
"Trợ lực" quan trọng cho nông nghiệp
Thiên tai, dịch bệnh trong những năm gần đây đã và đang đặt ra thách thức lớn với ngành Nông nghiệp Quảng Ninh. Trong bối cảnh đó, những quyết sách của trung ương và của tỉnh ban hành kịp thời đã giúp người dân sớm khôi phục sản xuất.
Thiệt hại nông nghiệp trên địa bàn tỉnh do cơn bão số 3 (tháng 9/2024), hiện vẫn để lại những ảnh hưởng đáng kể. Sau cơn bão, thiệt hại về vật chất ước tính lên đến 13.889 tỷ đồng, chiếm 49,6% tổng thiệt hại toàn tỉnh, với 3.108 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 150 tàu cá bị chìm; 7.622ha lúa, hoa màu bị đổ, ngập úng; 395.331 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 128.873ha rừng trồng bị gãy đổ. Theo ước tính của Sở Nông nghiệp và Môi trường, trong giai đoạn 2010-2024, thiên tai, dịch hại thực vật xảy ra trên địa bàn tỉnh đã gây ra các thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, ước khoảng 34.840 tỷ đồng. Hàng nghìn hộ dân lâm vào cảnh "trắng tay", không có khả năng tái đầu tư sản xuất.
Từ năm 2017 đến nay, công tác hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP (ngày 9/1/2017) của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh được UBND tỉnh cụ thể hóa bằng Quyết định số 1568/QĐ-UBND (ngày 18/5/2017). Chính sách hỗ trợ trên góp phần giảm thiểu khó khăn cho các đối tượng bị thiệt hại, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ hiện hành được xây dựng từ năm 2017 theo Quyết định 1568/QĐ-UBND không còn phù hợp với mặt bằng giá cả và thực tế sản xuất hiện nay. Mức hỗ trợ thấp, đối tượng chưa đầy đủ, nhiều mô hình nuôi trồng đặc thù chưa có trong danh mục hỗ trợ khiến người dân không thể tiếp cận chính sách. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ, lực lượng đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp hiện đại cũng không nằm trong nhóm được hỗ trợ.
Khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2025/NĐ-CP (ngày 10/1/2025) Quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Để hỗ trợ, khắc phục hậu quả do thiên tai, dịch hại gây ra đối với sản xuất nông nghiệp, giúp giảm khó khăn cho các đối tượng bị thiệt hại, góp phần ổn định đời sống, khôi phục sản xuất và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống thiên tai và dịch hại thực vật, việc ban hành Nghị quyết Quy định chi tiết Nghị định số 09/2025/NĐ-CP (ngày 10/1/2025) của Chính phủ về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là rất cần thiết.
Xuất phát từ thực tế đó, UBND tỉnh đã xây dựng và trình HĐND tỉnh xem xét ban hành nghị quyết mới, quy định cụ thể mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nhằm khôi phục các vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại. Dự thảo nghị quyết kế thừa, cập nhật và mở rộng nhiều nội dung mới so với chính sách cũ. Trong đó, xem xét hỗ trợ cây trồng từ 3-30 triệu đồng/ha tùy giai đoạn sinh trưởng và tỷ lệ thiệt hại; rừng sản xuất và vườn ươm được hỗ trợ tối đa 60 triệu đồng/ha; mô hình nuôi hàu dây treo được nâng mức hỗ trợ lên 1,5 lần so với khung quy định tại Nghị định 09/2025/NĐ-CP của Chính phủ… Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được hỗ trợ với mức tương đương hộ dân, mở ra cơ hội phục hồi sản xuất cho nhiều cơ sở đang chịu ảnh hưởng nặng nề.
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chính sách khoảng 110 tỷ đồng/năm, được huy động từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, quỹ phòng chống thiên tai và các nguồn hợp pháp khác. Việc xây dựng chính sách đã được thực hiện kỹ lưỡng, tham vấn rộng rãi các sở, ngành, địa phương, hiệp hội nông dân, người sản xuất trực tiếp. Ông Hà Đức Dự, thôn 8, đặc khu Vân Đồn chia sẻ: Người nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng nề sau bão, rất mong mỏi sự hỗ trợ, nhất là từ các nghị quyết của tỉnh. Chính sách hỗ trợ rất sát với nhu cầu thực tế của người làm nông, nhất là khi thiên tai xảy ra bất cứ lúc nào, thiệt hại ngày càng khó lường. Nếu được hỗ trợ kịp thời, sẽ giúp bà con có điều kiện để nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Ngoài việc đảm bảo đời sống cho người dân, nghị quyết khi được thông qua sẽ góp phần ổn định sản xuất, hạn chế hệ lụy kéo dài về kinh tế - xã hội, khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp có giá trị cao, ứng dụng kỹ thuật hiện đại. Chính sách này cũng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế tư nhân, nông nghiệp công nghệ cao và chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao mà tỉnh Quảng Ninh đang triển khai.
Ý kiến ()