
Văn hóa giao thông bắt đầu từ ý thức học sinh
Ở Quảng Yên, câu chuyện về ATGT không còn là những khẩu hiệu khô khan trên bảng tin trường học. Từng em học sinh nơi đây đang trở thành những “tuyên truyền viên nhí” thực thụ.
Một buổi sáng đầu tuần, khi tiếng trống trường vang lên cũng là lúc những chiếc mũ bảo hiểm đủ màu sắc nối đuôi nhau dừng lại gọn gàng trước cổng Trường liên cấp TH&THCS Tiền Phong. Giữa dòng người nhộn nhịp, em Đào Huyền Trang, học sinh lớp 5A, đứng lại dặn em nhỏ đội mũ ngay ngắn trước khi bước vào trường. "Chỉ cần không đội mũ thôi là có thể bị thương nặng nếu xảy ra tai nạn", em nói với sự nghiêm túc hiếm thấy ở một cô bé lớp 5.
Trang không phải là trường hợp cá biệt. Ở Tiền Phong, mỗi học sinh là một tuyên truyền viên về ATGT. Nhờ những hoạt động ngoại khóa đầy sáng tạo - từ đóng kịch tình huống, thi vẽ tranh đến làm video về giao thông - các em đã được trang bị kiến thức, kỹ năng và trên hết là ý thức tự giác khi tham gia giao thông. Theo thầy hiệu trưởng Đoàn Văn Hải, nhà trường đã nhiều năm liền không có học sinh vi phạm Luật Trật tự ATGT.
“Chúng tôi coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Giao thông quanh xã Tiền Phong rất phức tạp do sát các khu công nghiệp. Nếu không giáo dục ý thức từ sớm, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng” - thầy Hải chia sẻ.

Không riêng gì Tiền Phong, tại Trường THCS Đông Mai, câu chuyện về ý thức giao thông cũng được khơi dậy theo cách riêng. Em Vũ Cẩm Tú, học sinh lớp 8A, từng khiến thầy cô bất ngờ khi em chủ động nhắc nhở bạn cùng trường không dàn hàng ba khi đi xe đạp. Tú tâm sự: “Em từng chứng kiến một vụ tai nạn vì các bạn đạp xe đùa nghịch, em sợ lắm. Bây giờ gặp ai vi phạm, em sẽ nhẹ nhàng nhắc bạn vì chỉ một phút lơ là là có thể không quay lại được nữa”.
Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thanh Mai cho biết, nhà trường không chỉ ký cam kết với phụ huynh và học sinh ngay từ đầu năm học, mà còn tích cực đưa nội dung ATGT vào giờ học chính khóa, đặc biệt là môn giáo dục công dân. Các buổi sinh hoạt dưới cờ thường xuyên có chủ đề giao thông, đôi khi là những câu chuyện thật về học sinh trong trường từng bị tai nạn - những câu chuyện chạm đến trái tim và khiến học trò lặng đi.
Một điểm sáng khác là mô hình “Cổng trường an toàn” với sự phối hợp của công an phường, tổ dân phố và giáo viên. Nhờ vậy, vào giờ cao điểm, dòng người trước cổng trường được phân luồng rõ ràng, không còn cảnh chen lấn, xô đẩy như trước.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hồng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT thị xã, cho biết: Các trường đã tích hợp nội dung ATGT, lồng ghép vào các môn học chính khóa, hoạt động ngoại khóa, giao lưu chuyên đề, đồng thời đưa nội dung giáo dục ATGT vào kế hoạch giảng dạy hằng năm, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật giao thông, thực hành lái xe an toàn, xây dựng văn hóa giao thông học đường. Nhờ đó, học sinh từng bước hình thành thói quen ứng xử văn minh khi tham gia giao thông, trở thành tuyên truyền viên tích cực trong gia đình và cộng đồng.
Đến nay, 100% trường học đã truyền thông về ATGT trên cổng thông tin điện tử, bản tin nhà trường; đồng thời đưa tiêu chí chấp hành pháp luật giao thông vào tiêu chuẩn đánh giá hạnh kiểm học sinh. Các trường cũng xây dựng quy định cụ thể về đảm bảo ATGT, công khai tới học sinh và phụ huynh; phân công rõ nhiệm vụ giám sát cho giáo viên, nhân viên an ninh, đội cờ đỏ, tình nguyện viên tại cổng trường và khu vực để xe. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức cho học sinh và phụ huynh ký cam kết chấp hành Luật Trật tự ATGT, thường xuyên phối hợp nhắc nhở, theo dõi, chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm.
Tại Quảng Yên, hiện việc tuyên truyền ATGT không dừng lại ở lớp học. Các trường học đã biến hành lang, sân trường thành “lớp học mở” với pa nô, áp phích sinh động và hệ thống phát thanh thường xuyên nhắc nhở. Ý thức giao thông dần trở thành một phần trong nếp sống văn hóa học đường - nơi mà các em học sinh không chỉ học để biết, mà còn để hành động.
Ý kiến ()