![](https://media.baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo-mb-white.png)
Tưng bừng du xuân, trẩy hội đầu năm
Trong không khí hân hoan, vui tươi của những ngày đầu năm mới, người dân khắp nơi lại nô nức đi lễ chùa, đi hội xuân với ước vọng cầu cho năm mới nhiều sức khỏe, bình an, tài lộc; tỏ lòng tri ân công đức đối với các bậc tiền nhân có công tạo dựng đất nước... Qua đó, không chỉ gìn giữ nét đẹp văn hóa nguồn cội được trao truyền từ bao đời, tạo không gian giao lưu, gắn kết cộng đồng mà còn góp phần đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá, kích cầu du lịch địa phương.
Gìn giữ nét đẹp văn hóa nguồn cội
Mỗi độ Tết đến Xuân về, du khách thập phương lại náo nức đến với Quảng Ninh - nơi sở hữu hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa lâu đời cùng những lễ hội lớn, độc đáo, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Trong 9 ngày nghỉ Tết vừa qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh khá đẹp tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và du khách rộn ràng du xuân.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2309732_img_9900_08092804.jpg)
Nổi bật, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử trong suốt những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, đã đón gần 77.000 lượt khách, trong đó có nhiều khách quốc tế đến từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, châu Âu… Lượng khách tăng từ 40-50% so với ngày thường và dự kiến tiếp tục tăng trong dịp lễ hội kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân. Nhiều chương trình vui xuân đón Tết mang đậm nét văn hóa cổ truyền dân tộc đã được tổ chức trong dịp Tết Nguyên đán tại Yên Tử với các trò chơi dân gian; biểu diễn nghệ thuật truyền thống, nhạc cụ dân tộc; múa rồng, lân; trải nghiệm ẩm thực, văn hóa của cộng đồng dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử…
Ông Phạm Xuân Trường (du khách Hà Nội) chia sẻ: Mỗi dịp Tết có điều kiện, gia đình tôi đều về du xuân tại Yên Tử để cầu bình an, sức khỏe trong năm mới. Về với non thiêng, đất Phật cảm nhận đất trời giao hòa vào xuân, vạn vật tĩnh tại khiến lòng người cũng thấy an yên vô cùng. Phải khẳng định rằng công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở đây rất tốt, cảnh quan sạch sẽ, đảm bảo an ninh trật tự, vì vậy mỗi người dân, du khách cũng tự ý thức văn minh, lịch sự khi đi lễ.
![Khu di tích đặc biệt quốc gia Yên Tử đã đón trên 4.000 lượt khách đến tham quan, chiêm bái.](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2309687_khu_di_tich_dac_biet_quoc_gia_yen_tu_da_don_tren_4_000_luot_khach_den_tham_quan_chiem_bai_08043804.jpg)
Mở đầu cho chuỗi các lễ hội xuân tại Quảng Ninh, từ ngày mùng 5-7 tháng Giêng vừa qua, tại Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia miếu Tiên Công, xã Cẩm La (TX Quảng Yên), đã diễn ra Lễ hội Tiên Công năm 2025. Đây là lễ hội xuân đặc sắc lớn nhất vùng đảo Hà Nam, được nhân dân bảo tồn và phát huy giá trị hơn 300 năm nay.
Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ các vị Tiên Công đã có công khẩn hoang, lập nên vùng đảo Hà Nam trù phú như ngày nay và cũng là dịp để con cháu mừng thọ, thể hiện đạo hiếu với ông bà, cha mẹ, biết ơn tổ tiên. Trong 3 ngày diễn ra Lễ hội Tiên Công đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian rộn ràng, vui tươi, như: Cờ người, tổ tôm điếm, chơi đu, hát đúm giao duyên, kéo co… Trong đó, đặc sắc nhất là nghi lễ rước cụ Thượng bằng kiệu võng đào lên miếu Tiên Công diễn ra vào ngày chính hội mùng 7 tháng Giêng, thể hiện sự ngưỡng vọng, tôn vinh các tiên công, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng cửa biển Bạch Đằng.
