
Vận hành chính quyền địa phương 2 cấp: Đổi mới trong tư duy phục vụ nhân dân
Sau thời gian chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, những chuyển động bước đầu trên địa bàn Quảng Ninh đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Đó là sự chuyển mạnh từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ hành chính thuần túy sang kiến tạo môi trường phát triển. Sự thay đổi mạnh mẽ này đã và đang tạo bước chuyển mới trong cải cách hành chính, phục vụ người dân ngày một tốt hơn.
Chuyển động từ cơ sở
Những ngày qua, Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hạ Long lúc nào cũng đông người dân đến giải quyết TTHC, gấp 3, 4 lần so với trước đây. Với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, toàn thể cán bộ, công chức, người lao động của phường Hạ Long đang nỗ lực hết mình, nhanh chóng bắt tay vào công việc, không để gián đoạn, ách tắc trong quá trình tiếp nhận, giải quyết.

Bà Lưu Thị Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hạ Long, cho biết: Là địa phương có dân số đông, mỗi ngày phường Hạ Long tiếp nhận hàng trăm hồ sơ giải quyết TTHC của người dân và doanh nghiệp. Khối lượng công việc nhiều, nhưng cán bộ của trung tâm luôn làm việc với trách nhiệm cao nhất, đảm bảo tiếp nhận kịp thời, đầy đủ tất cả các hồ sơ của người dân và doanh nghiệp. Những hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của phường đều được giải quyết trước hạn.
Bà Tạ Thị Vân (khu 4, phường Hạ Long) đến Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hạ Long thực hiện chứng thực một số giấy tờ, chia sẻ: TTHC của tôi được giải quyết nhanh gọn dù có rất đông người dân đến trung tâm thực hiện giao dịch, chỉ khoảng 15 phút là đã có dấu xác nhận giúp tôi tiết kiệm thời gian để xử lý những công việc khác. Cán bộ tại trung tâm hướng dẫn kỹ lưỡng, giải thích tận tình, nên tôi không phải chờ lâu.
Kết quả đáng ghi nhận nói trên có được từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng của phường Hạ Long trước khi vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Từ việc bố trí cơ sở vật chất, đến sắp xếp đội ngũ công chức đảm bảo nhân sự có năng lực, hiểu chuyên môn, nhất là nhân sự trực tiếp tiếp nhận và giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường. Phường đã phân công cụ thể từng công chức phụ trách các lĩnh vực (tư pháp, địa chính - xây dựng, văn hóa - xã hội) để bảo đảm công việc không bị chồng chéo, hoặc bỏ sót; chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể tập trung triển khai những hoạt động thiết thực để hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp khi đến giải quyết TTHC tại phường.
Không chỉ giải quyết TTHC cho người dân nhanh chóng, tinh thần “gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ” cũng được thể hiện rõ nét qua việc lãnh đạo phường Hạ Long đã nhanh chóng triển khai các tổ công tác đến khu dân cư để gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những phản ánh thực tiễn từ người dân. Đồng thời, bố trí cuộc họp giữa lãnh đạo phường với bí thư chi bộ, trưởng khu phố, trưởng ban công tác mặt trận tại các khu dân cư… để tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời. Phường Hạ Long cũng cho ra mắt các kênh trên nền tảng số, mạng xã hội từ 1/7/2025 để ghi nhận, nắm bắt phản ánh, kiến nghị của người dân.

Còn tại xã miền núi Kỳ Thượng, Trung tâm Phục vụ hành chính công xã hoạt động cơ bản ổn định. Người dân đến giao dịch được hướng dẫn, tiếp nhận và xử lý hồ sơ nhanh nhất có thể; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và đội ngũ cán bộ được bố trí hợp lý, đáp ứng yêu cầu vận hành theo mô hình mới. Từ ngày 1/7 đến nay Trung tâm Phục vụ hành chính công xã đã tiếp nhận và giải quyết 54 hồ sơ TTHC, không có hồ sơ quá hạn.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Kỳ Thượng Hoàng Trường Sơn cho biết: Ngay sau khi công bố mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, toàn bộ hệ thống chính trị xã Kỳ Thượng đã khẩn trương triển khai công việc, với quan điểm tổ chức thực hiện nhiệm vụ ngay, không để chậm trễ, không để trống nhiệm vụ, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến người dân. Hiện bộ máy hành chính của xã đã vận hành nhịp nhàng, thông suốt; mỗi cán bộ, công chức đều xác định rõ trách nhiệm, giữ vững kỷ cương, kỷ luật hành chính, thể hiện tinh thần phục vụ nhân dân.
Cùng với phường Hạ Long, xã Kỳ Thượng, các xã, phường, đặc khu khác trên địa bàn Quảng Ninh đã và đang cho thấy sự chuyển động rõ rệt về chính quyền sát dân ngay từ cơ sở, khẳng định quyết tâm xây dựng một nền hành chính kiến tạo, vì nhân dân phục vụ.
Kiến tạo môi trường hành chính hiện đại
Thực tiễn sinh động sau quá trình sắp xếp đơn vị hành chính đã cho thấy sự thay đổi mang tính đột phá của chính quyền cấp xã. Không còn là nơi làm việc theo lối cũ với những quy trình cứng nhắc và tư duy thụ động, chính quyền cơ sở giờ đây đang chuyển mình mạnh mẽ, thích nghi với bối cảnh mới. Địa bàn rộng hơn, dân số đông hơn, yêu cầu của người dân cao hơn, vì vậy đòi hỏi cán bộ xã phải tự nâng mình lên cả về năng lực chuyên môn lẫn thái độ phục vụ.

