Từ tổn thất rõ ra bài học
Theo VietNamNet: Thất bại này là do “cách làm của sự thiếu chuyên nghiệp” và “chúng ta chưa có một chiến lược cụ thể để bảo vệ và tôn vinh Vịnh Hạ Long cũng như các di sản thiên nhiên và văn hóa như giá trị thực của nó”.
Theo Báo Tuổi trẻ thì thoả thuận giữa Tổ chức NewOpenWorld (NOWC) với Ban Vận động Tuyên truyền, bầu chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới (OSC) là yêu cầu bắt buộc, nhưng những điều khoản này “nằm yên trên giấy và không được công bố rộng rãi tại Việt Nam”.
Theo Báo Lao động, nguyên nhân vi phạm thoả thuận giữa NOWC với OSC là do “thái độ thờ ơ của các cơ quan chức năng” nên tình trạng vi phạm thoả thuận chậm được khắc phục.
Chỉ khi Vịnh Hạ Long bị gỡ khỏi danh sách bình chọn vào ngày 14-4, thì đến ngày 15-4 OSC mới cho biết trước đó 7 ngày NOWC đã có thư gửi OSC “cảnh báo” những vi phạm cần được xử lý. Điều này càng chứng minh cho sự thờ ơ, thiếu chuyên nghiệp của chúng ta đối với một hoạt động quốc tế.
Nếu lạm phát hiện nay cũng là cơ hội cải cách nền hành chính, chỉnh đốn doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực, trình độ quản lý của cơ quan nhà nước như ý kiến của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, thì tổn thất này đối với Vịnh Hạ Long trong cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới cũng là bài học để chúng ta nhận rõ những lỗ hổng trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực.
Bằng sự khẳng định của UNESCO, Vịnh Hạ Long đã là kỳ quan trong mắt du khách bốn phương, trách nhiệm của chúng ta là phải bảo vệ và tôn vinh những giá trị của Vịnh Hạ Long.
Hành động của chúng ta phải xứng tầm với những giá trị của Vịnh Hạ Long!
Ý kiến ()