
Tăng cường giải pháp phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Chiều 3/4, tại TP Hạ Long, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững để đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, thời gian qua, các cấp ủy Đảng và chính quyền trong tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản, chính sách để triển khai. Đến nay, nguồn nhân lực của tỉnh cơ bản hợp lý về mặt số lượng, từng bước cải thiện về mặt chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị liên tục giảm từ 2,23% (năm 2021) giảm xuống còn 2,16% (năm 2024), là một trong số ít tỉnh có tỷ lệ thất nghiệp thấp so với tỷ lệ chung của cả nước. Cơ cấu lao động theo ngành tiếp tục chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 85,5% năm 2021 lên khoảng 87% năm 2024, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ tăng từ 46% lên khoảng 51%.
Quảng Ninh luôn quan tâm công tác phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, trong đó, tăng cường bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; công tác tuyển dụng được thực hiện đảm bảo đúng quy định, khách quan, công khai, minh bạch, có sự kết hợp giữa chỉ tiêu biên chế, yêu cầu công việc và vị trí việc làm; có nhiều chính sách sử dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Sau khi lắng nghe ý kiến tham gia của các sở, ban, ngành, phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Tài chính cần nâng cao trách nhiệm trong công tác tham mưu cho UBND tỉnh về nguồn nhân lực; rà soát kỹ lưỡng báo cáo, đảm bảo đánh giá khách quan; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thu hút lao động; xây dựng kế hoạch triển khai bộ tiêu chí đối với nguồn nhân lực tại Quảng Ninh; thiết lập kho dữ liệu thông tin nguồn nhân lực để hình thành sàn giao dịch điện tử về thị trường lao động.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành cần rà soát kỹ lưỡng để đề xuất nhu cầu về số lượng, ngành nghề, tiêu chí… lao động trong thời gian tới; hỗ trợ sinh viên một số ngành theo định hướng phát triển của tỉnh; xây dựng chính sách cho giáo viên; phát triển nhân lực khu vực dân tộc miền núi; tăng cường phối hợp với cơ sở đào tạo. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng nghị quyết về nguồn nhân lực công, nghị quyết về công tác đào tạo.
Ý kiến ()