Qua ghi nhận ở nhiều xã, phường, đặc khu cho thấy sự chuyển biến rõ rệt trong tác phong làm việc của cán bộ, công chức. Đội ngũ cán bộ, công chức đi làm đúng giờ, làm việc nghiêm túc và khẩn trương hơn. Nội quy cơ quan được thực thi một cách nghiêm túc, tạo nên nền nếp hành chính chuyên nghiệp và quy củ hơn. Đặc biệt, quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho người dân đã được tinh gọn và minh bạch hóa. Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quản lý và xử lý hồ sơ không chỉ giúp cắt giảm đáng kể thời gian chờ đợi, mà còn hạn chế tối đa sai sót, mang lại sự tiện lợi và hài lòng cho người dân. Nhiều xã, phường trên địa bàn tỉnh đã chủ động bố trí thêm cán bộ, đoàn viên, thanh niên hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến, tư vấn pháp lý, hỗ trợ các nhóm yếu thế…
Điều đáng ghi nhận nhất chính là chuyển biến mạnh mẽ trong thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức. Đây thực sự là yếu tố then chốt, tạo nên sự hài lòng của người dân ngay từ những ngày đầu thực hiện mô hình chính quyền mới. Với đặc thù là tiếp nhận và giải quyết trực tiếp phần lớn TTHC, cấp xã đóng vai trò trung tâm trong việc cung cấp dịch vụ công. Sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ từ cấp tỉnh cho cấp xã đã góp phần định hình rõ hơn trách nhiệm và năng lực xử lý tại từng đầu mối. Nhờ đó, người dân có thể dễ dàng nhận diện một điểm đến duy nhất, một cấp giải quyết cụ thể và một cấp chịu trách nhiệm rõ ràng, tránh được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.
Ông Mai Huy Đỉnh (phường Quảng Yên) chia sẻ: Không còn thị xã Quảng Yên nữa, nên trách nhiệm của cán bộ phường nặng hơn. Nhưng qua giải quyết công việc, tôi thấy cán bộ, công chức phường làm việc rất chuyên nghiệp, lịch sự. Tôi mong đội ngũ cán bộ phường ngày càng được nâng cao về chuyên môn, tinh thần phục vụ để người dân được hỗ trợ giải quyết công việc nhanh gọn, hiệu quả.
Có thể khẳng định, việc sáp nhập các xã, phường, đặc khu đã tạo ra những áp lực, nhưng đồng thời cũng là động lực để cấp xã tự đổi mới. Khi trách nhiệm được giao rõ ràng, cán bộ sẽ chủ động hơn, hạn chế tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Mô hình này không chỉ nâng cao tính chủ động cho cấp xã, mà còn giúp định hình lại tư duy làm việc, thúc đẩy chính quyền cơ sở chuyển mình theo hướng đổi mới cách nghĩ, cách làm và cách phục vụ, thể hiện sự chủ động và linh hoạt cần thiết, nhằm giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất.

Ông Đào Tất Thắng, Chủ tịch UBND phường Hồng Gai, cho biết: Không gian hành chính, quy mô nền kinh tế của địa phương sau sáp nhập trở nên rộng hơn, đa dạng hơn, cũng đồng nghĩa với việc nguồn lực cộng đồng được kết nối tốt hơn. Các khu dân cư đông đúc, trình độ dân trí cao, đội ngũ cán bộ được kiện toàn, mô hình quản lý hành chính hiện đại... là tiền đề để phường Hồng Gai, cũng như các địa phương khác vận hành hiệu quả bộ máy, phục vụ người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, thông suốt. Đây chính là cơ hội để địa phương phát huy tính chủ động, linh hoạt và tinh thần kiến tạo.
Mặc dù việc vận hành của chính quyền cấp xã đã tạo ra những thay đổi, song không thể phủ nhận cấp xã vẫn phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Việc địa bàn được mở rộng kéo theo khối lượng công việc gia tăng, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải xử lý công việc nhiều hơn trong cùng một khoảng thời gian. Hơn nữa, việc được trao quyền nhiều hơn cũng đồng nghĩa với trách nhiệm lớn hơn, đặc biệt khi phải đồng thời giải quyết các vấn đề tồn đọng, thậm chí là những vấn đề chưa từng có tiền lệ. Đây chính là một phép thử đối với năng lực xử lý của cán bộ trong bộ máy mới.
Để vượt qua những thách thức này, đòi hỏi các xã, phường, đặc khu trên địa bàn tỉnh phải tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, mạnh dạn xác định những điểm nghẽn trong quy trình và đề xuất những giải pháp đột phá. Thay vì tư tưởng chờ đợi chỉ đạo từ cấp trên, chính quyền cơ sở cần chủ động tìm tòi, sáng tạo để không ngừng cải thiện chất lượng phục vụ, thực sự trở thành một chính quyền "kiến tạo" và "phục vụ" vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Ý kiến ()