Bà Nguyễn Thị Cán (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) cho biết: Sinh ra và lớn lên tại vùng đảo Hà Nam, tôi luôn tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương mình. Năm nay, gia đình tôi cũng tổ chức lễ thượng thọ cho bố tôi, vì vậy từ những ngày trong Tết, con cháu khắp nơi đã trở về sum họp cùng quây quần chuẩn bị mừng thọ cho bố, tham gia lễ hội Tiên Công. Đây thật sự là một nét đẹp, truyền thống văn hóa quý báu mà chúng tôi muốn giáo dục con cháu mãi về sau.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2309683_2309009_222025_ruoc_cac_cu_11170102_07593504.jpg)
Cùng với Lễ hội Tiên Công, rất nhiều lễ hội truyền thống tại các địa phương trong tỉnh cũng đã tổ chức khai hội, như: Hội xuân Yên Tử (TP Uông Bí), Hội xuân Ngọa Vân (TP Đông Triều); khai hội đền Cặp Tiên (TP Cẩm Phả), Lễ hội đình Làng Dạ (huyện Ba Chẽ); Lễ hội Đồng Đình (huyện Tiên Yên)…
Các lễ hội không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, sinh hoạt tâm linh của nhân dân với mong ước về một năm mới an lành, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mà còn là hoạt động thể hiện lòng thành kính, tri ân đối với công lao to lớn của các vị anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Qua đó, nhằm góp phần gìn giữ giá trị lịch sử, nét đẹp văn hóa cội nguồn, đồng thời nhắc nhở, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh
Trải dài khắp tỉnh đâu đâu cũng có những lễ hội truyền thống được người dân gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ. Các lễ hội như một kho tàng di sản văn hóa quý giá của dân tộc. Hòa mình cùng dòng chảy của xã hội hiện đại, các lễ hội ngày càng được nâng tầm cả về quy mô và hình thức, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Có không ít lễ hội truyền thống của Quảng Ninh đã khẳng định được giá trị, tầm vóc khi vượt khỏi ranh giới của làng, xã, trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như: Lễ hội đền Cửa Ông, Lễ hội Tiên Công, Lễ hội đình Trà Cổ, Lễ hội đình Quan Lạn, Lễ hội Bạch Đằng, Lễ hội đình Đầm Hà, Lễ hội đình Vạn Ninh, Lễ hội Xuống đồng.
![Am - Chùa Ngọa Vân,](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2309685_am_chua_ngoa_van_08021704.jpg)
Theo thông tin từ Sở Du lịch, trong 9 ngày (từ 25/1-2/2, tức từ 26/12 âm lịch đến hết ngày mùng 5 Tết), Quảng Ninh đón gần 970.000 lượt khách du lịch. Đặc biệt, các điểm đến văn hóa tâm linh của tỉnh tiếp tục là trọng điểm thu hút du khách, lượng khách đến các địa điểm này tăng từ 6-8 lần so với ngày thường. Cụ thể như, đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) đạt trên 90.000 lượt, chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn) đạt khoảng 130.000 lượt, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử (TP Uông Bí) đạt gần 77.000 lượt, Khu di tích Nhà Trần (TP Đông Triều) đạt 59.000 lượt…
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2309723_img_9862_08064704.jpg)
Kết quả này cũng cho thấy nỗ lực của các sở, ngành, địa phương của tỉnh trong công tác đầu tư trùng tu, tôn tạo các khu di tích, danh thắng ngày càng khang trang hơn, khuôn viên được mở rộng, chỉnh trang với nhiều hoa, cây xanh, tiểu cảnh đẹp mắt đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, thư giãn lý tưởng cho du khách. Đồng thời, các địa phương cũng chủ động triển khai, thực hiện tốt công tác quản lý, tổ chức tốt các hoạt động lễ hội xuân theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán.
Cùng với đó, khuyến khích người dân tham gia gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của di tích, lễ hội thông qua các hoạt động trình diễn văn nghệ, trò chơi dân gian, giới thiệu văn hóa, ẩm thực… đưa lễ hội trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo, là điểm hẹn văn hóa ngày xuân của du khách bốn phương. Qua đó, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của ngành du lịch Quảng Ninh đón 20 triệu lượt khách cả năm, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế, đạt mức doanh thu du lịch khoảng 50.000 tỷ đồng.
Ý kiến ()