![](https://media.baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo-mb-white.png)
Kỳ vọng thị trường bán lẻ
Năm 2025, ngành bán lẻ Quảng Ninh được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nền tảng vững chắc của hệ thống phân phối, sự phục hồi của nền kinh tế trong và ngoài nước, cùng với sự mở rộng của các “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của thương mại điện tử và phương thức bán hàng đa kênh sẽ tạo ra những cơ hội tăng trưởng đầy hứa hẹn.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2310762_2305959_doi_qltt_so_3_tuyen_truyen_phap_luat_giam_sat_hoat_dong_kinh_doanh_tai_cho_cam_dong_tp_cam_pha_07400622_16023306.jpg)
Năm 2024, hoạt động thương mại - dịch vụ tại Quảng Ninh đã có những bước tiến tích cực, góp phần làm sáng bức tranh kinh tế chung của tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh ước tăng 12,9% so với năm trước. Hầu hết các nhóm hàng hóa và dịch vụ đều có mức tăng trưởng dương. Những kết quả này là minh chứng cho sự phát triển ổn định và tiềm năng mở rộng của thị trường bán lẻ tỉnh trong thời gian tới.
Để đạt được kết quả đó, tỉnh đã triển khai hàng loạt giải pháp quan trọng như tăng cường xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu giữa Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố trên cả nước, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững; nâng cao công tác quản lý thị trường, kiểm soát chặt chẽ nguồn cung - cầu, xử lý nghiêm tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh; phát triển hạ tầng thương mại; chú trọng mở rộng hệ thống bán lẻ tại khu vực nông thôn, giúp người dân tiếp cận hàng hóa chất lượng dễ dàng hơn.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2310763_img_9863_16032506.jpg)
Trong đó, với vai trò nòng cốt, Sở Công Thương đã tích cực theo dõi diễn biến thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, phát triển hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại; tăng cường kết nối, liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến thương mại, triển khai mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm. Nổi bật là tổ chức thành công Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia là Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc - Quảng Ninh 2024; Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Xuân 2024, Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024; Tuần hàng Việt; tham gia 2 chương trình xúc tiến thương mại tại Hà Nội, Đà Nẵng; tham gia 4 chương trình lễ hội, hội chợ thương mại tại Trung Quốc, Lào; 2 hội nghị kết nối, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP; tổ chức xác nhận 12 chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó là đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại thông qua tổ chức các phiên bán hàng trực tuyến, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, bố trí khu gian hàng quảng bá hoạt động thương mại điện tử, qua đó đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất các sản phẩm OCOP được tiếp cận với hình thức bán hàng trực tuyến. Cung cấp thông tin chương trình xúc tiến thương mại tại 25 tỉnh Tiền Giang, Kon Tum, Đắk Lắk, Thái Nguyên,… và đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới, UBND các địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân trẻ và Liên minh HTX tỉnh phối hợp cung cấp thông tin đến các đơn vị, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý biết, chủ động đăng ký tham gia. Hỗ trợ kết nối thông tin, quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn của 16 tỉnh/thành phố (Bình Thuận, Hà Giang, Cần Thơ…) đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đơn vị phân phối trên địa bàn tỉnh. Tổ chức 2 hội nghị nâng cao nhận thức về lợi ích mô hình chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt và kỹ năng ứng dụng các giải pháp số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho 300 đại biểu là BQL các chợ, các hộ sản xuất, kinh doanh, người dân trên địa bàn TX Quảng Yên, huyện Đầm Hà. Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, Cơ quan phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ và Khởi nghiệp Hàn Quốc (KOSME) tổ chức Lớp đào tạo “Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới” tại Quảng Ninh cho… doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Triển khai khảo sát tình hình ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh; triển khai nhân rộng mô hình Chợ 4.0 “Thanh toán không dùng tiền mặt”.
Đến nay, toàn tỉnh có 82 sản phẩm OCOP được kết nối tiêu thụ ổn định vào các kênh tiêu thụ hiện đại (siêu thị Go! Hạ Long, MM Mega Market, Winmart, Aloha...), chuỗi cửa hàng tiện lợi nông sản sạch và 82 điểm mua sắm sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của tỉnh phục vụ khách du lịch. 123 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được tiêu thụ tại một số thị trường các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương; 393/393 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao lên các sàn thương mại điện tử. 100% các chợ trung tâm chấp nhận thanh toán các khoản phí, thanh toán hóa đơn điện, nước thông qua các phương thức không dùng tiền mặt; số hộ kinh doanh tại chợ chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 83%. Hiện các địa phương, hộ kinh doanh đang tiếp tục duy trì tại 100% các chợ hạng 1, hạng 2 và triển khai mở rộng, phấn đấu đạt 100% tại các chợ trên địa bàn.
Năm 2025, ngành bán lẻ của tỉnh dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào sự ổn định của nền kinh tế và sự phát triển bền vững của hạ tầng thương mại. Cùng với xu hướng chuyển đổi số và sự bùng nổ của thương mại điện tử, thị trường bán lẻ Quảng Ninh sẽ có cơ hội lớn để phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, sự kết hợp giữa các kênh bán lẻ truyền thống và trực tuyến sẽ là động lực chính giúp các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao trải nghiệm mua sắm.
Hiện, Sở Công Thương đang tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư vào hạ tầng thương mại hiện đại, mở rộng kênh phân phối và nâng cao chất lượng dịch vụ. Sở cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển mô hình bán lẻ đa kênh, kết hợp giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến mại và hội chợ tiêu dùng sẽ được tổ chức để kích cầu và mở rộng thị trường. Ngoài ra, sẽ tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát chất lượng hàng hóa, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, việc thu hút đầu tư từ các tập đoàn bán lẻ lớn, phát triển hệ thống logistics và chuỗi cung ứng hiện đại cũng sẽ được chú trọng nhằm tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành bán lẻ trong năm 2025.
Mặc dù phải đối mặt với không ít thách thức trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, ngành bán lẻ Quảng Ninh vẫn ghi nhận những kết quả khả quan trong năm 2024 và được kỳ vọng sẽ có bước đột phá mạnh mẽ vào năm 2025 nhờ vào triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Trong dài hạn, với tốc độ đô thị hóa nhanh, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và sự gia tăng thu nhập, mức sống của người dân, ngành bán lẻ sẽ có nhiều cơ hội để phát triển vượt bậc. Những yếu tố này không chỉ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường tiêu dùng mà còn tạo đà vững chắc để ngành bán lẻ Quảng Ninh tự tin hoàn thành mục tiêu trong năm 2025.
Ý kiến ()