Trong thời gian qua, tỉnh đã không ngừng duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị với nhiều địa phương Nhật Bản như Shizuoka, Tottori, Sakai (tỉnh Osaka), Hokkaido, Shiga... Đồng thời, Quảng Ninh cũng đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa kết hợp xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; thường xuyên cử đoàn công tác sang thăm, làm việc và tham dự các chương trình xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản do các cơ quan Trung ương chủ trì. Nhờ đó, Quảng Ninh đã từng bước khẳng định hình ảnh là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, thân thiện đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản như: Sumitomo, Aeon Mall, Yazaki, Castem, Tohoku Pioneer... đã và đang triển khai hiệu quả các dự án sản xuất, kinh doanh tại tỉnh.
Tiêu biểu như Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh với tổng vốn gần 2 tỷ USD, quy mô công suất 1.500MW, được xây dựng tại phường Cửa Ông; nhà đầu tư là liên danh Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Công ty Cổ phần cơ khí và Lắp máy Việt Nam và Công ty Tokyo Gas Co, Ltd, Marubeni Corporation (Nhật Bản). Dự án được dự kiến sẽ đi vào vận hành năm 2028, cung cấp 9 tỷ kWh điện/năm cho lưới điện quốc gia và đóng góp ngân sách khoảng 67.111 tỷ đồng trong 25 năm.
Ngoài ra, một số dự án nổi bật khác của Nhật Bản cũng đã và đang được đầu tư tại Quảng Ninh như: Trung tâm thương mại AEON MALL Hạ Long, tổng vốn đầu tư khoảng 5.200 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2025; Nhà máy Yazaki tại KCN Đông Mai, chuyên sản xuất hệ thống dây dẫn ô tô, vốn đầu tư 35 triệu USD; Công ty Tenma Việt Nam sản xuất linh kiện nhựa, lắp ráp và khuôn đúc, vốn đầu tư 56 triệu USD…
Theo đại diện Chi nhánh Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam tại Quảng Ninh cho biết: Chúng tôi lựa chọn Quảng Ninh để phát triển hệ thống thiết bị điện ô tô, bởi đây là một địa phương năng động, có chính sách thu hút đầu tư cởi mở và hạ tầng đồng bộ. Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, hỗ trợ nhanh chóng, linh hoạt trong các thủ tục hành chính, giúp chúng tôi đẩy nhanh tiến độ dự án. Môi trường làm việc ở đây cũng an toàn, nhân lực dồi dào, có tay nghề. Công ty cũng đang nghiên cứu, dự kiến mở rộng quy mô sản xuất tại Quảng Ninh trong thời gian tới.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn còn nhiều dư địa để kêu gọi thu hút đầu tư các dự án FDI của Nhật Bản vào các lĩnh vực là thế mạnh của các doanh nghiệp Nhật Bản như: Du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng xanh sạch, cảng biển, logistics, kinh tế biển, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo… Các dự án này được định hướng đầu tư xây dựng với dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường, cùng với trình độ quản lý quốc tế. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư tại các địa bàn trọng điểm như: Đặc khu Vân Đồn; phường Liên Hòa; phường Quảng Yên, phường Móng Cái 1...

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 223 dự án FDI đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 16 tỷ USD. Các dự án đầu tư FDI của Nhật Bản đứng thứ 2/20 quốc gia và vùng lãnh thổ về quy mô vốn, với 15 dự án của các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư tại Quảng Ninh, chiếm 16,5%. Trong đó, tính riêng trên địa bàn các KCN, KKT của tỉnh đã có 11 dự án đầu tư do các nhà đầu tư Nhật Bản thực hiện với tổng vốn đầu tư đạt trên 290 triệu USD, gồm: 10 dự án được triển khai tại các KCN của tỉnh với tổng vốn đầu tư đạt trên 288 triệu USD và 1 dự án được thực hiện tại Đặc khu Vân Đồn với vốn đầu tư đăng ký đạt 2 triệu USD.
Hiện nay, Nhật Bản đang đứng thứ 2/20 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn FDI tại Quảng Ninh. Đây là con số vẫn chưa thực sự tương xứng với truyền thống hợp tác bền chặt, lâu dài cũng như tiềm năng thế mạnh hai bên. Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư từ Nhật Bản với nhiều giải pháp trọng tâm, đồng bộ. Trong đó, sẽ chú trọng tới việc tổ chức các đoàn công tác cấp tỉnh tham dự các sự kiện xúc tiến đầu tư lớn tại Nhật Bản, trong đó đáng chú ý là Lễ hội Việt Nam tại Sapporo (Hokkaido) dự kiến diễn ra trong năm 2025. Đây sẽ là dịp để tỉnh giới thiệu môi trường đầu tư, tiềm năng phát triển cũng như những chính sách ưu đãi nổi bật đến cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản.
Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức xúc tiến đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam như JETRO, JICA, JBA… để tổ chức hội thảo, tọa đàm, kết nối đầu tư chuyên đề. Ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với thế mạnh của Nhật Bản như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; năng lượng sạch; cảng biển - logistics; công nghệ số; trí tuệ nhân tạo; nông nghiệp thông minh… Đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đầu tư đồng bộ hạ tầng chiến lược, nhằm tạo nền tảng vững chắc để các nhà đầu tư Nhật Bản yên tâm sản xuất kinh doanh lâu dài. Với sự chủ động, quyết liệt trong xúc tiến và chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, minh bạch, Quảng Ninh kỳ vọng sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Nhật Bản trong giai đoạn tới.
Ý kiến ()